Đã đến lúc bạn thay đổi mạng Wi-Fi ở nhà để sống tốt hơn

Nếu sóng Wi-Fi không thể phủ mọi ngóc ngách trong nhà, giải pháp tối ưu nhất là trang bị hệ thống Wi-Fi mesh (Wi-Fi lưới).

Thời gian gần đây, Wi-Fi mesh là cụm từ được nhắc đến khá nhiều khi nhu cầu sử dụng Wi-Fi ngày càng tăng. Những lợi ích được đưa ra khi sử dụng Wi-Fi mesh: phạm vi phủ sóng rộng hơn, kết nối dễ dàng...

Vậy Wi-Fi mesh là gì, ưu nhược điểm như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết.

Mạng Wi-Fi mesh là gì?

Về cơ bản, Wi-Fi mesh là hệ thống gồm 2 hay nhiều thiết bị, gồm một router chính và một, 2 hay nhiều thiết bị phụ hoạt động để tạo ra một tên mạng Wi-Fi duy nhất phủ kín khắp nhà. Khi di chuyển từ tầng trệt lên lầu, bạn không cần phải kết nối lại với những cục model nào gần hơn để có mạng mạnh. Mesh sẽ làm việc đó thay bạn và giúp căn nhà gần như không có điểm chết sóng Wi-Fi. Việc trang bị một hệ thống Wi-Fi mesh đủ mạnh cũng giúp các thiết bị smarthome vận hành tốt hơn, giảm thiểu độ trễ.


Hệ thống Wi-Fi mesh gồm 2 hay nhiều thiết bị, gồm một router chính và các thiết bị phát sóng phụ. (Ảnh: The Verge).

Wi-Fi mesh đã xuất hiện được khá lâu. Eero là công ty đầu tiên giới thiệu hệ thống Wi-Fi mesh cho người dùng phổ thông vào năm 2016. Tháng 3/2019, Eero được Amazon thâu tóm nhưng vẫn hoạt động độc lập.

Sau Eero, nhiều công ty lớn trong lĩnh vực thiết bị mạng như Netgear, Linksys, TP-Link... cũng giới thiệu hệ thống Wi-Fi mesh của riêng mình, giá bán cũng dễ chịu hơn cho người dùng cuối.

Nếu ngôi nhà có những đặc điểm sau, đã đến lúc bạn cân nhắc trang bị hệ thống Wi-Fi mesh:

  • Diện tích lớn hơn 250m2.
  • Thiết kế phòng đặc biệt (dạng chữ L,...).
  • Các phòng ngăn cách bởi tường dày.
  • Có nhà tiếp khách riêng, phòng tách biệt hoặc các khu vực không tiện đi dây mạng.

Lợi ích của Wi-Fi mesh

So với bộ mở rộng Wi-Fi, Wi-Fi mesh thiết lập dễ dàng hơn, không đòi hỏi nhiều tên mạng. Những gì người dùng cần chỉ là cắm điện rồi làm theo hướng dẫn trong ứng dụng do nhà sản xuất cung cấp. Bên cạnh dễ thiết lập, quản lý hệ thống Wi-Fi mesh cũng không phức tạp như bộ mở rộng Wi-Fi.

Đây là những lý do bạn nên trang bị Wi-Fi mesh:

Vùng phủ sóng rộng hơn

Tín hiệu Wi-Fi thường mạnh nhất khi đặt router giữa nhà. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đặt router ở nơi dây mạng đi vào (thường là cửa sổ góc nhà), do đó một nửa tín hiệu Wi-Fi lại phủ sóng... ngoài ngôi nhà khiến tốc độ tại một số nơi trong nhà sẽ rất yếu, đôi khi không thể kết nối (còn gọi là "vùng chết").


Ảnh minh họa độ phủ sóng khi không có Wi-Fi mesh và có Wi-Fi mesh. (Ảnh: Medium).

Với Wi-Fi mesh, các thiết bị sẽ phát lại tín hiệu Wi-Fi gốc trong một tên mạng duy nhất mang lại vùng kết nối rộng hơn cho người sử dụng.

Tốc độ ổn định

Router Wi-Fi truyền thống chỉ có thể phát tín hiệu tối đa ở khoảng cách nhất định. Nếu kết nối ở khoảng cách xa hơn, tín hiệu sẽ yếu đi đồng nghĩa tốc độ cũng kém hơn.

Với hệ thống Wi-Fi mesh đặt khắp nhà, bạn sẽ không còn gặp tình trạng giảm tốc độ vì dù kết nối ở bất cứ đâu, chúng vẫn nằm trong phạm vi các thiết bị gần đó.


Tốc độ của các hệ thống Wi-Fi mesh khi di chuyển nhiều khu vực khác nhau trong nhà.

Không chỉ trong gia đình, các doanh nghiệp có thể sử dụng Wi-Fi mesh với nhiều hub kết nối giúp tốc độ mạng luôn ổn định khắp công ty.

Quản lý dễ dàng

Hầu hết Wi-Fi mesh đi kèm với ứng dụng smartphone do nhà sản xuất cung cấp. Với ứng dụng đó, bạn có thể thiết lập, đổi tên, xem danh sách thiết bị kết nối hoặc chặn thiết bị với giao diện trực quan, dễ sử dụng.

Tóm lại, những người không quá am hiểu về Internet cũng có thể thiết lập các hệ thống mesh dễ dàng với ứng dụng đi kèm.

Bảo mật tốt hơn

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là Wi-Fi mesh có an toàn không. Câu trả lời là rất an toàn.

Hầu hết hệ thống mesh trang bị những công nghệ mã hóa mới, tự động cài các bản vá bảo mật khi nhà sản xuất cung cấp mà không cần cài thủ công. Việc vá lỗi kịp thời, trang bị công nghệ mới giúp hệ thống tránh những cuộc tấn công mạng.


Hệ thống Wi-Fi mest trang bị nhiều công nghệ bảo mật mới giúp ngăn chặn những cuộc tấn công mạng. (Ảnh: CNN).

Một số nhà sản xuất sử dụng tài khoản Google để đăng nhập vào trang quản lý, do đó khả năng bị kẻ xấu đăng nhập để reset, đổi mật khẩu là rất thấp. Tất nhiên, bạn vẫn nên đổi mật khẩu trong lần thiết lập đầu tiên để tránh hậu quả đáng tiếc.

Chỉ cần đầu tư một lần

Điểm cộng lớn nhất của Wi-Fi mesh là bạn chỉ cần trả tiền một lần cho cả hệ thống. Nếu cần nâng cấp, chỉ cần mua một hoặc 2 hub bổ sung thay vì nguyên hệ thống mới.

Tất nhiên nếu diện tích nhà lớn, bạn sẽ cần chi nhiều tiền để mua nhiều hub hơn bình thường. Sau khi thanh toán xong, bạn sẽ không phải tốn thêm chi phí nào nữa.

Wi-Fi mesh khác gì bộ mở rộng Wi-Fi?

Trước khi có Wi-Fi mesh, bộ mở rộng Wi-Fi (extender) là giải pháp đơn giản để loại bỏ "vùng chết" Wi-Fi trong nhà. Tuy nhiên việc thiết lập, sử dụng bộ mở rộng Wi-Fi khá phức tạp.

Khác biệt đầu tiên là Wi-Fi mesh thay thế toàn bộ hệ thống Wi-Fi hiện có, trong khi bộ mở rộng là hỗ trợ cho router đang sử dụng.

Với ứng dụng đi kèm, việc quản lý Wi-Fi mesh cũng dễ dàng hơn. Bạn có thể đổi tên, đổi mật khẩu, xem danh sách thiết bị kết nối hoặc chặn thiết bị ngay từ giao diện của ứng dụng thay vì truy cập hàng loạt đường dẫn rối rắm trên trang quản lý của router hay bộ mở rộng.


Các hệ thống mesh thường kèm theo ứng dụng quản lý trực quan, dễ sử dụng. (Ảnh: Google).

Tiếp theo, hệ thống mesh cho phép nhiều hub liên lạc lẫn nhau, trong khi bộ mở rộng chỉ có thể kết nối với hub chính, không thể kết nối lẫn nhau nếu có nhiều bộ mở rộng. Việc liên lạc lẫn nhau giúp các hub xác định vị trí thiết bị kết nối để tối ưu vùng phủ sóng.

Ví dụ, nếu bạn thiết lập 2 hub Wi-Fi mesh trong nhà, cái thứ 3 không nhất thiết đặt kế cái đầu tiên vì nó có thể nhận tín hiệu từ cái thứ 2.

Cuối cùng, Wi-Fi mesh kết hợp nhiều sóng Wi-Fi từ các hub thành một tên mạng duy nhất với khả năng tự chuyển kết nối. Trong khi bộ mở rộng Wi-Fi đòi hỏi tên mạng riêng, buộc người dùng chuyển thủ công khi di chuyển giữa các thiết bị.


So sánh tốc độ khi sử dụng Wi-Fi mesh và bộ mở rộng kết nối. (Ảnh: Best-meshnetwork.com).

Một số bộ mở rộng của D-Link hay Xiaomi có tính năng kết hợp 2 mạng (mạng gốc và mạng từ bộ mở rộng) thành một tuy nhiên tốc độ sẽ chậm hơn. Việc cố tình cài đặt tên và mật khẩu giống nhau sẽ gây ra hiện tượng nhiễu khiến cường độ sóng giảm đi.

Nhược điểm của Wi-Fi mesh

Bên cạnh những ưu điểm về vùng phủ sóng, tốc độ và ổn định, Wi-Fi mesh có một số điểm trừ mà bạn cần lưu ý.

Trước hết, chi phí hệ thống Wi-Fi mesh thường đắt hơn bộ mở rộng Wi-Fi. Trung bình Wi-Fi mesh dao động từ 2-7 triệu đồng cho bộ 3 hub, trong khi bộ mở rộng Wi-Fi có giá chỉ vài trăm nghìn, một số loại cao cấp mới trên 1 triệu đồng.


Wi-Fi mesh thường có chi phí trang bị cao hơn bộ mở rộng tín hiệu. (Ảnh: Engadget).

Thứ 2, đa số hệ thống mesh không có nhiều tính năng nâng cao như router truyền thống. Vài thiết bị có thêm những tính năng nâng cao như chế độ khách, giới hạn truy cập, quản lý trẻ em... Tất nhiên nếu không phải dân chuyên về mạng, Wi-Fi mesh là hệ thống phù hợp nhất khi vừa dễ sử dụng vừa cho độ phủ sóng cao hơn.

Một số hệ thống Wi-Fi mesh tốt nhất hiện nay

So với những năm trước, giá của Wi-Fi mesh hiện tại đã không còn quá đắt. Chỉ với 4 triệu đồng trở lên, bạn có thể sở hữu hệ thống Wi-Fi mesh để tăng độ phủ sóng Wi-Fi trong nhà.

Đây là một số hệ thống Wi-Fi mesh được đánh giá cao nhất từ trang CNET để người dùng tham khảo trang bị cho ngôi nhà của mình.

Google Nest Wifi

Nest Wifi là thế hệ tiếp theo của Google Wifi. Phiên bản mới cho tốc độ cao hơn, thiết kế đẹp hơn, mỗi hub còn tích hợp loa thông minh Google Assistant để phát nhạc, điều khiển bằng giọng nói.


Google Nest Wifi. (Ảnh: CNET).

Theo đánh giá từ CNET, vùng phủ sóng của Nest Wifi bộ 2 hub hoàn toàn ổn định trong diện tích 500 m2, không bị ngắt kết nối khi di chuyển trong nhà.

Dù không có chuẩn Wi-Fi 6, Nest Wifi vẫn hỗ trợ giao thức bảo mật WPA3, quản lý thiết bị theo nhóm và công nghệ 4X4 MU-MIMO dành cho những thiết bị sử dụng nhiều ăng-ten để như MacBook Pro.

Tại Việt Nam, người dùng có thể mua Nest Wifi thông qua các trang đặt hàng từ nước ngoài, giá bán khoảng 4,5 triệu đồng cho bộ một hub, 7,9 triệu đồng cho 2 hub và 11,9 triệu đồng cho 3 hub.

Eero

Nhờ được Amazon hậu thuẫn mà các hệ thống Wi-Fi mesh của Eero có giá rẻ hơn khá nhiều, chỉ khoảng 2,3 triệu đồng cho bộ một hub và 6,8 triệu đồng cho 3 hub đảm bảo phủ sóng cho nhà lên đến 500 m2.


Hệ thống Wi-Fi mesh Eero phiên bản 2019. (Ảnh: CNET).

Ngoài vùng phủ sóng rộng, ưu điểm của Eero là độ ổn định, hiệu suất cao, ứng dụng đơn giản, thường xuyên nhận bản vá bảo mật từ nhà sản xuất

Netgear Orbi

So với thế hệ đầu tiên, Orbi thế hệ 2 có giá rẻ hơn rất nhiều. Để cắt giảm chi phí, nhà sản xuất đã loại bỏ loa Alexa, băng tần thứ 3 chỉ dành cho các Orbi bên cạnh 2 băng tần mạng thông thường. Dù chỉ còn 2 băng tần, Orbi thế hệ 2 vẫn cho tốc độ tốt trong bài thử nghiệm của CNET.


Netgear Orbi phiên bản mới. (Ảnh: CNET).

Điểm trừ của Orbi nằm ở ứng dụng quản lý chưa trực quan, song về tổng thể, Orbi vẫn là giải pháp tốt từ cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực thiết bị mạng.

Giá bán tham khảo cho Netgear Orbi bộ 2 hub là khoảng 3,8 triệu đồng.

Cập nhật: 07/01/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video