Theo kết quả nghiên cứu mới, đường kẻ Nazca ở Peru do hai nền văn minh tạo ra và sử dụng vào mục đích khác nhau.
Lời giải về đường kẻ Nazca bí ẩn
Đường kẻ Nazca từ lâu đã trở thành bí ẩn lớn đánh đố nhân loại. Mới đây, các chuyên gia công bố kết quả nghiên cứu mới. Qua đó, họ cho rằng, đường kẻ Nazca có thể được hai nền văn hóa sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Một nền văn hóa có thể sử dụng đường kẻ Nazca như là một phần của cuộc hành hương. Trong khi đó, nền văn minh còn lại có thể sử dụng đường kẻ Nazca trong các nghi lễ tôn giáo. Kết quả nghiên cứu mới này do ĐH Yamagata ở Nhật Bản tiến hành.
Các chuyên gia thuộc ĐH Yamagata đã nghiên cứu 100 hình khắc geoglyph - thiết kế lớn (thường dài hơn 4m) được vẽ trên mặt đất thuộc khu vực ở đường kẻ Nazca. Một số trong số đó rộng hàng chục, hàng trăm m2. Từ đó, các chuyên gia suy luận, hai nền văn hóa đã tạo ra và sử dụng đường kẻ Nazca.
Hầu hết đường kẻ Nazca hướng về phía một ngôi đền thời tiền Inca có tên Cahuachi. Đây là một trung tâm tôn giáo mà những người hành hương thường lui đến.
Trong khi đó, một nhóm đường kẻ Nazca bao gồm cả hình động vật được tìm thấy gần Thung lũng Ingenio và hướng tới ngôi đền Cahuachi được suy đoán có thể là tuyến đường hành hương cổ xưa. Một nhóm đường kẻ khác được tìm thấy chủ yếu ở thung lũng Nazca và cũng hướng tới ngôi đền Cahuachi từ một hướng khác.
Qua đó, các nhà nghiên cứu suy luận nhóm đường kẻ Nazca đầu tiên được tạo thành từ giai đoạn sơ khai cho đến năm 200 sau công nguyên. Họ sử dụng đường kẻ Nazca như một phần của cuộc hành hương hướng đến ngôi đền Cahuachi.
Nền văn minh thứ hai sử dụng đường kẻ Nazca trong giai đoạn Nazca cho đến năm 450 vào mục đích khác nền văn minh trên. Theo đó, họ dường như đập vỡ những bình gốm tại điểm giao giữa các đường kẻ Nazca. Đây có thể là một phần của các nghi lễ tôn giáo thời xưa. Các chuyên gia đưa ra suy đoán này từ những mảnh gốm vỡ được tìm thấy trong thời kỳ này.