Máy quay, thuật toán, hàng trăm bản cắt tạo nên những hình ảnh siêu thực của bộ phim Avatar: The Way of Water.
Avatar phần đầu tiên là một dấu mốc về công nghệ làm phim, chế tác với cách xây dựng dựa trên CGI (kỹ xảo), motion capture (bắt chuyển động) và máy quay 3D. Các công nghệ từ bộ phim này được nhiều hãng phim, đạo diễn tiếp tục áp dụng trong thập kỷ tiếp theo.
Sau 13 năm, Đạo diễn James Cameron đem người xem trở lại hành tinh Pandora với một góc nhìn mới lạ. Đằng sau những thước phim biển cả hùng vĩ là loạt phát kiến công nghệ mới được bổ sung vào lĩnh vực điện ảnh.
Avatar phần đầu tiên là một dấu mốc về công nghệ làm phim.
Công nghệ máy quay tương lai
Đạo diễn của 2/3 bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại còn được mệnh danh là một nhà khoa học của lĩnh vực điện ảnh. Chiếc máy quay 3D James Cameron phát triển cùng NASA được sử dụng cho sứ mệnh Hỏa tinh.
“Ông ấy được sinh ra với năng lực của một nhà khoa học. Cameron luôn tìm kiếm vấn đề cần giải quyết”, Daniel Goldin, cựu giám đốc của NASA nói với trang QG.
Máy quay Sony Venice được lựa chọn sử dụng cho Avatar: The Way of Water. (Ảnh: CineD).
Ở bộ phim mới nhất, Cameron và đội ngũ của mình xây dựng một hệ thống camera mới dựa trên giải pháp có sẵn. Họ chọn loại máy quay Venice của Sony cho bộ phim này.
Công ty Nhật Bản cho biết họ đã kết hợp với Lightstorm Entertainment, công ty sản xuất Avatar: The Way of Water để tùy chỉnh chiếc Venice cho mục đích ghi lại hình ảnh 3D. Nguyên tắc thực hiện được Cameron sử dụng từ bộ phim 3D đầu tiên. Họ ghép nối 2 camera để tạo ra hệ thống lập thể.
Bên cạnh đó, công ty còn tinh chỉnh chiếc máy để giảm trọng lượng của toàn bộ thiết bị quay. Bằng cách này, họ có thể sử dụng tự do và linh hoạt hơn. Điều này phù hợp với nhiều cảnh quay dưới nước của The Way of Water.
Chiếc Venice của Sony cũng được đánh giá cao về chất lượng hình ảnh. Đây là mẫu camera kỹ thuật số Full-frame đầu tiên của nhà sản xuất Nhật Bản. Cameron ca ngợi thiết bị mang lại chất lượng hình ảnh vượt trội với màu đen sâu, chuyển sắc mượt mà.
Phiên bản 8K của máy quay này có giá gần 60.000 USD, tương đương 1,4 tỷ đồng.
AI cùng CGI
Quá trình Cameron dựng The Way of Water rất phức tạp. Nó được ví như gói dữ liệu khổng lồ nhưng không có sự phân biệt về hình ảnh.
Trên đó, vị đạo diễn ghi lại tình trạng ánh sáng, màn diễn và chuyển động máy ảnh mà ông ấy muốn. Phần dữ liệu này được giao cho Weta Digital, công ty phụ trách VFX. Đội ngũ nêu trên sẽ dùng thuật toán và các lớp hoạt ảnh, tạo ra sức sống cho khung hình.
Cameron không xem việc tạo ra Avatar giống với phim hoạt hình Pixar. “Diễn viên biết rõ họ cần làm gì. Nó chỉ được dịch từ hình ảnh thông thường sang 3D CGI cùng đủ thứ AI trong đó”, vị đạo diễn nói.
Được hoàn thiện lại bằng VFX, James Cameron vẫn yêu cầu quay phim dưới nước. (Ảnh: 20th Century).
Ông không cho rằng cách làm của mình đặc biệt, vì nó cần nguồn kinh phí rất lớn. “Họ (các đạo diễn khác) sẽ phát điên nếu cố gắng làm theo. Nếu không tạo ra bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử, đó là điều sau cuối tôi muốn làm”, James Cameron chia sẻ trên QG.
The New York Times cho biết Weta Digital mất 18,5 petabyte (1 petabtye bằng 1.024 TB) dữ liệu để lưu trữ quá trình sản xuất các cảnh kỹ xảo của bộ phim này. Khó khăn lớn nhất từ đội ngũ là việc tái tạo dòng chảy của nước, sự ẩm ướt trên nước da xanh người Na'Vi và lực cản chất lỏng khi bơi.
Toàn bộ chất lỏng trong phim đều là hiệu ứng kỹ xảo. Tuy nhiên, vị đạo diễn kiên quyết đòi quay phim dưới nước. Công ty sản xuất phải tạo một bồn chứa 90.000 gallon nước để thực hiện yêu cầu của ông.
James Cameron còn nổi tiếng với sự kỹ tính, cầu toàn. Bài viết trên QG tiết lộ vị đạo diễn kiểm tra đến phiên bản thứ 405 của một cảnh hiệu ứng. Đó là lý do biến Avatar: The Way of Water trở thành một trong những bộ phim có chi phí sản xuất đắt đỏ nhất.
Đây cũng là dự án lớn nhất Weta Digital từng thực hiện. Danh sách phim họ tham gia có đầy đủ các tượng đài của ngành điện ảnh như series The Lord of the Rings, loạt phim Marvel, DC, Alita…