Công cụ tìm kiếm

Có nhiều lựa chọn khác ngoài Google, dù là tìm kiếm văn bản, video, hình ảnh, tin tức hay thông tin địa phương. Hiện có một số dịch vụ tìm kiếm đã trở thành đối thủ đáng gờm của "vua" tìm kiếm. 

Không có nhiều tên tuổi có thể trở thành "động từ" tìm kiếm như "hãy google ...". Báo cáo tháng 1/2007 của Nielsen/NetRatings cho thấy hơn phân nửa toàn bộ truy vấn trên web ở Mỹ thực hiện qua Google. Công cụ tìm kiếm phổ biến thứ hai, Yahoo Search, đạt được ít hơn phân nửa của Google.

Google có thật sự xứng đáng với lưu lượng đó hay nó chỉ sống nhờ vào danh tiếng? Người ta dùng nó vì họ không biết những dịch vụ tìm kiếm khác có thể tốt hơn? Để tìm câu trả lời, nhóm thử nghiệm (NTN) cho Google đấu với các đối thủ sừng sỏ, Yahoo và Microsoft Live Search, cũng như chọi với những "kẻ thách thức" nhỏ hơn như AlltheWeb, AltaVista và Ask.com và một số dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt gồm Blogdigger, PicSearch và TubeSurf.

Dịch vụ tìm kiếm đoán trước có thể bạn cần tìm hình để hiển thị cùng với kết quả văn bản thông thường.

Kết quả cho thấy Google thật sự là dịch vụ tìm kiếm tốt nhất, mặc dù có 2 dịch vụ khác đứng trên nó - nhưng chỉ trong các kiểm tra tìm kiếm văn bản (text). Chỉ mục của Google tỏ ra chính xác, thông minh và cập nhật nhất. Nó cũng hơn đa số các site tìm kiếm chuyên biệt, nghĩa là những site tập trung vào một loại thông tin hay kiểu file, như video, hình ảnh, tin tức, blog hay thông tin địa phương cung cấp trên điện thoại di động.

Các cải tiến gần đây đối với thành phần di động của Live Search đã đưa dịch vụ này lên đứng đầu trong các kiểm tra tìm kiếm thông tin địa phương, mặc dù bạn phải di chuyển thủ công đến site tối ưu cho di động của nó thay vì được chuyển tự động khi bạn đăng nhập từ ĐTDĐ hay thiết bị cầm tay.

Điều này cho thấy việc cạnh tranh gay gắt và Google tốt hơn nên tập trung vào sở trường của mình. Các đối thủ của nó đang thực hiện một số công cụ cải tiến và nâng cấp giao diện (Ask.com gây ấn tượng đặc biệt về mặt này) để tăng cường trải nghiệm người dùng và cung cấp nhiều thông tin hơn 10 liên kết màu xanh thông thường trên trang kết quả.

Quán quân không thể tranh chấp?

Nếu bạn dùng Google và hài lòng với nó thì không có lý do gì lại chuyển sang các dịch vụ khác. Đơn giản vì Google là công cụ tìm kiếm xuất sắc. Nó ghi điểm cao nhất hay gần cao nhất trong tất cả các thử nghiệm, gồm tìm kiếm thông tin văn bản thông thường cũng như tìm kiếm video, hình ảnh, tin tức, blog và thông tin địa phương. Trong khi các dịch vụ khác thực hiện tốt ngang hay hơn một chút trong những lĩnh vực riêng biệt, chỉ duy nhất Google xuất sắc trong hầu hết lĩnh vực.

Vòng kiểm tra đầu tiên bao gồm hàng chục site tìm kiếm chuyên biệt và đa năng; hai vòng cuối tập trung các dịch vụ hàng đầu của 6 chủng loại ở vòng đầu.

TubeSurf, dịch vụ tìm kiếm video, kết hợp các kết quả từ Google, MySpace, YouTube và Yahoo.

Điều này không có nghĩa là các site tìm kiếm ghi điểm thấp trong các thử nghiệm ở đây không có những tính năng đáng giá. Ask.com đáng được ghi nhận về tính tiện lợi và tính năng tìm hình, mặc dù trong các thử nghiệm tìm kiếm văn bản chỉ thể hiện tàm tạm. Yahoo làm tốt trong hầu hết chủng loại, gồm tìm kiếm thông tin địa phương và văn bản nhưng chỉ đạt mức trung bình ở tìm kiếm hình ảnh và video.

Ngoài những tên tuổi lớn trên, còn có hàng chục site tìm kiếm chuyên tìm hình ảnh, tin tức, blog và những thông tin chuyên biệt khác. Với một số truy vấn, các dịch vụ nhỏ này là lựa chọn tốt. Chẳng hạn, Superpages.com và Whitepages.com xuất sắc trong việc tìm người. Còn TubeSurf thì tìm kiếm video đồng thời trên Google, MySpace, Yahoo và YouTube, đây là cách nhanh chóng để truy vấn nhiều site. Tuy nhiên với nhiều chủng loại, như video, hình ảnh và tin tức thì những dịch vụ lớn thường làm tốt hơn những dịch vụ nhỏ. 

Có thể bạn đã từng nghe nói tất cả các dịch vụ tìm kiếm đều đưa ra cùng danh sách kết quả. Có chút sự thật về tuyên bố này: ví dụ, khi bạn truy vấn các site tìm kiếm tin tức về một tin quan trọng nóng hổi, có thể bạn sẽ nhận được kết quả giống hệt nhau. Nhưng trong thử nghiệm ở đây, các kết quả trả về khác nhau đáng kể giữa các dịch vụ tìm kiếm, đặc biệt là với các truy vấn hình ảnh, video và blog. Ví dụ, truy vấn hình ảnh lễ hội Mardi Gras (lễ truyền thống tại Mỹ) nhận được kết quả đa dạng, từ các ảnh chụp cận cảnh nghiệp dư đến các bức toàn cảnh chuyên nghiệp.

Kết quả tìm kiếm blog cũng không thể đoán trước. Thử nghiệm truy vấn "Huffington Libby" (không nhập dấu nháy), mục tiêu cần tìm là một bài trên blog Huffington Post nói về vụ xử cựu trợ lý Nhà Trắng Lewis "Scooter" Libby - tin nổi bật vào lúc đó. Ở nhiều site tìm kiếm blog, như Ice Rocket, Sphere và Technorati, kết quả trả về không có các liên kết chỉ đến bài đích mà chỉ đến các bài ở những blog khác có đề cập đến tin về Libby của The Huffington Post. Bài học rút ra ở đây là một số site chuyên biệt đáng để ghé qua, còn một số khác thì không. Về thành tích, Google đứng đầu trong các thử nghiệm tìm kiếm blog, theo sau là Sphere và Blogdigger.

NTN tính 3 điểm cho một dịch vụ tìm kiếm nếu liên kết đầu tiên trong danh sách kết quả chỉ đến đáp án đúng hay site phù hợp (hoặc bản thân đáp án xuất hiện ở đầu trang kết quả hay trong kết quả đầu tiên). Một liên kết chỉ đến đáp án đúng thứ 2 hay 3 được 2 điểm, còn một liên kết đến đáp án đúng ở trong 10 kết quả đầu được 1 điểm (với các dịch vụ tìm kiếm hình ảnh mà mỗi trang thường có hơn 10 hình thu nhỏ, NTN cho 1 điểm nếu ảnh cần tìm xuất hiện ở trang đầu). Nếu không có đáp án đúng xuất hiện trong trang đầu thì dịch vụ tìm kiếm không được điểm nào. Với một số truy vấn tìm kiếm một tin hay bài blog cụ thể, các đáp án khác có thông tin yêu cầu cũng được xem là chính xác.

Có gì mới trong tìm kiếm

Bạn sẽ có được các liên kết đến những tin bài gần đây có liên quan đến truy vấn ở đầu trang kết quả khi dùng Ask.com

Nhiều người dùng Internet hầu như không nhớ gì về các dịch vụ trước Google, dù có thời AltaVista thống trị việc tìm kiếm, và trước đó là Magellan. Lịch sử của web cho thấy người ta sẽ chuyển sang một dịch vụ khác ngay nếu nó cho kết quả truy vấn chính xác hơn và dễ dùng hơn. Vì vậy các hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm nhận thức họ cần dẫn đầu cuộc chơi. Theo Justin Osmer, giám đốc sản phẩm Microsoft Live Search: "Số lượng dịch vụ cạnh tranh hiện nay có lợi cho người dùng. Tất cả chúng tôi đều cố gắng tạo bước nhảy vọt vì vậy bạn sẽ thấy nhiều cải tiến trong lĩnh vực tìm kiếm".

Phần lớn cải tiến tập trung vào cách thức thể hiện kết quả. Có ít người dùng các dịch vụ tìm kiếm tin tức, hình ảnh ưa thích cùng với các dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt khác, mặc dù nếu làm vậy sẽ có kết quả tốt hơn. Vì vậy, chiêu thức mà các nhà cung cấp dịch vụ áp dụng là xây dựng thuật toán tìm kiếm thông minh hơn, có khả năng đoán biết người dùng thật sự muốn tìm gì. Ví dụ, nếu bạn nhập "daffodil" (hoa thuỷ tiên vàng) vào ô tìm kiếm Google, trang kết quả sẽ hiển thị một vài bức ảnh của hoa thuỷ tiên phía trên các địa chỉ web.

Khi thử cùng truy vấn với Ask.com, Microsoft Live Search và Yahoo, không có dịch vụ nào hiển thị được một bức ảnh của bông hoa này trong kết quả. Để công bằng, NTN thực hiện tìm kiếm tương tự dùng cụm từ "Eiffel Tower" (tháp Eiffel); lần này, Google, Ask.com và Yahoo hiển thị ít nhất một bức ảnh của biểu tượng Paris, nhưng Live Search thì không. (Tuy nhiên, Live Search có cho truy cập đến các hình ảnh của biểu tượng này thông qua một liên kết "Eiffel Tower Photos" trong phần Related Searches).

Việc kết hợp tin tức với kết quả tìm kiếm web cũng đang áp dụng, Ask.com dẫn đầu trong việc này. Ví dụ, khi tìm với từ "titan" và "flash memory" (2 truy vấn riêng biệt), chỉ có Ask.com đưa ra các tít tin mới nhất về các chủ đề liên quan, gồm một liên kết chỉ đến một bài về mặt trăng Titan của sao Thổ, và một liên kết khác chỉ đến một mẩu tin về bộ nhớ flash mới của Intel - cả hai trường hợp đều cung cấp thông tin mà NTN cần tìm.

Với các truy vấn liên quan đến phim ảnh, Google và Yahoo có vẻ hơi vượt trội. NTN nhập từ "300" để tìm thông tin về bộ phim của hãng Warner Brothers được tung ra chiếu rạp vào lúc thử nghiệm. Kết quả thích hợp đầu tiên trả về của cả Google và Yahho đều có các liên kết chỉ đến đoạn phim giới thiệu và bình luận về bộ phim này, còn có một ô tìm kiếm để nhập mã vùng hay tên thành phố để tìm thời gian chiếu ở địa phương.

Thay vì copy và dán nhiều hình, hãy để Scratchpad của Live Search lưu những hình khả dĩ nhất chờ bạn quyết định.

Trong khi đó, Microsoft Live Search không chính xác khi đoán khu vực của NTN dựa trên địa chỉ IP của thuê bao DSL dùng thử nghiệm, và liệt kê các rạp chiếu phim ở xa đến 90 phút đi xe. 

Giao diện thông minh

Các trang kết quả tìm kiếm tốt nhất cung cấp các liên kết chỉ đến nội dung liên quan, dù không chính xác như yêu cầu của bạn (ví dụ, một bức ảnh của nhóm Beatles khi tìm "John Lennon"). Cũng có ích khi các dịch vụ tìm kiếm biết một ít về bạn: nếu địa chỉ IP của bạn chỉ ra bạn sống ở Mỹ và bạn tìm "civil war" (cuộc nội chiến), thì có thể bạn quan tâm đến American Civil War và đang tìm thông tin về diễn tiến thời gian của cuộc chiến, các khu vực tranh chấp hay tiểu sử của tướng William T. Sherman và Robert E. Lee.

Ask.com hiển thị thông tin và các liên kết liên quan tốt nhất. Nếu bạn tìm "WWII" (World War II - Thế chiến thứ II), cột Narrow Your Search (thu hẹp tìm kiếm) nằm ở bên phải danh sách kết quả của dịch vụ này giúp tinh chỉnh truy vấn của bạn với các liên kết như "History of WWII", "Cause of WWII"... Yahoo và Live Search cung cấp những công cụ tương tự, nhưng chúng hoặc là không dễ dùng, hoặc là không bao quát như của Ask.com.

Các site khác cải tiến trải nghiệm người dùng theo những cách khác. Ví dụ, Live Search có tính năng "Smart Scroll" dùng thể hiện kết quả hình ảnh. Khi bạn cuộn xuống tập hợp các hình thu nhỏ, trang này sẽ tự nạp thêm các hình tức thời. Vì không có phân trang, bạn không cần phải nhấn một liên kết để lấy thêm hình. Ngoài ra, Scratchpad của Live Search là một công cụ đánh dấu trực quan tiện lợi, bạn có thể kéo hình từ trang kết quả và thả vào cột Scratchpad ở bên phải. Khi bạn cuộn qua hàng chục hay hàng trăm hình, Scratchpad sẽ giúp dễ dàng lưu vết các bức hình mà bạn cần cho bài thuyết trình của mình.

Không phải tất cả cải tiến giao diện đều hiệu quả. Tính năng Binoculars của Ask.com chẳng hạn, cho phép bạn xem trước kết quả ở site nào đó trong cửa sổ pop-up bằng cách nhấn giữ con trỏ trên kết quả có gắn biểu tượng hình ống nhòm. Nhưng với trang văn bản, hình thu nhỏ không cung cấp đủ chi tiết để giúp bạn nhận biết nội dung trang.

Cách thức kiểm tra đánh giá các dịch vụ tìm kiếm

Các truy vấn được thay đổi để có kết quả phù hợp

Mục tiêu của NTN là tái hiện ứng dụng thực tế của các dịch vụ tìm kiếm. Đa phần người dùng không phải là chuyên gia tìm kiếm hay thành thạo về hệ thống phân loại, và họ thường không dùng hay không hiểu các toán tử BOOL (như AND, OR, NOT); người dùng web thường đơn giản đến site tìm kiếm, nhập vào một từ hay cụm từ, và nhấn Enter. Thật sự, có nhiều cách để tinh chỉnh một truy vấn nhưng hầu hết người dùng thường không thèm làm. Đó là lý do tại sao NTN không đặt các dấu nháy (") bao các câu truy vấn thử nghiệm (ví dụ, "hiking boots"), mặc dù làm như vậy chắc chắn sẽ tạo ra kết quả chính xác hơn.NTN đã kiểm tra tổng cộng 55 dịch vụ trong 6 chủng loại: tổng quát (text); video, di động/địa phương; tin tức; hình ảnh và blog. NTN thực hiện các thử nghiệm trong 3 tuần, dùng 10 thuật ngữ trong mỗi thể loại. Ví dụ, với tìm kiếm text tổng quát, các chủng loại bao gồm công nghệ, văn hoá thể thao, nghiên cứu/học thuật, sách và du lịch/mua sắm. Trong mỗi thể loại, NTN đặt ra một truy vấn dễ và 1 truy vấn khó (vì tất cả dịch vụ tìm kiếm đều có thể tìm thấy những người thắng giải 2007 Academy Award, nhưng chỉ một vài dịch vụ có thể tìm ra bức chân dung của nhà thơ và triết gia người Ý Giambattista Vico). NTN đã kiểm tra các dịch vụ tìm kiếm vào những thời điểm khác nhau trong ngày - sáng, trưa và chiều - trong cả 7 ngày trong tuần. Thỉnh thoảng NTN thay đổi các câu truy vấn, đặc biệt trong các thể loại tin tức và blog, để có tính cập nhật. Chẳng hạn, truy vấn thể loại văn hoá thể thao thay đổi từ "Academy Award winners" thành "2007 NCAA basketball tournament teams" vào cuối cuộc thử nghiệm.

NTN đã thực hiện tất cả kiểm tra trên cùng hệ thống Windows - một máy tính để bàn dùng BXL Celeron 2GHz, 512MB RAM và kết nối Internet DSL có tốc độ tải xuống 1,5mbps. NTN không đánh giá tốc độ truy vấn, thông số này thường thay đổi chỉ vài phần giây. Các site tìm kiếm phổ biến nhất chỉ khác biệt chút ít giữa lúc nhấn Enter và lúc xuất hiện kết quả. Tuy nhiên, có khác biệt đáng kể giữa các dịch vụ tìm kiếm blog, với một số site nhỏ - như Best of the Blogs - mất nhiều giây để đưa ra kết quả. Với các thử nghiệm tìm kiếm di động/địa phương, NTN dùng điện thoại thông minh Nokia E62.

Kết quả kèm nhận xét

Các site tìm kiếm còn đưa thêm ý kiến người dùng kèm kết quả tìm kiếm. Tim Mayer, giám đốc quản lý sản phẩm của Yahoo Search nói: nếu bạn tìm khách sạn cho chuyến nghỉ mát thì thường nhận được danh sách cả lô khách sạn, nhưng không có ai hay chuyên gia có thẩm quyền nào cho lời khuyên "hãy ở khách sạn này đi" kèm theo lời nhận xét về khách sạn.

Một giải pháp là thêm "ý kiến đánh giá của con người" vào kết quả. Yahoo có sẵn nguồn nội dung này: dịch vụ Yahoo Answers (answers.yahoo.com) là cộng đồng trực tuyến, ở đó người dùng hỏi và trả lời các vấn đề thuộc nhiều chủ đề. Yahoo gần đây bắt đầu bổ sung các bài từ Yahoo Answers vào cuối một số trang kết quả. Chẳng hạn, khi tìm "Summer vacation" (nghỉ hè), bạn sẽ thấy mục "Shared by Yahoo" ở cuối trang kết quả; mục này gồm các liên kết chỉ đến nhiều "Best Answers" (câu trả lời phù hợp nhất) liên quan đến việc nghỉ hè được người dùng Yahoo chọn.

Tính năng này có lợi cho Yahoo do hướng người dùng đến nội dung có sẵn, làm tăng số trang xem. NTN nhận thấy các ý kiến của Yahoo Answers thích đáng hơn nhiều top 10 liên kết thông thường mà một vài trong số đó chỉ là các liên kết ngẫu nhiên chỉ đến nhà cho thuê còn trống (vacation). Các câu trả lời của Yahoo Answers hấp dẫn hơn: Một thành viên mô tả 7 điểm du lịch ở Ấn Độ, trong khi một thành viên khác đưa ra danh sách đầy đủ các công viên giải trí thích hợp cho gia đình.

Các kết quả kèm nhận xét là điểm khởi đầu tốt, nhưng hiện tại không phải lúc nào cũng ăn khớp với kết quả tìm kiếm và thường bị xếp ở cuối trang, ít người cuộn xuống để nhìn thấy chúng. Mayer của Yahoo nhận thức vấn đề này: "Chúng tôi chỉ mới bắt đầu tích hợp nội dung này và sẽ phải tìm hiểu nhiều hơn về việc xếp hạng. Về lâu dài, nội dung này sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với trang tìm kiếm".

Cùng truy vấn "Summer vacation" trên thực hiện với Ask.com, Google và Live Search cho ra danh sách thông thường các liên kết chỉ đến những site du lịch. Tuy Live Search đưa ra một liên kết chỉ đến một diễn đàn MSNBC về du lịch theo mùa, nhưng nó lại được gán nhãn là "boards.live.com", không có dấu hiệu nào cho biết nó có liên quan đến tìm kiếm trên.

Tính năng "Also try" của Yahoo ở đầu trang kết quả thể hiện các truy vấn liên quan được người dùng chọn: Tìm "muffins" (bánh nướng xốp) trên site này, và "Also try" liệt kê "muffins receipt" (công thức làm bánh), "banana muffins" (bánh nhân chuối) và các dạng tương tự khác với nội dung phù hợp.

Tìm kiếm di động

Khi không có máy tính trong tay, hãy ra lệnh cho Google biết điều bạn cần tìm bằng cách dùng dịch vụ Voice Local Search.

Thực hiện tìm kiếm trên ĐTDĐ hay thiết bị cầm tay là trải nghiệm độc đáo nhưng đôi khi bực mình. Điểm lợi là khi bạn đi du lịch và cần có nhanh thông tin nhanh tại địa phương như nhà hàng hay nhà ga gần đó, số điện thoại của một người bạn cũ hay nơi mua vé xem bóng đá. Nhưng 12 phím số hay bàn phím nhỏ xíu của thiết bị cầm tay gây khó khăn cho việc nhập địa chỉ đường hay mã vùng. Tùy thuộc vào ISP của bạn hay địa phương bạn đang ở, kết nối Internet di động có thể không đủ nhanh hay đủ ổn định. Và đương nhiên, vô phương tìm kiếm video.

Tất cả dịch vụ tìm kiếm lớn đều cho bạn tra cứu thông tin địa phương trên thiết bị di động. Microsoft Live Search for Mobile cung cấp kết quả chính xác nhất, nhưng chỉ nhỉnh hơn một chút so với Google Maps, Yahoo Local, Ask City và Whitepages. Live Search for Mobile làm việc đặc biệt tốt khi tìm thông tin liên hệ về doanh nghiệp và người. Điều đó có nghĩa là bạn cần dùng ít nhất 2 site tìm kiếm di động, vì các dịch vụ tìm kiếm khác nhau xuất sắc trong những lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, nếu bạn tìm thông tin kiểu danh bạ điện thoại, dùng Live Search for Mobile, Superpages.com hay Whitepages.com. Để tìm nơi bán vé trực tuyến trận đấu bóng chày thì đến Ask.com, Google hay Yahoo - nhưng dùng phần tìm web của chúng thay vì chức năng tìm theo địa phương.

Khác biệt giữa 2 lựa chọn này là gì? Tìm web cho phép các truy vấn thông thường. Lấy ví dụ bóng chày, nếu ở Los Angeles bạn có thể nhập "dogers tickets" và tìm thấy site bán vé trực tuyến như StubHub. Ngược lại, tìm theo địa phương có thể giúp bạn tìm thấy tên, địa chỉ và số điện thoại của đại lý bán vé gần đó - dạng thông tin mà bạn có thể lấy từ cuốn danh bạ điện thoại.

Các dịch vụ tìm kiếm di động đều được tối ưu cho thiết bị cầm tay. Tuy nhiên có một số dịch vụ thực hiện việc này tốt hơn. Thử nghiệm đầu tiên truy cập Google Maps và Yahoo Local thông qua chiếc ĐTDĐ Nokia E62, NTN phải nhấn liên kết Mobile trên trang chủ của 2 dịch vụ trên để xem giao diện được điều chỉnh; ở các lần truy cập sau, cả hai site tự động chuyển sang giao diện di động. Trong khi đó, Ask City, Superpages và Whitepages nhận ra ngay kết nối thông qua thiết bị cầm tay và tự động đưa ra giao diện phù hợp cho di động. Thay vì vậy, NTN phải duyệt thủ công đến m.live.com để truy cập dịch vụ tối ưu cho di động.

Mặc dù các dịch vụ tìm kiếm trên đều được tối ưu cho những trình duyệt trên thiết bị cầm tay, nhưng hầu hết các site mà chúng chỉ bạn đi đến đều không được như vậy (tối ưu cho di động). StubHub chẳng hạn, site này được xây dựng chỉ cho trình duyệt thông thường, làm cho bạn khó di chuyển trên màn hình bé xíu. Thực sự, khi chỉ xem được một phần nhỏ của trang mỗi lúc, bạn sẽ dễ lạc lối. Ask City là một trong nhiều site thử định dạng lại trang để vừa màn hình nhỏ, nhưng kết quả thường cũng khó sử dụng.

Vũ khí bí mật của Google

Vậy làm cách nào Google duy trì vị trí dẫn đầu so với các đối thủ? Chìa khoá chính là hệ thống chỉ mục toàn diện, cùng với sự nỗ lực để đứng đầu. Tốc độ cập nhật cũng là yếu tố quan trọng.

Nhiều dịch vụ tìm kiếm nhỏ hơn mua lại chỉ mục từ các hãng lớn rồi chế biến kết quả với thuật toán riêng, hay thông qua việc lập chỉ mục có yếu tố con người, một kỹ thuật tiên phong bởi Ask.com nhưng giờ đây được nhiều dịch vụ tìm kiếm sử dụng. Ví dụ, AlltheWeb và AltaVista thuộc sở hữu của Yahoo đều dùng chỉ mục của công ty mẹ (Yahoo), trong khi Lycos gắn với Ask, còn AOL Search thật ra là Google trá hình.

Tại sao dùng site nhỏ hơn nếu nó chỉ đơn thuần sao lại kết quả của một dịch vụ khác? Thứ nhất, bạn có thể thích giao diện của nó hơn. Cách tiếp cận "đơn giản là tốt" của Google là mẫu mực: chỉ có một ô tìm kiếm, một biểu tượng ngồ ngộ, nhiều khoảng trống và không có quảng cáo trên trang chủ. Cả Ask và Live Search đều bắt chước mô hình tối giản của Google, nhưng Ask tăng cường một chút bằng cách bổ sung cột Search Tools tiện lợi ở bên phải màn hình, giúp người dùng dễ dàng truy cập phần trợ giúp tìm kiếm hữu ích như từ điển, bản đồ và bách khoa toàn thư.

Trang chủ của AlltheWeb cũng đơn giản, chỉ gồm 1 ô tìm kiếm và một vài thẻ để truy cập các phần tìm kiếm đặc biệt (tin tức, hình ảnh...). Ngược lại, trang home của Yahoo chứa đầy tiêu đề tin tức, quảng cáo và liên kết đến các tính năng khác đến nỗi ô tìm kiếm ở phía trên màn hình gần như chìm lỉm. Trong khi đó, nếu nhập vào truy vấn trong vùng tìm kiếm của AOL, bạn sẽ có cùng kết quả như thực hiện với Google.

Các dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt thể hiện khác nhau. Điều này được minh chứng với 2 site tìm kiếm blog phổ biến: Blogdigger và Bloglines. Blogdigger trung thành với quy tắc "càng đơn giản càng tốt", trong khi Bloglines dùng trang home để lăng xê các công cụ xuất bản blog và trình đọc tin RSS của mình.

Tương lai của tìm kiếm

Các site tìm kiếm không ngừng thử nghiệm giao diện mới, đến lúc nào đó một số có thể trở nên phổ biến. Ví dụ, giao diện Act X của Ask chia kết quả thành 3 vùng: ở giữa hiển thị các liên kết và văn bản thông thường, bên trái có các liên kết cho mở rộng hay thu hẹp tìm kiếm, và bên phải cung cấp từ điển liên quan và các chủ đề kiến thức tổng quát, cũng như các liên kết mua sắm. Thử dùng giao diện này tại địa chỉ find.pcworld.com/57017. Google cho mọi người dùng thử giao diện thử nghiệm của mình tại www.searchmash.com.

Một công ty đang đi theo một hướng khác là Snap (www.snap.com), dịch vụ này liệt kê kết quả tìm kiếm ở nửa trái của trình duyệt và xem trước kết quả đầu tiên ở nửa phải. Mỗi kết quả có 1 nút Preview, bạn có thể nhấn để xem trước trang đó. Hay nhấn nút Next Result để cuộn qua các hiển thị xem trước một cách tuần tự.

Trong tất cả giao diện, ô tìm kiếm vẫn là phương tiện nhập liệu duy nhất. Đừng kỳ vọng điều này sớm thay đổi, mặc dù việc tìm kiếm bằng giọng nói hiện đang tiến triển. Google gần đây đã tiết lộ về dịch vụ thử nghiệm Voice Local Search của mình, bạn có thể quay số điện thoại tại Mỹ 800/GOOG-411 (800/466-4411) để thử (dịch vụ này hiện chỉ có tại Mỹ).

Các dịch vụ mới đặt công cụ tìm kiếm vào tay bạn

Tham khảo ý kiến người khác hay chia sẻ những địa chỉ web ưa thích tại dịch vụ tìm kiếm tuỳ biến Rollyo.

Các dịch vụ tìm kiếm tuỳ biến, những công cụ đào xới web và những công cụ lập chỉ mục web có sự trợ giúp của con người, đây là những nguồn lực mới mà chúng ta cần đến.

ROLLYO: Những dịch vụ tìm kiếm lớn xuất sắc với các truy vấn thông thường, nhưng với thông tin thật chuyên biệt thì sao? Rollyo (www.rollyo.com) chính là nơi cần đến. Ở đây bạn có thể tự tạo "Searchroll" (danh sách tìm kiếm) tìm kiếm tùy biến từ hàng chục site do bạn chọn.

Nhập vào tên Searchroll và một số site (Rollyo làm việc tốt nhất trong khoảng 5-10), và sau đó chọn chủng loại (ví dụ "News & Media").Thêm một vài thẻ hay từ khóa nếu bạn muốn giúp những người khác tìm thấy sản phẩm của mình.

Việc khai thác các searchroll của người khác thật thú vị. Site này có các danh sách searchroll phổ biến và được bổ sung gần đây, bạn có thể tìm theo từ khoá hay URL về các chủ đề mà bạn quan tâm. Nếu Google không đáp ứng câu truy vấn của bạn, ví dụ "bóng chuyền bãi biển Antartic" thì hãy đến Rollyo.

CONGOO: Bạn đã từng nghe nói đến "Dark Web" (web đen)? Nghe có vẻ đáng ngại nhưng đừng sợ. Thuật ngữ này ám chỉ mảng nội dung web mà các dịch vụ tìm kiếm không thể lập chỉ mục, bao gồm các site có thu phí (như nội dung của tạp chí Wall Street Journal) và các cơ sở dữ liệu chính phủ và doanh nghiệp được bảo vệ bằng mật khẩu. Ngoài ra, một số trang không thể lập chỉ mục vì không có liên kết nào chỉ đến nội dung của chúng, hay bởi vì địa chỉ URL của chúng quá dài và phức tạp - quá khó cho các dịch vụ tìm kiếm thu thập.

Chắc chắn, phần nhiều nội dung này được che giấu vì lý do nào đó. Ví dụ một doanh nghiệp không muốn các kế hoạch phát triển sản phẩm và tiếp thị trong mạng nội bộ bị công khai. Nhưng vẫn có cách để tìm nhiều site nội dung có thu phí. Thậm chí bạn có thể truy cập nội dung đó - dù chỉ một ít - mà không phải trả một đồng nào. Congoo NetPass, tiện ích miễn phí có thể tải về ở www.congoo.com, cho phép bạn tìm và đọc một số tin bài hạn chế từ 35 site nội dung có thu phí phổ biến, bao gồm các trang home của Billboard, Encylopedia Britanica, New Republic và WSJ. Bạn có thể thực hiện 4-17 cuộc viếng thăm mỗi tháng, tuỳ site. Khi bạn truy cập 1 site nào đó vượt quá số lượng được phép hàng tháng, bạn sẽ được nhắc đăng ký sử dụng vì rõ ràng bạn thấy nội dung có ích.

Đến địa chỉ www.congoo.com/netpass/install để tải về Congoo NetPass, thanh công cụ này gắn lên trình duyệt Internet Explorer hay Firefox. Dùng nó giống như bất kỳ thanh công cụ thông thường nào khác: đơn giản nhập vào câu truy vấn trong ô tìm kiếm rồi nhấn Enter. Dịch vụ này tìm kiếm Yahoo cho các kết quả web thông thường, nhưng nó còn dùng chỉ mục riêng để tìm bất kỳ nội dung có phí liên quan, như hồ sơ các công ty từ dịch vụ tài chính MorningStar. Nếu đã dùng thanh công cụ của dịch vụ tìm kiếm khác, có thể bạn thấy việc cài đặt thanh công cụ của Congoo làm thu hẹp vùng nhìn của trình duyệt, chỉ cần nhấn phải chuột lên thanh công cụ này và bỏ chọn các tùy chọn không dùng đến để mở rộng cửa sổ trình duyệt.

PREFOUND: Một "mashup" của mạng xã hội và tìm kiếm, Prefound (www.prefound.com) cho phép bạn thể hiện kiến thức của mình về một chủ đề nào đó bằng cách tạo các nhóm (Group) riêng bao gồm hình ảnh, video hay thông tin khác. Dịch vụ này nhằm chia sẻ lợi nhuận từ mạng quảng cáo trực tuyến AdBrite cho các "Finder" - những người tạo ra hơn 150 Group. Bạn cũng có thể trở thành một trong những Featured Finder - tập hợp gồm các giáo sư đại học, những người nhiệt tình khác và cả các cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp. Cùng với kết quả tìm kiếm của Prefound, bạn cũng sẽ thấy kết quả của Google thường lệ cho truy vấn của mình.

Phương Uyên

Theo PC World VN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video