Công nghệ tế bào gốc vừa đạt được bước tiến mới khi các bác sĩ Nhật Bản vừa "lập trình lại" được tế bào gốc của một người hiến tặng để cấy ghép cho một bệnh nhân khác.
Theo Engadget, một người đàn ông Nhật Bản bị thoái hóa võng mạc do tuổi già đã được chữa khỏi nhờ vào việc được cấy ghép tế bào gốc của một người hiến tặng. Điểm đặc biệt là các bác sĩ đã biến các tế bào da của người hiến tặng thành tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (tế bào iPS, được tạo ra từ các tế bào trưởng thành). Hiểu một cách đơn giản, tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng là loại tế bào có thể được lập trình để trở thành bất cứ một loại tế bào nào trên cơ thể người.
Nhật Bản đang có những kế hoạch để khiến cho việc hiến tặng tế bào gốc trở nên phổ biến hơn.
Trong trường hợp kể trên, các tế bào ban đầu ở da đã được các bác sĩ lập trình lại để trở thành tế bào võng mạc và sau đó được dùng để cấy ghép cho người đàn ông. Nếu mọi chuyện thuận lợi, các tế bào mới sẽ ngăn chặn được sự lão hóa võng mạc và giúp bệnh nhân duy trì thị lực ổn định.
Đây không phải lần đầu tiên các bác sĩ Nhật Bản tiến hành cấy ghép tế bào gốc được lập trình lại. Trước đó, họ đã thử nghiệm cấy ghép tế bào gốc được lấy từ chính da bệnh nhân vào năm 2014. Tuy nhiên, việc bệnh nhân có những gen di truyền bất thường đã khiến thử nghiệm bị ngừng lại. Giờ đây, các bác sĩ chuyển hướng sang việc lấy tế bào gốc từ những người khỏe mạnh thay vì lấy từ chính bệnh nhân.
Quan trọng hơn, Nhật Bản đang có những kế hoạch để khiến cho việc hiến tặng tế bào gốc trở nên phổ biến hơn. Nhà nghiên cứu Shinya Yamanaka hiện đang phát triển một ngân hàng tế bào gốc để các bệnh nhân cần điều trị có thể sử dụng ngay lập tức, thay vì chờ hàng tháng để tìm ra ứng viên phù hợp. Mặc dù mới chỉ đáp ứng được từ 30 đến 50% nhu cầu thực tế nhưng ngân hàng tế bào gốc của ông Yamanaka đang tỏ ra rất hữu ích trong việc cải thiện chất lượng điều trị cho nhiều bệnh nhân Nhật Bản.