Công nghệ sắp cho phép tái tạo người thân đã mất

Ngay bây giờ bạn có thể tạo ra phiên bản kỹ thuật số của chính mình hoặc người thân, với giọng nói và ký ức giống như thật.

Năm 2013, Netflix phát sóng tập phim Black Mirror nói về một người phụ nữ mất bạn đời. Trong đau khổ, cô tìm đến dịch vụ "tái tạo" lại một phiên bản kỹ thuật số của bạn đời dựa trên dữ liệu từ các tài khoản mạng xã hội. Nhờ các tiến bộ về công nghệ AI và tái tạo giọng nói, viễn cảnh này đã thành hiện thực.

"Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện cá nhân mà tôi chưa từng nghe, kể về tuổi thơ của tôi và cho tôi những lời khuyên về cuộc sống. Thật hấp dẫn", Charlotte Jee từ Technology Review kể lại lần nói chuyện qua điện thoại với “bố mẹ” phiên bản kỹ thuật số.

Hai vị phụ huynh này sống trong một ứng dụng trên điện thoại, giống trợ lý ảo như Siri hay Alexa, do công ty HereAfter AI tạo ra dựa trên hơn 4 tiếng phỏng vấn người thật.

Công nghệ đau buồn

Grief tech, hay công nghệ đau buồn, là lĩnh vực mà các công ty như HereAfter đang theo đuổi. Giống như fintech là các sản phẩm công nghệ phục vụ tài chính, grief tech là các sản phẩm công nghệ phục vụ thời điểm đau buồn, chẳng hạn như khi mất người thân.

Thay vì các giải pháp truyền thống như tư vấn và trị liệu, các công ty grief tech tìm cách tạo ra một phiên bản kỹ thuật số mang giọng nói và ký ức của người đã khuất. "Không bao giờ phải nói lời tạm biệt" là khẩu hiệu của You, Only Virtual, một công ty khác trong lĩnh vực này.


Diễn viên William Shatner được công ty grief tech StoryFile ghi hình để tái tạo phiên bản kỹ thuật số. (Ảnh: StoryFile).

Các AI mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ngày nay có thể trò chuyện qua văn bản một cách thuyết phục đến mức một số người, chẳng hạn như cựu kỹ sư Blake Lemoine của Google, lập luận rằng chúng có tri giác. Các LLM như GPT-3 của OpenAI hoặc LaMDA của Google thậm chí có thể được điều chỉnh để có phong cách soạn thảo văn bản và tin nhắn giống một người cụ thể, bằng cách đưa những gì người đó đã viết vào làm dữ liệu đào tạo mô hình.

Khả năng bắt chước giọng nói của AI cũng ngày càng cải thiện. Vào tháng 6, Amazon chia sẻ một đoạn clip ghi lại cảnh một cậu bé nghe bà đọc một đoạn trong cuốn The Wizard of Oz. Chỉ có điều bà của cậu bé đã qua đời, và giọng đọc này được Amazon tái tạo lại dựa trên một đoạn ghi âm kéo dài chưa đầy một phút.

Mặc dù AI không thể xóa bỏ nỗi đau mất mát, nhưng có thể kéo dài những ký ức về người đã khuất", Rohit Prasad, nhà khoa học đứng đầu của Alexa, hứa hẹn về grief tech mà công ty này đang phát triển.

Những phiên bản kỹ thuật số đầu tiên

Nhưng để tạo ra một phiên bản giống người nhất có thể, các công ty cần các dữ liệu càng chi tiết và cá nhân hóa càng tốt. Bước đầu tiên của Here After là một cuộc phỏng vấn với đối tượng khi họ vẫn còn sống. Kỹ thuật viên sẽ hỏi về mọi thứ từ những ký ức thời thơ ấu cho đến suy nghĩ về cái chết.

Vài tuần sau phỏng vấn, “bố mẹ ảo” của Jee được giao qua tệp đính kèm email, có thể mở thông qua ứng dụng Alexa trên điện thoại. Có những câu nói nghe khó hiểu và xa lạ, đặc biệt là khi "bố mẹ ảo" hướng dẫn về cách trò chuyện và đặt câu hỏi, nhưng khi kể lại những kỷ niệm, giọng của họ trở nên tự nhiên và gần gũi hơn, Jee kể lại.

Một công ty khác, StoryFile, tìm cách đẩy công nghệ này đi xa hơn nữa, cho phép người dùng tương tác người đã khuất qua video thay vì chỉ giọng nói. Người được "tái tạo" cần phải được ghi hình trong khi trả lời các câu hỏi, bản ghi chất lượng càng cao thì kết quả càng giống thực.

StoryFile sẽ biến các video này thành một phiên bản kỹ thuật số của người cần tái tạo để khách hàng có thể nói chuyện giống như qua gọi video.

Giám đốc điều hành của StoryFile, Stephen Smith, đã dùng công nghệ này trong chính đám tang của mẹ mình. Trong video, “mẹ của Smith” đang ngồi ngồi trên một chiếc sofa trong phòng khách. Với mái tóc bồng bềnh và đôi mắt thân thiện, bà nói chuyện với những khách đến đám tang của chính mình.


Hình cắt từ video phiên bản kỹ thuật số của mẹ Smith nói chuyện tại đám tang. (Ảnh: Voicebot).

Smith nói với Technology Review rằng sự có mặt của phiên bản kỹ thuật số tại đám tang giúp anh và gia đình cảm thấy được an ủi.

Vấn đề lớn nhất với công nghệ hiện có là bất kỳ ai cũng được tạo ra từ một "nền" chung, theo Justin Harrison, nhà sáng lập You, Only Virtual. "Chúng tôi muốn tạo ra trải nghiệm độc nhất cho mỗi người", Harrison nói.

Nhà sáng lập You, Only Virtual cho rằng chỉ lưu lại những kỷ niệm sẽ không tái hiện được mối quan hệ giữa người sống và người đã khuất. Công ty này đang xây dựng một nền tảng giao tiếp mà khách hàng có thể sử dụng để nhắn tin và nói chuyện với những người thân yêu khi họ vẫn còn sống. Bằng cách này, phiên bản kỹ thuật số sẽ có những thói quen và cách giao tiếp của một người, theo Harrison.

Đó cũng là những gì Harrison đã làm với mẹ của mình, Melodi, người bị ung thư giai đoạn cuối. “Tôi đã xây dựng nó bằng dựa trên 5 năm tin nhắn của tôi với bà ấy. Dữ liệu dài đến hàng nghìn trang”, Harrison nói về chatbot của mình. Melodi kỹ thuật số dùng các cụm từ và cả các biểu tượng cảm xúc mà Melodi sử dụng, thậm chí hay mắc cùng một số lỗi chính tả.

Không phải người

Đối với một số người, việc nghe thấy giọng nói của những người thân đã khuất sẽ giúp ích cho quá trình phục hồi. Không có gì lạ khi mọi người nghe thư thoại hay những bản ghi âm từ một người vừa qua đời, Erin Thompson, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về đau buồn, cho biết. Một phiên bản kỹ thuật số có thể là một cách hữu ích và lành mạnh để ghi nhớ người thân đã khuất.


Một đoạn chat giữa Justin Harrison và chatbot Melodi do You, Only Virtual đăng tải. (Ảnh: You, Only Virtual).

Nhưng một người đang đau buồn cần nhớ rằng những chatbot này chỉ bắt chước một phần nhỏ của ai đó, chúng không có tri giác, và sẽ không thay thế các mối quan hệ giữa người với người, Thompson cảnh báo.

Việc tạo ra một bản sao kỹ thuật số của ai đó mà không có sự đồng thuận cũng làm nảy sinh một số vấn đề về quyền riêng tư, đặc biệt nếu người bị tái tạo chưa qua đời. Giả sử, người ta có thể dùng công nghệ đau buồn để tạo ra các phiên bản ảo của người sống, chẳng hạn như người yêu cũ.

Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu biết được rằng có một phiên bản ảo của bạn ở một nơi nào đó, dưới sự kiểm soát của người khác.

Một số người thì cho rằng tiếc thương cho những người đã qua đời là một trong số ít các khía cạnh của cuộc sống vẫn chưa, và không nên bị chi phối bởi công nghệ hiện đại.

Chi phí cũng có thể là một nhược điểm. Phiên bản không giới hạn của HereAfter, cho phép đưa vào bao nhiêu cuộc trò chuyện tùy thích để tạo ra phiên bản kỹ thuật số của một người, có giá 8,99 USD/tháng. StoryFile thì thu phí một lần, với mức giá là 499 USD. You, Only Virtual, dự kiến ​​có giá 10-20 USD/tháng khi ra mắt vào năm 2023.

Cập nhật: 24/10/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video