Cuộc đời của Robert Hooke - Nhà khoa học khám phá ra tế bào

Khám phá ra tế bào cùng nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực toán, cơ học, Robert Hooke qua đời bởi bệnh còi và chưa từng kết hôn.

Robert Hooke sinh ngày 18/7/1635 tại Isle of Wight, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía nam nước Anh. Khi còn nhỏ, do mắc bệnh đậu mùa nặng và quá ốm yếu để tới trường, cậu dành phần lớn thời thơ ấu để vẽ tranh trong phòng ngủ của mình. Vào thời điểm đó, Hooke cũng thể hiện khả năng máy móc đáng kinh ngạc khi chế tạo đồng hồ bằng gỗ và thuyền đồ chơi với những khẩu đại bác.

Đến tuổi thiếu niên, sau khi cha qua đời, Hooke đến London và đăng ký học tại Trường Westminster, nơi cậu nhận được một nền giáo dục hàn lâm vững chắc bằng cả tiếng Latinh, Hy Lạp và Do Thái, đồng thời cũng được đào tạo để trở thành một nhà sản xuất nhạc cụ. Từ đó, cậu phát hiện ra rằng tài năng của mình còn vượt ra ngoài lĩnh vực hội họa, theo ThoughtCo.


Bức tranh vẽ Robert Hooke dựa trên mô tả của bạn bè. (Ảnh: Rita Greer)

Hooke thể hiện năng lực vượt trội ở nhiều lĩnh vực, song khám phá nổi tiếng nhất của ông là phát hiện ra tế bào vào năm 1665. Thành tựu này có được cũng nhờ kính hiển vi do chính ông cải tiến thiết kế trước đó dựa trên kính hiển vi phức hợp. Ông đặt ba thấu kính theo thứ tự để phóng đại hình ảnh và thêm ánh sáng để quan sát tốt hơn.

Những cải tiến này cho phép Hooke nhìn thấy "điều kỳ diệu" khi ông đặt một miếng nút chai dưới kính hiển vi. Nhà khoa học đã trình bày chi tiết những quan sát của mình về thế giới nhỏ bé và chưa từng thấy này trong cuốn sách Micrographia. Đối với Hooke, nút chai trông như thể được tạo ra từ những lỗ chân lông nhỏ mà ông gọi là "tế bào", theo National Geographic.

"Tôi có thể nhận thấy rõ ràng rằng tất cả đều đục lỗ và xốp, giống như một tảng ong, nhưng các lỗ của nó không đều nhau. Những lỗ chân lông này, hay các tế bào, thực sự là những lỗ siêu nhỏ đầu tiên mà tôi từng thấy, và có lẽ là chưa ai từng thấy, vì tôi chưa gặp bất kỳ tài liệu nào đề cập đến chúng trước đây", Hooke viết trong cuốn Micrographia.

Sách Micrographia cũng chứa đầy những bản phác thảo phức tạp khác về thế giới nhỏ bé mà Hooke quan sát được, từ những bông tuyết sáu cạnh cho đến các bào tử nấm mốc, thứ mà khi nhìn gần trông giống như bông hoa tulip đung đưa trong gió.


Kính hiển vi được cải tiến của Robert Hooke. (Ảnh: Libreria Bardon)

Ông cũng là người đầu tiên kiểm tra các loại hóa thạch khác nhau bằng kính hiển vi và đề xuất trong cuốn Micrographia rằng hóa thạch hình thành khi một số loài nhất định bị đẩy đến một nơi mà ở đó chúng bị vùi lấp bởi bùn, đất sét, nước hóa đá, hoặc một số chất khác do sự kiện đại hồng thủy, ngập lụt hoặc động đất.

Các quan sát bằng kính hiển vi của ông cũng cho thấy cách muỗi và chấy rận hút máu.

Hooke từng khám phá ra một định luật vật lý mà sau này được đặt theo tên của ông. Định luật Hooke nói rằng lực cần thiết để kéo dài hoặc nén một lò xo tỷ lệ với quãng đường nó bị kéo căng.

Tiếp theo thành công này, ông đã cải tiến 5 công cụ khí tượng chính, bao gồm áp kế, nhiệt kế, kính soi đáy nước, máy đo mưa và máy đo gió, theo Live Science.

Ở lĩnh vực thiên văn, Hooke phát hiện ra ngôi sao thứ 5 trong "hình thang" của chòm sao Orion vào năm 1664. Trong quá trình quan sát bầu trời đêm, ông đã phân tích các hành tinh và là người đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng sao Mộc quay trên một trục. Sau đó, vào thế kỷ 19, các bản phác thảo của ông về sao Hỏa đã được sử dụng để tính toán tốc độ quay của thiên thể.

Qua đời và chưa từng kết hôn

Hooke giữ một cuốn nhật ký, trong đó ông thảo luận rất nhiều về tình trạng bệnh tật của mình. Mặc dù không có giá trị văn học như cuốn nhật ký của Samuel Pepys, nó đã mô tả nhiều chi tiết về cuộc sống hàng ngày ở London sau trận Đại hỏa hoạn. Hooke qua đời vào ngày 3/3/1703, mắc chứng bệnh còi và một vài bệnh khác không rõ tên. Ông chưa từng kết hôn và cũng không có con.

Hooke là một nhà khoa học lỗi lạc, nhưng cũng là người khó tính và thiếu kiên nhẫn, điều khiến ông không đạt được thành công thực sự trong lĩnh vực toán học. Nhiều ý tưởng của Hooke đã truyền cảm hứng và sau này được hoàn thành bởi những người khác ở cả trong và ngoài Hiệp hội Hoàng gia London, như nhà vi sinh vật tiên phong Antoni van Leeuwenhoek (1632 - 1723), nhà địa lý William Dampier (1652 - 1715), nhà địa chất Niels Stenson (1638 - 1686), và thậm chí là Isaac Newton (1642 - 1727), người có mâu thuẫn với Hooke.

Khi Hiệp hội Hoàng gia London xuất bản cuốn "Principia" của Newton vào năm 1686, Hooke đã cáo buộc Newton đạo văn. Theo tạp chí Science Focus, định luật mới của Newton đã giải thích tại sao "tất cả các thiên thể đều có lực hút hoặc lực hấp dẫn hướng về tâm của chúng", nhưng Hooke đã viết những lời này từ nhiều thập kỷ trước.

Newton phủ nhận mọi hành vi đạo văn, nhưng nhiều người tin rằng Newton có thể đã biến mô tả chính xác của Hooke thành một mô hình toán học. Vụ việc này ảnh hưởng tới Newton đến mức ông phải ngừng xuất bản cuốn "Optics" cho đến khi Hooke qua đời.

Cập nhật: 24/06/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video