Các nhà khoa học không loại trừ khả năng khủng long có thể tiến hóa thành loài thông minh giống con người.
65 triệu năm trước, một thiên thạch đường kính 15km đâm xuống Trái Đất với sức mạnh tương đương 10 tỷ quả bom nguyên tử ở Hiroshima. Vụ va chạm hủy diệt mọi thứ trong bán kính hàng trăm kilomet, tạo ra những đợt sóng thần dữ dội và khiến 75% sinh vật trên Trái Đất khi đó tuyệt chủng.
Khủng long từng là loài vật thống trị Trái Đất thời cổ đại. (Ảnh: Smithsonian).
Các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra giả thuyết, nếu vụ va chạm không xảy ra hoặc xảy ra với sức hủy diệt nhỏ hơn thì đến nay khủng long sẽ tiến hóa và sinh sống như thế nào, theo BBC.
Nhóm các nhà khoa học, trong đó có nhà địa chất Sean Gulick đến từ Đại học Texas, nghiên cứu về sự kiện thiên thạch đâm xuống Trái Đất. Họ kết luận, nếu rơi sớm hoặc muộn hơn một chút thì thiên thạch sẽ đâm xuống Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương thay vì bán đảo Yucatan, Mexico.
Việc rơi xuống biển sâu làm giảm sức mạnh của vụ va chạm và hạn chế lượng bụi lưu huỳnh bắn lên tầng khí quyển. Khi đó, ánh sáng mặt trời chiếu xuống Trái Đất sẽ không bị lớp tro bụi dày ngăn cản và nhiều loài khủng long có thể vẫn tồn tại.
"Khủng long vẫn sẽ tuyệt chủng do khí hậu trở nên lạnh hơn", Mike Benton, nhà cổ sinh vật tại Đại học Bristol nêu ý kiến. Theo ông, động vật có vú vẫn sẽ thay thế khủng long thống trị Trái Đất.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác cho rằng khủng long sẽ thích nghi và tồn tại. "Khủng long vẫn thích nghi rất tốt vào cuối kỷ Phấn trắng", nhà nghiên cứu Stephen Brusatte tại Đại học Edinburgh cho biết.
Biến đổi khí hậu có thể là trở ngại đầu tiên mà khủng long phải vượt qua để tiếp tục tồn tại. Sự kiện Trái Đất ấm lên cách đây 55 triệu năm từng khiến nhiệt độ trung bình cao hơn ngày nay 8 độ C, rừng mưa nhiệt đới che phủ phần lớn diện tích đất liền.
Trong điều kiện khí hậu nóng và thực vật dồi dào, có thể loài khủng long chân thằn lằn với chiếc cổ dài sẽ phát triển nhanh hơn, sinh sản sớm hơn và thu nhỏ kích thước. Người ta đã tìm ra dấu vết của khủng long chân thằn lằn nhỏ ở những hòn đảo thuộc châu Âu cuối kỷ Phấn trắng.
Loài khủng long cổ dài có thể thu nhỏ kích thước khi thức ăn dồi dào. (Ảnh: Mo's Dinosaur News).
Một xu hướng nữa cuối kỷ Phấn trắng là các loài cây có hoa hay cây hạt kín bắt đầu phát triển. Trong suốt kỷ Jura, phần lớn thực vật là dương xỉ và các cây hạt trần ít dinh dưỡng hơn. Có thể loài khủng long chân thằn lằn có kích thước lớn như vậy để tiêu hóa những loài cây này một cách hiệu quả.
Khủng long ăn cỏ có thể chuyển sang ăn những loại cây có hoa là chính, Matt Bonnan, nhà cổ sinh vật tại Đại học Stockton nhận định. "Vì thực vật có hoa dễ tiêu hóa hơn nên các loài khủng long ăn cỏ sẽ dần thu nhỏ kích thước cơ thể", ông giải thích.
Cùng với thực vật có hoa là sự xuất hiện của các loại quả, chim và động vật có vú ăn quả giúp cây phân tán hạt giống. "Nhiều loài chim sống nhờ ăn hoa quả. Vì vậy, có thể một số loài khủng long cũng tiến hóa thành động vật ăn quả", Bonnan cho biết.
Một số loài khủng long lông vũ nhỏ có thể tiến hóa thành các loài tương tự linh trưởng. Nhiều loài khác có thể uống mật hoa và giúp hoa thụ phấn, Brusatte bổ sung.
Một sự kiện quan trọng khác xảy ra khoảng 34 triệu năm trước là Nam Mỹ và Nam Cực chia tách, băng ở Nam Cực hình thành, Trái Đất trở nên khô và lạnh hơn. Các đồng cỏ bắt đầu xuất hiện và trải rộng khắp nơi.
"Động vật có vú ăn cỏ với chân mảnh và chạy nhanh dần trở nên phổ biến, vì ở những bãi cỏ rộng sẽ không có nơi để ẩn nấp", Holtz cho biết. Đây là lúc thú móng guốc và kẻ thù của chúng bắt đầu phát triển mạnh.
Khủng long ba sừng hoặc khủng long hông chim có thể tiến hóa thành các loài ăn cỏ và chạy nhanh, theo Darren Naish, nhà cổ sinh vật chuyên nghiên cứu động vật có xương sống. "Khủng long khi đó đã sở hữu nhiều lợi thế tiến hóa mà động vật có vú phải trải qua một thời gian dài mới đạt được", ông nói thêm.
Nhờ vậy, khủng long sẽ thích nghi tốt với các bãi cỏ rộng lớn. Khủng long cũng có tầm nhìn tốt hơn động vật có vú và nhạy bén hơn trong việc phát hiện nguy hiểm.
Khủng long cũng sẽ phải đối mặt với những kỷ Băng hà diễn ra cách đây 2,6 triệu năm. "Có thể ở những nơi lạnh hơn, bạn sẽ thấy các loài khủng long da dày với một lớp lông phủ kín từ đầu đến chân", Naish nhận định.
Các nhà khoa học cũng thử dự đoán số phận của các loài chim và động vật có vú nếu khủng long trên cạn, thằn lằn bay trên trời, thằn lằn cá và thương long dưới biển vẫn tồn tại.
Kích thước của loài thằn lằn bay azhdarchid so với con người và hươu cao cổ. (Ảnh: Pinterest).
Cuối kỷ Phấn trắng đã có rất nhiều loài chim tồn tại. Có lẽ điều này gây cản trở sự đa dạng loài ở thằn lằn bay, Holtz nhận xét. Ông dự đoán một trong những loài thằn lằn bay tiếp tục phát triển là azhdarchid với sải cánh dài 12m.
Sự tồn tại của khủng long sẽ ảnh hưởng lớn đến động vật có vú. Động vật có vú đã tồn tại khoảng 160 triệu năm trước vụ va chạm thiên thạch. Chúng đa dạng nhưng chỉ là các loài vật nhỏ bé. Khi thiên thạch đâm xuống khiến khủng long tuyệt chủng, động vật có vú mới bắt đầu bùng nổ, theo Brusatte.
Một số ý kiến khác cho rằng các loài có vú lớn sẽ khó tồn tại, nhưng dơi, loài gặm nhấm, động vật ăn thịt nhỏ, linh trưởng và chồn túi sẽ trở nên phổ biến. Naish tin rằng linh trưởng vẫn sẽ xuất hiện, thậm chí có thể tiến hóa thành loài tương tự như người. Tuy nhiên, khi đó con người sẽ phải tìm cách chung sống và đối phó với những loài vật khổng lồ đầy nguy hiểm.
Năm 1982, nhà nghiên cứu Dale Russell tại Bảo tàng Tự nhiên Canada đưa ra giả thuyết khủng long tiến hóa thành loài có trí tuệ. Theo đó, loài khủng long ăn thịt Troodon với bộ não cực lớn có thể là tổ tiên của những loài khủng long thông minh. Ông cũng tạo hình ảnh mô phỏng nếu khủng long tiến hóa thành loài vật thông minh giống con người.
Dale Russell đưa ra giả thuyết khủng long tiến hóa thành loài vật thông minh như người. (Ảnh: Pinterest).
Holtz cho rằng khủng long có thể có não bộ phức tạp và phát triển khả năng giải quyết vấn đề, nhưng sẽ không tiến hóa thành hình dạng giống con người. "Quá trình con người tiến hóa rất đặc biệt, bao gồm hành vi đu cây và nhiều thứ khác", Holtz giải thích.
Theo các nhà khoa học, nếu vượt qua các biến cố lớn trong lịch sử Trái Đất, có thể khủng long sẽ tiến hóa và tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, con người từng săn voi ma mút và nhiều loài động vật lớn khác đến mức tuyệt chủng. Sự bùng nổ dân số và kỹ thuật săn bắn của con người chắc chắn cũng sẽ tiêu diệt rất nhiều loài khủng long.
Nếu khủng long còn tồn tại đến nay, có lẽ một số loài ăn cỏ lớn, thậm chí những loài ăn thịt tương tự khủng long bạo chúa sẽ được bảo vệ trong các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc công viên quốc gia đủ rộng. Một vài loài khủng long nhỏ sẽ thích nghi với môi trường thành thị và sống cùng con người như bồ câu, chuột hay mòng biển.