Chim cánh cụt và dấu vết "chưởng phong" xung quanh tổ |
Các nghiên cứu đoạt giải gồm có việc tính toán "nội lực" của chim cánh cụt khi đi "ị"; so sánh tốc độ bơi của người trong nước thường và sirô; và còn... dầu hắc ín bao nhiêu năm mới chảy ra một giọt!
Bơi trong sirô cũng giống bơi trong nước...
Edward Cussler và Brian Gettelfinger thuộc ĐH Minnesota đoạt giải Ig Nobel Hóa học từ công trình rất "thể thao". Hồi Gettelfinger còn là sinh viên và luyện bơi để thi Olympic, ông bỗng nảy ra ý tưởng xem thử người ta bơi trong nước nhanh hay bơi trong sirô nhanh.
Hai ông rủ nhau tìm cách thí nghiệm, phải đi xin phép đến 22 cấp thẩm quyền mới được phép đem sirô ngô đổ vào bể bơi 25m.
Nhưng cuối cùng thành phố Minneapolis lại đòi đến 22 ngàn USD nếu muốn thực hiện thí nghiệm. Lý do: sau khi thí nghiệm xong số sirô ấy chảy ra làm hệ thống thoát nước chịu không nổi!
Hai ông không bỏ cuộc. Giải pháp cuối cùng là đem 310 ký bột kẹo pha với nước trong bể bơi. Có đến 16 người tình nguyện bơi trong bể sirô đó, rồi bơi tiếp trong nước.
Kết quả thí nghiệm thật "vô dụng" như chính ông Cussler thú nhận: chả có khác biệt gì cả, bơi nước thường hay bơi trong sirô cũng nhanh, chậm như nhau.
"Nội lực ị" của chim cánh cụt
Có lẽ ít ai biết, trừ những nhà nghiên cứu, rằng chim cánh cụt khi ngồi ấp trứng trong tổ thường ngại ra ngoài "giải quyết nỗi niềm". Khi có nhu cầu, chú penguin chỉ việc nghiêng người tới trước, vén đuôi lên và "khai hỏa".
Giải Ig Nobel về động lực học chất lỏng về tay Benno Meyer-Rochow (ĐH Quốc tế Bremen - Đức), tập thể ĐH Oulu Phần Lan và Jozsef Gal (ĐH Lorand Eotvos - Hungary) khi nhóm này đã nghiên cứu và cho thấy chú chim cánh cụt với kích thước chừng đó mà khi "ị" lại có "nội lực phóng chưởng" từ 10 đến 60 kilopascal, cao hơn nhiều "nội lực" của người khi cùng làm "nhiệm vụ" tương tự.
Lý do chú chim cánh cụt không đi tìm chỗ ị riêng mà ngồi tại tổ phóng chưởng? Một lý giải tạm thời là chú không muốn trứng mà chú đang ấp bị lạnh.
Đồng hồ chạy trốn
Giải Ig Nobel văn chương năm nay được trao cho một cái e-mail scam xuất thân từ Nigeria, trong đó kể rất hay và bài bản chuyện họ biết có một kho báu thuộc về họ, và hứa sẽ thưởng tiền nếu ai giúp họ lấy được kho báu ấy.
Có lẽ ở VN không ít người đã nhận được "tác phẩm" đoạt giải này! Giải Kinh tế còn lạ nữa: Bà Gauri Nanda (trường MIT, Mỹ) chiến thắng nhờ sáng chế ra loại đồng hồ báo thức đặc biệt, được coi là đóng góp cho nền kinh tế. Đồng hồ này, có tên là Clocky, có bánh xe.
Khi nó đổ chuông mà bị người chủ ngái ngủ nhấn nút tắt tạm thời, Clocky lập tức "bỏ chạy" trên các bánh xe được gắn phía dưới, "trốn" vào một chỗ nào đó để đổ chuông tiếp.
Người chủ không có cơ hội để thò tay ra tắt chuông tiếp, và trên lý thuyết, sẽ phải bước ra khỏi giường, đi làm đúng giờ, và... đóng góp cho nền kinh tế.
Thí nghiệm nhiều đời
Phải gọi thí nghiệm đoạt giải Ig Nobel vật lý năm nay là thí nghiệm nhiều đời mới chính xác. Dầu hắc ín vẫn được coi là chất lỏng, nhưng các tính năng của nó lại như chất rắn. Thomas Parnell (ĐH Queensland, Úc) nghĩ ra cách chứng minh dầu hắc ín đông đặc là chất lỏng. Ông cho dầu hắc ín vào một cái phễu, nơi nó đông lại.
Rồi ông ngồi... chờ nó nhỏ giọt xuống dưới, vì chất lỏng thì phải nhỏ giọt chứ! Thí nghiệm này bắt đầu từ năm... 1927. Tám năm sau, giọt đầu tiên mới rơi ra. Giọt thứ 2 rơi ra đúng 9 năm sau nữa.
Nay ông Parnell đã qua đời, nhà nghiên cứu John Mainstone tiếp tục thí nghiệm. Năm 2000 vừa qua số dầu hắc ín đó đã nhỏ giọt thứ... 8, và ông Mainstone đang chờ giọt thứ 9 rơi.
Các giải Ig Nobel 2005
* Sinh học: Benjamin Smith (ĐH Adelaide, Úc) và nhóm nghiên cứu các loại mùi khác nhau do ếch tỏa ra khi bị stress. Kết luận: một số tỏa ra mùi hạt điều, cam thảo, bạc hà hoặc mùi cá thối.
* Động lực học chất lỏng: Victor Benno Meyer-Rochow (ĐH Quốc tế Bremen, Đức) chiến thắng với nghiên cứu về khả năng dùng sức ép nội tại khi đi “ị” của chim cánh cụt.
* Vật lý: Từ năm 1927 tới nay, các nhà nghiên cứu ĐH Queensland, Úc chứng minh hắc ín đông là chất lỏng bằng cách để nó vào phễu và chờ nó chảy xuống. Năm nay, đống hắc ín ấy sắp nhểu xuống giọt thứ 9. Thí nghiệm này đoạt kỷ lục Guinness về thí nghiệm kéo dài nhất thế giới.
* Hòa bình: Hai nhà nghiên cứu ĐH Newcastle trên sông Tyne, Anh đoạt giải khi nghiên cứu tác động của các cảnh phim Chiến tranh các vì sao (Star wars) lên não của... châu chấu.
* Hóa học: Nghiên cứu của ĐH Minnesota (Mỹ) cho thấy tốc độ người bơi trong xirô cũng bằng tốc độ người bơi trong nước thường.
* Văn học: Các “tác gia” người Nigeria đoạt giải với nội dung e-mail scam gửi đến hàng triệu người trên thế giới, đề nghị chi một ít tiền để giúp họ lấy lại một kho báu khổng lồ rồi chia phần. E-mail loại này đã xuất hiện ở VN.
* Y học: Giải được trao cho Gregg Miller vì đã sáng chế ra "Neuticles", một loại... tinh hoàn nhân tạo có thể dùng cho... chó thiến.
* Dinh dưỡng học: Tiến sĩ Yoshiro Nakamats với 35 năm liền chụp ảnh ghi lại các bữa ăn của mình nhằm nghiên cứu tác động của thức ăn lên hoạt động của não, sức khỏe và tuổi thọ. Ông tìm ra 55 yếu tố có thể làm người ta thọ đến 144 tuổi.
* Kinh tế: Đồng hồ Clocky do bà Gauri Nanda (Trường MIT, Mỹ) chế tạo.
HÀ NGUYÊN (tổng hợp)