Nhiều hóa thạch và dấu vết trứng khủng long tình cờ được tìm thấy trong quá trình xây dựng ở huyện Vũ Ninh, tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc.
Ổ trứng khủng long được khai quật ở Vũ Ninh, Trung Quốc. (Video: Reuters)
Reuters hôm 14/10 dẫn lời nhân viên Zhang Lihong từ Bảo tàng huyện Vũ Ninh cho biết ổ trứng bao gồm ba quả hình bầu dục (hai quả được bảo quản tốt, một quả bị bong vỏ) và 7 vết lõm trứng khủng long khác có thể nhìn thấy rõ ràng trên đá. Chúng được phát hiện bởi một công nhân lái máy xúc, người sau đó đã báo cáo với chính quyền địa phương.
"Chúng tôi nhận được cuộc gọi thông báo rằng họ đã tìm thấy thứ gì đó tương tự hóa thạch trứng khủng long và ngay lập tức đến địa điểm", Zhang kể lại.
Sau quá trình nghiên cứu chuyên sâu, các chuyên gia khảo cổ học từ Bảo tàng huyện Vũ Ninh xác nhận đó thực sự là ổ trứng khủng long hóa thạch. Nó có niên đại vào kỷ Phấn trắng muộn cách đây khoảng 80 triệu năm.
Hóa thạch trứng khủng long có niên đại vào kỷ Phấn trắng muộn cách đây khoảng 80 triệu năm.
Dựa trên cấu trúc vi mô của lớp vỏ, nhóm của Zhang cũng xác định những quả trứng này là loại trứng Coralloidoolithus thuộc họ Stalicoolithidae, từng xuất hiện ở một số nơi khác như tỉnh Chiết Giang và Hà Nam của Trung Quốc.
Phát hiện mới giúp lấp đầy khoảng trống hóa thạch khủng long ở tỉnh Giang Tây và có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu cổ sinh vật học, tình trạng phân bố cũng như môi trường sống của khủng long trong kỷ Phấn trắng muộn.
Hiện tại, các mẫu vật đã được đưa về Bảo tàng huyện Vũ Ninh để nghiên cứu thêm và đang được xem xét trưng bày trong thời gian tới, Zhang lưu ý.
Từ loạt khám phá về hóa thạch trứng khủng long trong những năm gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã nhận thấy có sự suy giảm liên tục về tính đa dạng của khủng long xảy ra vào cuối kỷ Phấn trắng.