Công cuộc thuộc địa hóa sao Hỏa của Elon Musk đã được tiên đoán trước từ năm 1952?

Mối liên hệ giữa "Elon" và "sao Hoả" đã được nhắc đến từ rất lâu trước khi SpaceX ra đời.

Tỷ phú kinh doanh gốc Nam Phi, kỹ sư Elon Musk là một trong những nhà cách tân trong lĩnh vực du hành vũ trụ hàng đầu thế giới. Công ty SpaceX của ông tạo ra các tàu vũ trụ với giá cả phải chăng và tiết kiệm năng lượng. Rất có thể, những tàu vũ trụ này sẽ mang những con người đầu tiên lên sao Hoả trong thập kỷ sắp tới. Và nếu SpaceX thành công, cái tên "Elon" sẽ vĩnh viễn được gắn liền với "sao Hoả".

Nhưng đó lại không phải là lần đầu tiên "Elon" và "sao Hoả" được liên kết với nhau.

Wernher von Braun là kỹ sư hàng không người Đức chịu trách nhiệm cho việc phát triển một trong những vũ khí tiên tiến bậc nhất của Phát xít Đức: hoả tiễn V-2. Được đặt biệt danh là "vũ khí báo thù", V-2 là tên lửa đạn đạo dẫn đường tầm xa đầu tiên trên thế giới.

Được đưa vào hoạt động lần đầu vào cuối năm 1944, đến cuối cuộc chiến tranh, hơn 3.000 tên lửa V-2 đã được phóng lên bởi quân đội đức, giết khoảng 9.000 thường dân và quân nhân. Ngoài ra, hơn 12.000 người lao động cưỡng bức và tù nhân tại các trại tập trung đã chết sau khi bị ép buộc tham gia vào quá trình sản xuất của thứ vũ khí chết người này.


Từ trái sang: Đại tướng, tiến sỹ Walter Dornberger (bị ẩn nửa người), Đại tướng Friedrich Olbricht (đeo Thập giá Hiệp sỹ), Đại tá Heinz Brandt, và Wernher von Braun (mặc trang phục dân sự) tại Peenemunde, tháng 3/1941.

Von Braun là một nhà thiên văn học đầy tham vọng, với đam mê mãnh liệt về tên lửa từ thưở nhỏ. Năm 1934, ông đạt học vị tiến sỹ ngành kỹ sư hàng không tại Đại học Berlin. Luận văn tiến sỹ của ông với tiêu đề "Xây dựng, Lý thuyết, và Giải pháp thử nghiệm đối với vấn đề liên quan tên lửa đẩy bằng nhiên liệu lỏng", đã được quân đội xếp vào hàng tuyệt mật và không hề được công bố cho đến tận năm 1960.

Ông ngay lập tức đã được tuyển vào Quân đội Đức và bắt đầu phát triển các loại vũ khí tên lửa. Von Braun đóng quân tại một khu nghiên cứu quân sự ở làng Peenemunde bên biển Baltic, nơi ông giám sát các thử nghiệm cất cánh của động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng và máy bay phản lực. Cũng tại Peenemunde, von Braun đã phát triển tên lửa phòng không siêu thanh Wasserfall và tên lửa đạn đạo A-4 - sau đó được đổi tên thành V-2 (Vergeltungswaffe 2).


Một vụ phóng tên lửa V-2 vào mùa hè năm 1943.

Dù von Braun biết được dây chuyền sản xuất tên lửa V-2 có sử dụng lao động cưỡng bức và đối xử tàn tệ với các công nhân, ông lại "vô ý" không nhận ra bản chất thật sự của các trại tập trung của Đức Quốc xã. Người ta cho biết von Braun đã ghé thăm nhà máy sản xuất V-2 chỉ một lần duy nhất và rất hài lòng với việc đối xử với nhân công tại đây. Trên thực tế, các lao động cưỡng bức thường xuyên bị đánh đập và không được cho ăn, nhiều người trong số họ đã chết vì bệnh tật, bị xử tử và cực kỳ khiếp sợ điều kiện làm việc tại đây.

Năm 1944, von Braun bị cáo buộc cộng tác bí mật với Cộng sản và bị bắt bởi lực lượng SS. Các tội danh của ông chống lại Đức Quốc xã không bao giờ có thể chứng minh được, do đó ông được thả có điều kiện và tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông đã lên kế hoạch tẩu thoát sang Mỹ. Ông đã trốn thoát thành công sang Áo và đầu hàng Quân đội Mỹ vào mùa xuân năm 1945, đúng lúc Quân đội Soviet tiến đánh phân xưởng nghiên cứu tại Peenemunde.


Von Braun - với cánh tay bị gãy bởi tai nạn xe hơi - đầu hàng Quân đội Mỹ trước khi bức ảnh này được chụp vào tháng 5/1945.

Von Braun là một trong số 1.500 nhà khoa học Đức đã bí mật được đưa sang Mỹ. Là một nhà khoa học tiên phong bày tỏ thái độ căm phẫn với Đức Quốc xã và chính sách diệt chủng kinh hoàng của chúng, ông đã nhanh chóng được tuyển vào Quân đội Mỹ và bắt đầu nghiên cứu tên lửa đạn đạo tại đây.

Dù dành cả nửa đầu cuộc đời phát triển vũ khí, nhưng đam mê thực sự của von Braun lại là du hành không gian. Ông rất hứng thú với phát triển các hệ thống đẩy phản lực có khả năng ứng dụng để đưa các tên lửa lên Mặt trăng và sao Hoả. Năm 1957, ông cuối cùng đã có cơ hội theo đuổi giấc mơ của cả đời mình, nhưng trước đó, ông cũng từng xuất bản rất nhiều bài viết mang tính viễn tưởng về thuộc địa hoá sao Hoả và xây dựng các trạm không gian trên quỹ đạo Trái đất.


Von Braun.

Bài viết của ông về việc xây dựng một trạm không gian đã truyền cảm hứng cho bộ phim 2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick. Tác phẩm The Mars Project của von Braun, xuất bản năm 1952, nghe có vẻ hoang tưởng, nhưng cũng như một lời tiên tri đến lạ lùng. Cuốn sách này đã miêu tả một sứ mệnh của con người lên Sao Hoả, thuộc địa hoá hành tinh này và thiết lập một chính quyền tự trị tại đây.

Sứ mệnh đó gồm một hạm đội 10 tàu vũ trụ khổng lồ, chứa 70 phi hành gia và 9 phương tiện xe cộ. Braun tính toán chi tiết mọi thông số hàng không và kỹ thuật của nhiệm vụ này, và dù kế hoạch vĩ đại của ông thu hút được sự chú ý của nhiều "đại gia" hứng thú với khám phá vũ trụ thời đó (có cả Walt Disney), nó vẫn thuần tuý lý thuyết bởi những giới hạn công nghệ của thập niên 1950.


Von Braun và Walt Disney.

Phần mang tính "tiên tri" trong tác phẩm của von Braun đề cập đến chính quyền tự trị trên Sao Hoả, trong đó thay vì Tổng thống, ông nêu ý tưởng người cai trị thuộc địa này có tước hiệu là "Elon": "Chính quyền Sao Hoả được lãnh đạo bởi 10 người, người đứng đầu nhóm này được bầu ra nhờ bỏ phiếu trong vòng 5 năm và có tước hiệu là "Elon". Hai viện của Quốc hội sẽ ban hành các đạo luật để được điều hành bởi Elon và đội ngũ của ông. Thượng viện được gọi là Hội đồng Bô lão, với thành viên giới hạn trong 60 người, mỗi người được chỉ định trọn đời bởi Elon và chỉ thôi giữ chức sau khi chết".


Von Braun và Tổng thống John F. Kennedy.

Vào thập niên 1950, tước hiệu "Elon" chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì. Nhiều khả năng cái tên này được lấy từ tên Do Thái "Elon" - có nghĩa là "cây sồi" và ám chỉ kiến thức và sự khôn ngoan vĩ đại.

Ở thời điểm hiện tại, với những tin tức liên quan kế hoạch của Elon Musk, người ta bắt đầu tự hỏi rằng liệu đây có phải chỉ là một sự trùng hợp hay không? Không có mối liên hệ nào giữa von Braun và Musk, người được sinh ra vào năm 1971 tại Pretoria, con trai của một người Canada và một người Nam Phi. Elon Musk tự học lập trình máy tính ở độ tuổi 12, và có bằng Đại học tại Đại học Pennsylvania và Trường kinh doanh Wharton.


Von Braun với động cơ F-1 của tên lửa Saturn V giai đoạn 1 tại Trung tâm Không gian và Tên lửa Hoa Kỳ.

Dù von Braun không bao giờ có thể theo đuổi ước mơ thuộc địa hoá Sao Hoả, ông đã trở thành một người tiên phong trong du hành không gian của Mỹ. Đặc biệt, ông là người đứng sau tên lửa Saturn V, một tên lửa có thể phá huỷ hoạt động bằng nhiên liệu lỏng, được sử dụng từ năm 1968 đến 1972.

Tên lửa này là phương tiện duy nhất trong lịch sử phóng thành công các tàu vũ trụ có người lái vượt ra khỏi quỹ đạo thấp của Trái Đất. Saturn V đã được sử dụng trong mọi sứ mệnh Apollo, và dù từng một thời đi theo Đức Quốc xã, Wernher von Braun sẽ luôn được nhớ đến như là người đã cách mạng hoá du hành không gian và giúp đưa con người lên Mặt Trăng.

Cập nhật: 27/02/2018 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video