Nhờ việc chính thức sử dụng hệ thống tính tuổi quốc tế và bỏ đi hệ thống tính tuổi truyền thống, người dân Hàn Quốc sắp tới sẽ "trẻ lại" từ 1-2 tuổi.
Cụ thể, kể từ 28/6/2023, tất cả các lĩnh vực tư pháp và hành chính trong nước sẽ bắt đầu sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (còn gọi là tuổi dương lịch), sau khi Quốc hội Hàn Quốc công bố động thái này vào năm ngoái. Việc này nhằm mục đích giảm sự nhầm lẫn và đi theo các tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo các sửa đổi của Đạo luật Dân sự và Đạo luật chung về Hành chính công, nhiều hệ thống tuổi đang sử dụng sẽ được thống nhất theo hệ thống được quốc tế công nhận, trong đó tuổi được tính dựa trên ngày sinh, theo Bộ Pháp chế Chính phủ.
Ở Hàn Quốc, có tới 3 hệ thống tuổi hiện đang được sử dụng.
Hàn Quốc có phương pháp tính tuổi truyền thống của riêng mình.
Sở dĩ người Hàn Quốc có cách tính tuổi đa dạng như vậy vì nền văn hóa coi trọng thứ bậc liên quan tới tuổi tác. Hiện Hàn Quốc là một trong số rất ít nước tính cả tuổi mụ vào tuổi thật trong giao tiếp và cuộc sống hàng ngày.
Truyền thống bất thường này đã bị các chính trị gia chỉ trích: “họ tin rằng một quốc gia có nền kinh tế phát triển và tầm ảnh hưởng toàn cầu như vậy đơn giản là không thể theo kịp thời đại”. Và từ lời nói, họ đã biến thành hành động: “mọi sự nhầm lẫn sẽ kết thúc sớm nhất là vào tháng 6/2023, khi luật có hiệu lực, theo đó chỉ có phương pháp tính tuổi quốc tế được sử dụng ở Hàn Quốc”.
Đối với cách tính tuổi hiện nay của Hàn Quốc, một giả thuyết cho rằng khi xác định tuổi của trẻ sơ sinh, thời gian ở trong bụng mẹ 9 tháng được làm tròn thành 12. Những người khác cho rằng điều này là do hệ thống số châu Á cổ đại không có khái niệm về số không.
Nhưng những lời giải thích cho năm bổ sung được thêm vào ngày 1/1 phức tạp hơn. Có giả thuyết cho rằng người Hàn Quốc cổ đại đặt năm sinh của họ theo chu kỳ 60 năm của lịch Trung Quốc. Và vì vào thời điểm đó không có lịch quen thuộc, nên theo quy luật, họ đã bỏ qua ngày sinh của mình và chỉ cần thêm một năm vào ngày đầu tiên của âm lịch.