Sở hữu thân hình to lớn và màu sắc kỳ lạ, những con cự đà hồng đã thành công trong việc lẩn trốn con người suốt hai thập kỷ. Sự xuất hiện mới đây của chúng khiến các nhà tự nhiên học phải viết lại lịch sử tiến hóa của họ cự đà.
Một nhà khoa học bế cự đà hồng. Ảnh: AP. |
Các nhân viên bảo vệ động vật trên quần đảo Galapagos nhìn thấy một con cự đà (còn gọi là giông mào) màu hồng lần đầu tiên trên sườn núi lửa Wolf, thuộc đảo Isabela vào năm 1986. Nhưng mãi tới năm 2000 các nhà khoa học mới bắt đầu chú ý đến việc phát hiện những con vật màu hồng có chiều dài 1 đến 1,5 mét này.
Từ năm 2001, các nhà sinh vật học của Đại học Rome Tor Vergata (Italy) và Công viên quốc gia Galapagos (Ecuador) bắt đầu tìm hiểu xem liệu thằn lằn và cự đà hồng có phải là họ hàng của hai loài cự đà cạn có tên Conolophus subcristatus và Conolophus pallidus trên quần đảo Galapagos hay không.
Quần đảo Galapagos của Ecuador nằm cách bờ Thái Bình Dương khoảng 1.000 km. Các hòn đảo này được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1978 và nổi tiếng khắp hành tinh vì gắn liền với các nghiên cứu của cha đẻ thuyết tiến hóa Charles Darwin. |
Nhiều loài như chim sẻ và rùa trên các đảo thường thay đổi ngoại hình khi chuyển tới một hòn đảo khác. Hiện tượng này khiến Darwin tin rằng chúng tiến hóa theo nhiều hướng khác nhau trong các môi trường khác nhau. Tuy nhiên, Darwin chưa bao giờ tới núi lửa Wolf trên đảo Isabela, vì thế mà ông không nhìn thấy cự đà hồng, loài bò sát chỉ sống ở ngọn núi lửa này.
Các nhà khoa học đưa ra nhiều bằng chứng cho rằng thay vì là một nhánh của loài cự đà Conolophus subcristatus, cự đà hồng có thể là một loài riêng biệt. Cự đà thường lắc lư thân và chúi đầu rất nhanh khi gặp đồng loại, hành vi được cho là dấu hiệu thể hiện quyền làm chủ lãnh thổ và ve vãn. Tuy nhiên, cự đà hồng thực hiện hành vi đó theo cách “rườm rà” hơn nhiều so với loài cự đà subcristatus màu vàng và loài Conolophus pallidus.
Ngoài ra, mào của nó cũng khác hẳn hai loài trên. Có rất ít dấu hiệu cho thấy cự đà hồng và cự đà vàng có thể giao phối với nhau. Cấu trúc AND của cự đà hồng cũng khác biệt so với tất cả các loài trong họ cự đà mà con người đã biết. Điều này dẫn đến giả thuyết con đường tiến hóa của cự đà vàng và cự đà Conolophus pallidus từng trùng với con đường tiến hóa dẫn tới sự ra đời của cự đà hồng. Sau đó cự đà vàng và Conolophus pallidus tiếp tục tách ra thành hai loài riêng.
Phân tích gene cho thấy cự đà hồng tách ra khỏi họ cự đà khoảng 5,7 triệu năm trước. Kết quả này khiến nhiều nhà khoa học sửng sốt. “Vào thời gian đó, toàn bộ các đảo phía tây của quần đảo này chưa xuất hiện”, Gabriele Gentile, một giáo sư của Đại học Rome Tor Vergata (Italy), cho biết.
Một trong những hướng giải thích là: Một số núi lửa đang nằm dưới biển từng ở trên cạn khi những con cự đà đầu tiên xuất hiện. Sau khi nước bao phủ núi lửa, một số con cự đà chạy lên đất liền và bắt đầu quá trình phân tách. Những phân tích AND trước đó cho thấy những loài cự đà sống trên cạn tách ra khỏi những đồng loại sống dưới biển khoảng 10 triệu năm trước.
Cho dù lịch sử đã diễn ra như thế nào thì tiến sĩ Gabriele Gentile tin rằng số lượng cự đà hồng rất nhỏ nên chúng luôn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. “Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy số lượng cự đà hồng chỉ có thể đạt tới hàng trăm, chứ không thể tới hàng nghìn. Trong suốt 2 năm chúng tôi mới chỉ tìm thấy 36 con. Năm ngoái một đoàn chuyên gia tìm kiếm khắp nơi trên ngọn núi lửa Wolf và chỉ tìm thấy 10 con, song đó là những con mà chúng tôi đã tìm thấy và đánh dấu từ trước”, ông nói thêm.
Thực trạng đó đủ để đưa cự đà hồng vào danh sách các động vật có nguy cơ tuyệt chủng nếu nó là loài riêng biệt và không có quan hệ họ hàng với cự đà vàng. Nhóm của Gentile sẽ yêu cầu Ủy ban quốc tế về danh pháp động vật công nhận cự đà hồng là loài riêng biệt và duy nhất.