Đã từng có một nền văn minh Viking huyền hoặc

Những miệng lưỡi độc địa thời Trung cổ gọi họ là "bọn đồ tể của nhân loại"; còn giới sử thi vô danh lại ca ngợi họ như những người anh hùng. Họ chính là sắc dân Viking đầy bí hiểm.

Một cuộc khảo cứu công phu có hệ thống, kéo dài suốt hơn một thế kỷ đã diễn ra kể từ năm 1897, khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra tại vùng bình nguyên kề địa danh Schleswig thuộc phía bắc nước Đức: thành phố Haithabu huyền thoại - đã từng bị coi là "đột nhiên mất tích". Từ đó đến nay nhờ vào những cuộc khám phá - khai quật triền miên, phần nào đã hé mở cho loài người biết đôi điều về một nền văn minh cổ vốn rất cực thịnh…

Với Giáo sư Kurt Sissel, đương kim Giám đốc Viện Bảo tàng Khảo cổ học Schleswig, thì "Haithabu chính là thủ đô của người Viking cách đây chừng 10 thế kỷ, cùng số dân lên tới hơn 1.000 người qua những hiện vật khai quật khó phủ nhận như đồ gốm, len, đồ đồng, cũng như nhiều thứ dụng cụ kim loại khác…".

Dấu chấm hết cho những lời đồn đại

Cả trăm năm sau khi Haithabu được tìm ra, giới khoa học châu Âu qua 3-4 thế hệ nghiên cứu tiếp nối đã cho biết rất nhiều điều về sắc dân Viking cổ đại.

Phải chăng nhờ những con thuyền hình rồng gắn buồm đỏ trắng, mà người Viking đã chế ngự được sóng bể Baltic hung dữ; song song với hình ảnh của những chòm râu quai nón đỏ tía, nốc rượu mật "như nước lã" - trữ trong thủ cấp kẻ thù, cùng chiếc mũ trận gắn sừng luôn ngạo nghễ trên đầu!


Tranh vẽ Chiến binh Viking luôn được thần Ngẫu tượng phò trợ.

"Rặt điều bịa đặt - Giáo sư K. Sissel cực lực phủ nhận - Thực ra có tới 95% sắc dân Scandinavia cổ không phải là đám hải tặc thiện nghệ, mà chuyên với nghề nông và đánh cá thì đúng hơn. Trong đó đa phần sống trong hiểm họa từ nạn đói, dịch bệnh cũng như thiên tai luôn rình rập. Với 14 trẻ sơ sinh, chỉ có 4 đứa sống được tới độ lên 10 tuổi; còn đến lúc trưởng thành với tuổi thọ trung bình cao lắm là chừng 20-30 năm mà thôi. Một điều chủ yếu cần ghi nhận nữa, rằng không một người Viking cổ nào đội sừng trên mũ của mình cả!".

Nhưng thậm chí cho đến tận bây giờ vẫn tồn tại các quan niệm xung khắc quanh huyền thoại về những con người Viking gan dạ và tàn ác, dũng mãnh và độ lượng trong sự nghiệp chinh phục biển cả của họ. Dưới thời đế chế Đệ tam, Adolf Hitler từng tôn vinh Haithabu như là "hiện thân rõ nét về quần thể làng xã của dân tộc Đức thời cổ"; còn Giáo sư K. Sissel nhìn tổng thể thành phố này giống như một sự "tiên phong - nhô lên trước" trong giai đoạn hình thành các đô thị Trung cổ sơ khai.

"Haithabu là một thành phố cực lớn nằm kề Đại dương Thế giới", nhà chép sử kiêm doanh thương Arab gạo cội At-Turtushi từng viết vào năm 965. Khi ấy Haithabu đã có hơn 150 năm tồn tại, một địa điểm mang nặng "dấu ấn Viking" thu hút giới lái buôn đường trường, nhất là trong lĩnh vực buôn bán nô lệ.

Việc đổi chác những người bị bắt cóc vốn rất phát đạt tại các ngôi chợ ở Haithabu. Thường nạn nhân là những người Cơ đốc giáo, bị những kẻ cùng tín ngưỡng bắt đem đi bán… Đương nhiên là công việc "kinh doanh béo bở" này bị nhà thờ tuyệt đối cấm, do vậy dân Viking vốn tôn thờ Thần Ngẫu tượng (đa thần giáo), đã đứng ra làm trung gian chuyển giao nô lệ cho người Arab nhằm kiếm thêm nguồn "hiện kim mạnh".

Ví như 4 nô lệ nữ có giá tổng cộng là 820g bạc, tương đương với giá của một chiếc áo giáp kết bằng lưới sắt - thứ hiện vật phòng thân đắt giá nhất thuở ấy.

"Cư dân của thành phố đa phần tin theo Thần Ngẫu tượng - sử gia At-Turtushi viết tiếp - Chỉ một số ít theo Công giáo. Thực phẩm chủ yếu của họ là hải sản, nhất là các loại cá biển, bởi chúng hiện diện nhan nhản khắp các chợ… Tôi cũng chưa từng nghe giọng hát nào man rợ hơn là của người Haithabu, rất đáng sợ…".

Những kiến trúc gia tài giỏi về công cuộc đô thị hóa cùng nếp sống thị thành

Ông At-Turtushi còn tỏ ra kinh sợ hơn nữa trước lối xây cất của dân Viking và rất đỗi ngạc nhiên trước lối quy tụ tiền đô thị của họ. Song song là những đạo luật cấp tiến được thực thi, rồi hệ thống đường sá vuông thành sắc cạnh, ngay cả những khu hiểm trở cũng có đường thông thương thuận tiện. Mọi người nhộn nhịp đi lại, chân quấn bằng những miếng da dê truyền thống…


Lễ hội Viking thời hiện đại ở Haithabu.

Rồi những làn khói lam chiều lan tỏa khắp vùng bình địa. Tiếng người húng hắng ho, tiếng con trẻ ê a học bài, tiếng búa thợ rèn, tiếng mài dao, tiếng đẽo đá, tiếng lợn kêu, gà gáy… những âm thanh tiêu biểu cho một cuộc sống thanh bình và hưng thịnh. Các gia đình giàu có thường ngụ trong những căn nhà rộng chừng 6m và dài khoảng 15m. Còn giới lao động bình dân là nhà lợp cỏ, với tường bằng phên đan trát bùn.

Hầu hết các tư gia đều không có cửa sổ, chỉ bao gồm những "lỗ nhỏ" dành cho việc quan sát bên ngoài mà thôi. Haithabu hợp thành bởi nhiều sắc dân tứ xứ: người Scandinavia, người Slavs gốc Đông Âu cùng chung sống với các nhóm dân từ phương Bắc di cư xuống.

Họ trụ lại đây chủ yếu vì mục đích buôn bán, mở rộng giao thương với giới chuyên đi biển xa. Ai cũng tin và tuân thủ vào thứ đạo luật bất thành văn vốn ngự trị trong nghề viễn dương: không khuất phục trước bất cứ âm mưu nô dịch nào từ các thế lực bên ngoài.

Về mặt đối nội, việc duy trì trật tự xã hội ở Haithabu được thực thi theo mô hình "kỷ luật sắt". Bất cứ thị dân nào phạm tội ăn trộm hay giết người sẽ bị ném đá đến chết, hoặc dìm xuống đầm lầy cho đến khi tắt thở. Với nạn cưỡng dâm cũng vậy, nhất là các trường hợp xảy ra với phụ nữ gốc Viking. Không tồn tại hệ thống nhà tù.

Duy nhất hiện hữu một "Thing", dạng Hội đồng Dân biểu công khai xét xử các sự việc liên quan tới những kẻ đểu cáng mất tính người. Thông thường sau mỗi kỳ "Thing" diễn ra, những kẻ phạm tội sẽ bị tống vào rừng sâu đầy ác thú và chẳng ai trong cộng đồng thèm để ý đến chúng nữa.

Lối sống đô thị kiểu mẫu như trên đã ngự trị tại mảnh đất Haithabu rộng chừng 24 ha và được thực thi nghiêm túc trong suốt 250 năm, cho tới khi người Viking tự dưng biến mất trong bảng danh sách các dân tộc trên hành tinh vào giai đoạn giữa thế kỷ XI.

Người Viking chinh phục địa cầu

"Những tướng cướp nước mặn" như giới chép sử trong thế kỷ IX từng ghi, hay "Những con ong độc địa", hoặc "Những con sói khát máu" mà dân Trung Âu bản địa thường gọi một cách khiếp sợ… đều ám chỉ những người đàn ông đến từ phía Bắc. Hiển nhiên các định nghĩa trên đề cập tới một nhóm người hiếu chiến nào đấy, chứ không phải là một tổ chức nhà nước thực quyền hùng mạnh cùng sự cường thịnh về kinh tế.

Còn thực ra động từ "Vikingr" nguyên bản theo thổ ngữ phương Bắc cổ bao gồm nhiều nghĩa như "Tôi chinh phục", "chiếm đoạt", "chém giết"…; đồng thời cũng bao hàm các nghĩa khác hẳn như "Tôi kinh doanh", "Tôi rong ruổi trên khắp các đại dương nhằm khám phá những vùng đất mới"… thể hiện tôn chỉ rõ ràng của họ.

"Chẳng ai ngờ rằng Pháp quốc, với một vương triều vinh hiển bậc nhất tại cựu lục địa, một cường quốc đông dân và thiện chiến lại dễ dàng quy phục trước một thế lực xa lạ có đạo quân ít ỏi", một nhà thần học đương thời đã kinh ngạc thốt lên qua bản chép tay còn lưu giữ được tới nay, về sự kiện người Viking từ Đan Mạch tràn xuống đã "san phẳng" kinh thành Paris đầu năm 845.

Vào lễ Giáng sinh của năm 800, khi Karl Đại đế (742-814) được Giáo hoàng Leo III tôn vinh danh hiệu Hoàng đế của Đế chế Carolingien (tiếp nối Vương triều La Mã), thì độ 2 triệu cư dân Viking thuộc vùng Scandinavia vẫn còn sống trong những túp lều được thắp sáng bằng mỡ cá… Vậy mà chỉ trong vòng một thời gian ngắn sau đấy, những con tàu buồm mũi rồng đã xuất hiện nhan nhản tại hầu hết các vùng nước lân cận.

Người Viking từ Thụy Điển tiên phong theo dọc các triền sông, xuyên qua hồ Ladoga đến Nizhny Novgorod thuộc Nga, rồi xuôi dòng Dnieper ra biển Đen tới tận Constantinople (nay là Istanbul) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người Viking ở Na Uy thì nhắm tới vùng bắc Đại Tây Dương để kiểm soát các quần đảo chiến lược giàu tài nguyên như Hebrides, Faroe và Shetland, tạo khả năng khống chế Vương quốc Anh cũng như thâm nhập vào Ireland.

Còn người Viking từ Đan Mạch lại tiến về hướng đông, tàn phá cả vùng Friesland thuộc Hà Lan, rồi theo sông Elbe đến Hamburg và sông Rhine tới Cologne thuộc đất Phổ, cũng như xuôi dòng Seine đến "kinh đô ánh sáng" Paris. Sự âu lo và sợ hãi bao trùm khắp nơi: từ ven bờ Baltic trải suốt xuống tận Bắc Phi.

Tại sao dân Viking lại thích chinh phục theo các dòng sông và đại dương? Chẳng phải do bản chất hiếu chiến, mà chính bởi niềm khát khao khám phá đã hun đúc nên những chuyến đi xa của họ. Song song với các cuộc chinh phục là sự tham tàn, khiến hàng "núi" chiến lợi phẩm có giá trị đã lọt vào tay họ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế vốn rất èo uột tại quê nhà. Nạn nhân chủ yếu của quân Viking thường là những ngôi đền và tu viện không được phòng thủ.

Họ "khoái" tấn công vào ngày chủ nhật, lúc mọi người đang tập trung hành lễ. Gươm sắc và rìu nhọn của quân Viking thường chém không thương tiếc đám con chiên, số khác thì làm nhục phụ nữ… Nhưng người Viking cũng làm nên một "kỳ tích tài chính": số bạc cướp từ các nhà thờ được họ đem về tán nhỏ, chế thành tiền xu cho dễ trao đổi mua bán. Đơn vị tiền tệ đầu tiên xuất hiện ở Bắc Âu vào năm 825 chính là tiền kim loại của người Viking.

Nhưng họ vẫn chưa mãn nguyện với những cuộc chinh phục sâu trong đất liền như trên, cái mà người Viking đang thực sự cần là một hải cảng tự do không phụ thuộc một thể chế Âu châu nào, nơi họ có thể trao đổi và vận chuyển hàng hóa đi xa. Địa điểm kề Schleswig đã được giới thủ lĩnh Viking rắp tâm chọn lựa và rồi địa danh Haithabu thành hình, tuy buổi đầu rất đỗi hoang sơ…

Nền văn minh Viking cường thịnh

Haithabu tọa lạc giữa những ngả đường giao thương xuyên lục địa sầm uất nhất thuở ấy, trở thành "chốn siêu thị giữa bình nguyên cằn cỗi" như một sử gia Trung cổ từng ví von. Tại đây người ta trao đổi với nhau đủ thứ: xương răng hải cẩu Greenland, diêm sinh Đức, nước khoáng Na Uy, hổ phách Pribaltic, kim loại Thụy Điển, vải dệt Friesland, đồ gốm và gươm giáo Rhine… Chung quy là tất cả mọi thứ có từ những miền đất mà các đạo quân Viking đã rảo qua, cũng như từ các khu vực mà họ có quan hệ mậu dịch.

Các chuyến hải hành đa dạng khác nhau là mạch máu chính nuôi sống thành phố Haithabu, thiếu những cuộc vận chuyển đường thủy nhộn nhịp định kỳ thì rõ ràng là người Haithabu chẳng có gì để mà trao đổi với bên ngoài nữa.


Dân Viking "khoái" tấn công vào ngày chủ nhật, lúc mọi người đang tập trung hành lễ.

Suốt 10 thế kỷ nay luôn phảng phất một câu hỏi: vậy những kho báu vô giá thuở xưa của người Viking đâu rồi? Một phần các kho báu đang hiện diện tại Viện bảo tàng Lịch sử Schleswig. Các hiện vật minh chứng cho một thời hào hùng của sắc dân được liệt vào hàng "sói biển", cũng như các ngành nghề quen thuộc đối với họ: thợ mộc, thợ rèn, thợ khắc chạm đồ tinh xảo, thợ đẽo đá, thợ đóng tàu…

Ngoài ra còn một nghề nữa không thể bỏ qua, tôn vinh sự phát triển vượt bậc của nền văn minh Viking là nghề làm đồ trang sức. Chỉ có một số ít cư dân Haithabu chuyên tâm với nghề này, phục vụ cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Tạo mốt cũng là một nghề rất thịnh hành ở Haithabu, thể hiện qua phong cách ăn mặc của thị dân thành phố. Hằng hà sa số các hiện vật được trục vớt lên từ các con tàu Viking cổ bị đắm đã nói lên điều đó.

Bí ẩn về sự biến mất của nền văn minh Viking

Tại sao một sắc dân quy củ và thiện nghệ như vậy lại bỗng dưng mất tích? Rất nhiều giả thuyết khác nhau đã được nêu ra, bao gồm đủ các nguyên nhân: do sự lụn bại về kinh tế, do thiên tai dịch bệnh, do lòng tự tôn dân tộc thái quá đã khiến người ngoài hành tinh phẫn nộ…

Câu trả lời mang tính thuyết phục đầu tiên đã được tìm ra vào năm 1979, khi người ta phát hiện ra một hiện vật khảo cổ gây tiếng vang khắp thế giới. Đó là một cỗ tàu chiến của một vị vua Viking cực giàu, dài tới 30m, cùng thủy thủ đoàn lên tới 50 người.

Nhiều mảnh gỗ cấu thành con tàu buồm này đang được bảo quản trong Viện Bảo tàng Haithabu. Nhưng song song với sự khâm phục về một lãnh chúa Viking vô danh nào đó - người đã sở hữu cỗ tàu chiến, là "tia sáng cuối đường hầm" soi rọi xuyên qua những chuỗi giả thuyết: chính con tàu xa xỉ ấy đã mang lại sự cáo chung cho Haithabu!

Những nhà đam mê chinh phục đã dùng cỗ tàu công suất lớn như vậy làm chốn trú ẩn cuối cùng trước cơn đại hỏa hoạn. Các hiện vật cháy nham nhở trục vớt được đã nói lên điều ấy. Qua phân tích niên đại cổ vật bằng đồng vị phóng xạ Carbon -14, các nhà khoa học xác định chính xác năm xảy ra thiên tai: 1066 - "năm định mệnh" của nền văn minh Viking.

Và như vậy, thần lửa đã thiêu rụi thành phố đầu tiên ở Bắc Âu cùng các cư dân trong đó, khiến Haithabu dần hoang phế, bị quên lãng theo thời gian… Để mãi gần 8 thế kỷ rưỡi sau khoa học mới phát hiện ra, qua những di chỉ ẩn dưới lòng đất.

Cập nhật: 11/12/2017 Theo ANTG
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video