Cuộc sống ở hòn đảo nằm "bên rìa thế giới"

Cư dân đảo Foula của Anh phải vượt đại dương để đi mua thực phẩm và chấp nhận cuộc sống không có sóng điện thoại di động.


Năm 1937, bộ phim "Nơi tận cùng thế giới" ra mắt, với nội dung là câu chuyện về hòn đảo St Kilda của Anh. Tuy nhiên, do không được phép quay tại St Kilda, đạo diễn Michael Powell đã chọn đảo Foula làm bối cảnh thay thế. Bộ phim đã tạo cảm hứng để nhiếp ảnh gia nổi tiếng Jeff J. Mitchell tìm đến Foula và thực hiện bộ ảnh này.


Đảo Foula, thuộc nhóm đảo Shetland, có diện tích khoảng 13km2 và dân số chỉ 30 người. Nằm gần Na Uy hơn thủ phủ Edinburgh của Scotland, đây là hòn đảo có người cư trú biệt lập nhất trong quần đảo Anh. Con người đã bắt đầu cư trú trên hòn đảo này từ cách đây 5.000 năm.


Foula giờ đây đã trở nên hiện đại hơn 80 năm trước, với sân bay chuyên chở cư dân đi lại giữa hòn đảo này và các đảo chính trong nhóm đảo Shetland. Tuy nhiên, hòn đảo vẫn chưa có sóng di động và quá ít dân. "Không có xe cộ, không có tiếng ồn. Điện thoại của bạn hoàn toàn vô dụng ở đây", nhiếp ảnh gia Mitchell nói với BBC. Thậm chí muốn đi mua sắm hay đi khám răng, người dân phải dùng máy bay hoặc thuyền vượt biển.


Những hạn chế đó không khiến cuộc sống của người dân nơi đây buồn tẻ. Ông Stuart Taylor, người sống trên đảo 30 năm, nói: "Chúng tôi vẫn có điện thoại cố định, Internet, điện và tivi, vậy chính xác bạn đâu thiếu thứ gì. Chỉ cần một cú điện thoại là có thể tập hợp mọi người đến ăn tối và chơi nhạc".


Dù vậy, nhiều khách du lịch vẫn cảm thấy không thể chịu đựng sự tĩnh lặng đến hiu quạnh ở nơi tận cùng thế giới này. Ông Taylor kể một du khách từ Edinburgh nói muốn đến Foula để nghỉ ngơi, nhưng chỉ sau một ngày anh ta đã lên thuyền quay trở về. Hòn đảo không có quán rượu hay cửa hàng, dù có cả một bưu điện.


Foula (tiếng Bắc Âu cổ có nghĩa là "đảo chim") nổi tiếng với những loài chim biển, thu hút vài trăm du khách đến đây ngắm cảnh mỗi dịp hè. Ngoài du lịch, người dân ở đây sống bằng nghề nông, chủ yếu là nuôi cừu. Tuy nhiên, không giống như nông sản khác có thể vận chuyển bằng máy bay, người dân phải dùng thuyền vượt đại dương để đưa cừu tới chợ bán.


Eric Ibister, 78 tuổi, lớn lên ở Foula. Ông chỉ rời hòn đảo đúng 2 lần, lần đầu là khi ông được sinh ra. Bên cạnh ông là con bò có tên Daisy và con dê có tên Dixy.


"Nhà của ông ấy như cách đây hàng thế kỷ",
nhiếp ảnh gia Mitchell miêu tả nơi ở của ông Ibster. Phòng khách đầy những cuốn sách cũ và đĩa than. Giữa phòng, ông đặt một chiếc lò gang vừa để nấu nướng vừa để sưởi ấm vào mùa đông.


Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những bầy ngựa pony lang thang giữa khung cảnh thanh bình. Với người dân Foula, lý do họ gắn bó với nơi này xuất phát từ một nghịch lý. Hòn đảo không có những điều kiện cơ bản mà những nơi khác đều có như bệnh viện hay cảnh sát, nhưng cư dân ở đây lại có được sự bình yên trong tâm hồn đến từ niềm tin vào khả năng tự lực cánh sinh của mình.

Cập nhật: 19/12/2016 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video