Hiện nay, có thể nhiều bạn đã biết về hệ thống robot phẫu thuật da Vinci. Nó cho phép phẫu thuật viên có thể ngồi trước màn hình 3D và điều khiển các cánh tay robot được gắn các dụng cụ phẫu thuật. Hệ thống này không những cho phép thực hiện các ca phẫu thuật nội soi, nó còn cho phép ca phẫu thuật được thực hiện từ xa - phẫu thuật viên và bệnh nhân có thể cách nhau nửa vòng Trái Đất. Và hơn nữa, hiện nay các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Eindhoven Hà Lan đã phát triển một hệ thống tương tự, được thiết kế đặc biệt để chuyên thực hiện các ca phẫu thuật về mắt.
Tiến sĩ Thijs Meenink đã tạo ra con robot được lập trình có khả năng thực hiện các thao tác trên võng mạc và dịch kính. Những phẫu thuật về mắt yêu cầu đôi tay của phẫu thuật viên phải thao tác chuẩn xác và không run - điều này rất khó được đảm bảo nhất là với những bác sĩ đã có tuổi. Hệ thống bao gồm một bộ hai cần điều khiển “master” đã được phát triển từ trước và hai cánh tay robot “slave” của Meenik; sự run tay sẽ không còn ảnh hưởng đến phẫu thuật nữa. Hệ thống sẽ giảm mức độ cử động của tay: nếu tay phẫu thuật viên di chuyển một centimet, ngay lập tức, cánh tay robot sẽ chỉ di chuyển một milimet. Điều này giúp cho các bác sĩ có thể thực hiện các vi phẫu thuật cần sự tỉ mỉ thận trọng.
Các thiết bị lắp trên cánh tay robot này cũng rất nhỏ - chỉ khoảng nửa milimet, gồm có kẹp, kéo, ống hút. Phẫu thuật viên có thể thay đổi các dụng cụ này trong vòng chưa đến một giây, điều này rất cần thiết vì một phẫu thuật mắt yêu cầu phải thay đổi dụng cụ liên tục, có thể lên đến 40 lần. Do tính chính xác của hệ thống, các dụng cụ này có thể tác động lên mắt bệnh nhân một cách chuẩn xác mà không làm tổn hại đến mô mắt.
Hệ thống của Meenik còn có haptic feedback - phản hồi về cảm giác trên tay cầm. Điều này có nghĩa là, phẫu thuật viên có thể cảm thấy được sức cản khi các dụng cụ chạm vào một mô bất kì gần như ngay lập tức. Nó giúp phẫu thuật viên thao tác dễ dàng, không khác gì đang thực hiện phẫu thuật trực tiếp trên bệnh nhân. Và ngoài ra, phẫu thuật viên có thể ngồi ở bất cứ đâu chứ không cần phải luôn đứng bên cạnh bệnh nhân nữa.
Thijs mong rằng thiết bị Eindhoven sẽ được thực hiện trên cơ thể con người trong 5 năm nữa. Còn hiện nay, ông đang tìm cách thương mại hoá sản phẩm này.
Tham khảo: Gizmag