Công nghệ nhận diện bằng mạch máu

Kiểu dáng mạch máu trên mu bàn tay có thể trở thành công cụ nhận diện mới an toàn hơn khuôn mặt, mống mắt và dấu vân tay.

Nhận diện sinh trắc học đang trở nên phổ biến trong những năm gần đây nhằm tăng tính an toàn, bảo mật, CNN hôm 16/2 đưa tin. Công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng ở nhiều nơi, từ sân bay đến sở cảnh sát, thậm chí trong hộp đêm. Phương pháp nhận diện mống mắt, dấu vân tay và giọng nói cũng xuất hiện rộng rãi.


Mạch máu trên mu bàn tay có thể trở thành công cụ nhận diện an toàn. (Ảnh: Shutterstock).

Tuy nhiên, một số phương pháp sinh trắc học có điểm yếu dễ thấy. Dấu vân tay có thể thu thập từ bề mặt mà một người vừa chạm vào để sao chép và tạo dấu vân tay giả, công nghệ nhận diện khuôn mặt đôi khi bị đánh lừa bằng cách dùng ảnh chụp trên mạng xã hội, kính áp tròng có thể đối phó với công nghệ mống mắt, theo Syed Shah, nhà nghiên cứu tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Máy tính thuộc Đại học New South Wales.

"Các mạch máu nằm dưới da nên không để lại vết như dấu vân tay, cũng không sẵn có trên mạng xã hội như ảnh chụp khuôn mặt và cũng không thể lén lút lấy mẫu như mống mắt. Vì vậy, chúng tôi tin rằng phương pháp nhận diện bằng mạch máu sẽ khó qua mặt hơn", Shah giải thích.

Sử dụng camera chiều sâu Intel RealSense D415 Depth, nhóm nghiên cứu chụp 17.500 bức ảnh của 35 người tham gia. Những người này sẽ nắm tay lại, để lộ kiểu dáng mạch máu của bàn tay. Tiếp theo, nhóm chuyên gia dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tách lấy các đặc điểm riêng biệt từ những mẫu hình này. Chúng có thể giúp nhận diện một cá nhân với độ chính xác hơn 99% với nhóm 35 người tham gia.

"Đặc biệt, việc lấy mẫu mạch máu đòi hỏi phải nắm tay, gây khó khăn khi đối phương muốn lấy mẫu một cách lén lút", Shah nói thêm. Ông cho biết, ý tưởng dùng mạch máu để nhận diện không mới, nhưng thường đòi hỏi công nghệ phức tạp. Trong khi đó, ông và các đồng nghiệp chỉ sử dụng camera 3D sẵn có.

Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí IET Biometrics. Nhóm nghiên cứu cho biết, công nghệ nhận diện bằng mạch máu có thể dùng để xác thực trên các thiết bị cá nhân như máy tính xách tay và điện thoại di động.

Cập nhật: 22/02/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video