Những sáng kiến làm thay đổi cuộc sống

  •  
  • 7.417

Có tới 90% dân số thế giới ít có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm và dịch vụ cơ bản. Một nửa trong số đó, khoảng 3 tỷ người, thiếu thức ăn, chỗ ở và nước sạch. Thế nhưng nghịch lý là những phát minh dường như chủ yếu phục vụ10% những người giàu có còn lại.

Trường kỷ giá 1 triệu USD. Ô tô chạy cực nhanh. Máy tính đời mới. Bàn chải đánh răng, máy khoan điện hay máy nghe nhạc MP3 không ngừng cải tiến từng chi tiết nhỏ. Các viện bảo tàng, sách báo, tạp chí và blog đầy rẫy thông tin liên quan đến những sản phẩm như vậy, và hàng chục nghìn nhà thiết kế dành gần như toàn bộ thời gian của mình để tiếp tục sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ loại này.

Tất nhiên, điều đó không có gì sai trái, nhưng nếu thử một lần nhìn vào bức tranh rộng hơn, bạn sẽ nhận thấy rằng có lẽ chúng ta đang dành quá nhiều thời gian, công sức và nguồn lực vào việc tạo ra những sản phẩm quá xa xỉ, chỉ được sử dụng bởi số ít, trong khi đại đa số cần những thứ thiết thực hơn, cấp thiết hơn, cho cuộc sống. Khi đó, một câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà thiết kế lại quá tập trung vào việc phục vụ cho 10% còn lại?

Câu trả lời đơn giản là “Tiền”. Các nhà thiết kế cũng có quyền kiếm sống như tất cả mọi người. Những phát minh, sáng kiến nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhóm những người giàu có trên thế giới có thể đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử, có thể thấy không phải tất cả đều như vậy. Ví dụ như kiểu nhà ở khẩn cấp của kiến trúc sư R. Buckminster Fuller, hay các sản phẩm bền vững do Victor Papanek phát minh để dùng ở các nước đang phát triển. Sáng kiến của họ đều có tầm ảnh hưởng rất lớn. Kiến trúc nhà mái vòm của Fuller đã giúp hàng trăm nghìn người có chỗ ở trong những tình huống tưởng chừng như vô vọng; và Papanek được ca tụng như một nhà tiên phong trong lĩnh vực thiết kế có trách nhiệm cao với xã hội.

Ngày nay, các nhà thiết kế cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc sử dụng tài năng và sự sáng tạo của mình để góp phần thay đổi, hay ít nhất là giảm bớt khó khăn cho số đông. Một số nhà thiết kế đã tự nguyện dành một phần hoặc toàn bộ thời gian để làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì cộng đồng.

Bảo tàng thiết kế quốc gia Cooper-Hewitt ở New York đang có chương trình triển lãm các sản phẩm thiết kế dành cho 90% dân số thế giới ("Design for the Other 90%”), giới thiệu 30 dự án thiết kế nhân đạo đã giúp giải quyết những nhu cầu cơ bản của con người như nhà ở, y tế, nước sinh hoạt, giáo dục, năng lượng và giao thông vận tải. Một số thiết kế chính là sáng kiến của người dân qua thực tiễn cuộc sống, và số khác là sản phẩm của các nhà thiết kế chuyên nghiệp và sản phẩm hợp tác. Mục đích của chương trình triển lãm này là kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng.

Mức độ phức tạp về kỹ thuật của các sáng kiến rất đa dạng. Có những phát kiến thực sự đơn giản nhưng có tác động khá lớn và trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người. Ví dụ như thùng chữ Q (Q-Drum) giúp người dân vận chuyển nước dễ dàng hơn, bằng cách kéo thùng lăn trên mặt đất như lốp xe thay vì phải vác hay gánh như thông thường. Hay như loại vại mẹ-con (Pot-in-Pot Cooler) dùng để bảo quản rau quả, bằng cách bỏ thực phẩm vào một bình gốm được đặt trong một bình gốm khác chứa đầy cát ướt. Dự án máy tính xách tay X01 giá 100-150 USD đòi hỏi sự đầu tư chất xám cao, nhằm giúp trẻ em nghèo trên toàn thế giới có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại.

Chúng tôi xin giới thiệu 12 sáng kiến tiêu tại triển lãm ở Bảo tàng Cooper-Hewitt:

Vào mùa khô, nông dân có thể sử dụng loại bơm này để đưa nước vào đồng ruộng. Đây là sản phẩm do Gunnar Barnes của Sở Nông thôn Rangpur/Dinajpur hợp tác với Tổ chức phát triển quốc tế Nepal thiết kế vào năm 2006. Hệ thống bơm này gồm 2 xy-lanh bằng kim loại, có pít-tông hoạt động bằng cách đạp chân lên 2 bàn đạp. Loại bơm này có thể được làm tại các cơ sở sản xuất nhỏ của địa phương và hiện đang được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Nepal và Zambia.

Hơn 1 triệu người trên thế giới hiện không có nguồn nước uống an toàn. Kết hợp khả năng tinh lọc của vật liệu gốm với khả năng kháng khuẩn của hợp chất bạc (colloidal silver), bình lọc nước bằng gốm giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh do vi khuẩn cho người dân ở những nước thiếu nguồn nước sạch. Loại bình lọc nước này đã được phát triển thành nhiều loại khác nhau ở Campuchia, Nepal và Nicaragua, và được hơn 500.000 người trên thế giới sử dụng.

Được thiết kế để có thể chuyển lớp nước trên bề mặt thành nước nước uống, thiết bị LifeStraw được chế tạo và hiện nay do công ty Vestergaard Frandsen của Đan Mạch sản xuất. Được sử dụng rộng rãi ở Ghana, Nigeria, Pakistan và Uganda, thiết bị này có thể loại bỏ các chất bẩn có kích thước chỉ khoảng 15 micrômet và giúp giảm nguy cơ nhiễm các bệnh như tả, tiêu chảy, kiết lỵ và thương hàn.

Kỹ sư Mohammed Bah Abba của Nigeria đã phát minh vào năm 1995 để bảo quản thực phẩm tươi, vại mẹ-con (Pot-in-pot cooler) gồm một vại gốm lớn chứa đầy cát ướt, ở giữa đặt một bình gốm nhỏ.

Thực phẩm được đặt vào bình gốm nhỏ. Nước trong lớp cát ẩm bay hơi sẽ hút hơi nóng trong vại nhỏ, từ đó làm mát thực phẩm bên trong vại nhỏ. Loại vại này đang được sử dụng ở nhiều nước như Burkina Faso, Cameroon, Chad, Eritrea, Ethiopia và Niger.

Với mục tiêu đem cơ hội học tập đến cho trẻ em nghèo, nhóm hoạt động phi lợi nhuận mang tên One Laptop Per Child (OLPC - Mỗi trẻ em một máy laptop), do ông Nicholas Negroponte của Media Lab, thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đứng đầu, đã xây dựng đề án cung cấp máy tính xách tay giá 100 USD.

Kết quả là sự ra đời của máy tính XO1 được trang bị đầy đủ các tính năng cơ bản của một máy tính thông thường. Đặc biệt, màn hình LCD của máy có thể chuyển từ màu đen sang trắng giúp người dùng đọc được ngoài ánh nắng mặt trời. Dự án đang được triển khai thử tại Nigeria, Pakistan, Uruguay, Libya, Thái Lan, Brazil… Ban đầu máy sẽ có giá 150 USD/chiếc nhưng khi sản lượng tăng lên, giá có thể giảm xuống mức 100 USD đúng như mục tiêu đặt ra.

Đối với hành triệu người dân trên thế giới, vận chuyển nước là một công việc thiết yếu nhưng nặng nề và mất nhiều thời gian. Thay vì phải nhấc xô, thùng, hoặc bình chứa nước lên như thông thường khi muốn vận chuyển nước, hai nhà thiết kế P.J. và P.S. Hendrikse đã chế tạo ra loại thùng chứa nước hình chữ Q (Q-Drum) có thể lăn trên mặt đất như bánh xe, với sức chứa 75 lít nước.

Loại thùng này hiện đang được sử dụng ở một số nước châu Phi như Angola, Ethiopia, Ghana. Kenya, Namibia, Nam Phi và Tanzania

Xe đạp Big Boda là một cải tiến từ loại xe đạp truyền thống để có thể chở nhiều hàng hóa hơn hoặc có thể chở thêm 2 người. Sản phẩm này do nhóm WorldBike nghiên cứu phát triển trong thời gian từ năm 2002 đến 2005 và được sản xuất tại Kenya.


Người dân Uganda và Kenya đều sử dụng loại xe đạp này.

Được dựng sẵn bằng vật liệu có thể phân hủy, các gian nhà kiểu Global Village Shelter không yêu cầu phải có dụng cụ phức tạp để dựng.

Đây là sáng kiến của công ty thiết kế Ferrara vào năm 2004, do công ty Weyerhaeuser thực hiện, đã cung cấp chỗ ở tạm thời cho các nạn nhân ở Afghanistan, Grenada, Pakistan, nạn nhân của trận bão Katrina ở Mỹ và thảm họa sóng thần ở Nam Á.

Hàng triệu người trên thế giới hiện đang sống ở những nơi không có điện; vì thế việc đem ánh sáng đến cho họ là mối quan tâm chính của chính phủ nhiều nước đang phát triển.

Đèn Sierra xách tay là sáng kiến của những người phụ nữ làm nghề dệt vải ở vùng San Andreas hoang sơ của tỉnh Sierra Madre, Mexico. Loại đèn này, hay còn gọi là thảm chiếu sáng, sử dụng các đèn điốt phát sáng (đèn LED), công tắc và ắc quy có thể nạp lại, hiện đang được dùng thử nghiệm tại Mexico và Australia

Sốt rét là một trong những bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất trên thế giới. Được thiết kế bởi công ty Vestergaard Frandsen vào năm 2000, PermaNet là loại màn làm từ sợi polyester có độ bền cao, tẩm thuốc diệt côn trùng để diệt và đuổi muỗi lây truyền bệnh sốt rét.

Được sử dụng rộng rãi ở châu Phi và châu Á, loại màn này có hiệu quả trong 4 năm, lâu gấp 5 lần so với các loại màn được ngâm tẩm thuốc diệt côn trùng bằng phương pháp truyền thống.

Phát minh lâu đời nhất trong chương trình triển lãm sáng kiến vì cộng đồng có lẽ là chân giả. Rẻ, khỏe và chống nước, chân giả do Ram Chandra Sharma và P.K. Sethi thiết kế dựa trên các kỹ thuật thủ công truyền thống, và có thể sản xuất tại các cơ sở nhỏ của địa phương.

Với mong muốn dựng nhà ở miễn phí cho người vô gia cư ở Atlanta, một nhóm các sinh viên kiến trúc của trường công nghệ Georgia ở Mỹ đã lập dựa án Mad Housers vào năm 1987.

Được làm từ những vật liệu rẻ tiền sẵn có như gỗ xẻ, mỗi căn nhà tạm được dựng sẵn và có thể dựng lên trong chưa đến nửa ngày. Loại nhà này khá phổ biến ở Mỹ và Canađa, mỗi nhà đều có cửa khóa lại được để đảm bảo an ninh, một căn gác để ngủ và chứa đồ, một bếp lò để nấu ăn và sưởi ẩm.

Đặng Lê

Theo International Herald Tribune, Dân trí

  • 7.417