Cung điện do người Khiết Đan xây dựng dưới thời Liêu có tổng diện tích hơn 200m2, là nơi tránh nóng mùa hè cho hoàng tộc và cận thần.
Các nhà khảo cổ học phát hiện dấu tích của một cung điện cổ đại đóng vai trò như nơi nghỉ mát mùa hè của vua quan nhà Liêu, Newsweek hôm 11/1 đưa tin. Để tránh nóng, mỗi năm từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 7, hoàng đế nhà Liêu đưa cả hoàng tộc cùng quan lại cấp cao lên dãy núi nay thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc.
Công trình điện thờ xây dưới triều Liêu ở Bắc Kinh. (Ảnh: Frederic J. Brown).
Nhóm chuyên gia khảo cổ tìm thấy hơn 100 thành phần kết cấu ở di chỉ tại huyện Đa Luân, khu tự trị Nội Mông, bao gồm gạch tráng men, gốm sứ và đinh đồng. Họ ghi nhận nền móng của 12 tòa nhà với tổng diện tích hơn 232m2. Ge Zhiyong, nhà nghiên cứu tại Viện khảo cổ Khu tự trị Nội Mông, cho biết các đồ tạo tác khai quật từ di chỉ giúp xác định cung điện được xây vào giữa triều Liêu.
Phát hiện về cung điện sẽ giúp các nhà khảo cổ học có thêm nhiều hiểu biết mới về cả kiến trúc và phong tục văn hóa của triều Liêu. Các cuộc khai quật quy mô lớn sẽ được tiến hành tại di chỉ.
Triều Liêu do người Khiết Đan lập nên. Đây là tộc người du mục phân bố ở Mông Cổ ngày nay và nhiều khu vực phía bắc Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Ngày 27/2/907, thủ lĩnh tộc Khiết Đan là Gia Luật A Bảo Cơ xưng là "Thiên hoàng đế". Đến ngày 17/3/916, Gia Luật A Bảo Cơ đăng cơ, lấy quốc hiệu là "Khiết Đan". Năm 947, quốc hiệu được đổi thành "Đại Liêu". Năm 1125, triều Liêu sụp đổ và bị nhà Kim tiêu diệt.
Dù ban đầu không có ngôn ngữ viết để diễn đạt phương ngữ Mông Cổ nguyên bản, triều Liêu đã phát triển hai loại chữ viết có nhiều đặc điểm giống ký tự Trung Quốc hiện đại. Các hoàng đế nhà Liêu liên tục mở rộng lãnh thổ nhưng chú trọng duy trì huyết thống hoàng gia thuần chủng, quy định hoàng đế không được phép lấy người từ các bộ tộc Khiết Đan đô hộ. Tuy nhiên, phụ nữ triều Liêu có nhiều ảnh hưởng chính trị với ít nhất ba thái hậu từng nhiếp chính.