Hình ảnh về đám mây kỳ lạ ở núi Bà Đen hiện đang được chia sẻ rộng khắp trên các mạng xã hội.
Sáng ngày hôm nay (24/11), tại núi Bà Đen (Tây Ninh) đã xuất hiện cảnh tượng thiên nhiên vô cùng kỳ thú trên bầu trời. Đám mây có kích cỡ khá lớn tạo thành hình “chiếc nón” lơ lửng trên đỉnh núi tạo nên một khung cảnh vô cùng lạ mắt, thú vị và có phần kì vĩ khiến ai cũng trầm trồ.
Nhiều người may mắn "chộp" được khoảnh khắc đám mây lơ lửng phía trên như đang "đội mũ" cho ngọn núi. (Ảnh: @Huy Bùi, @Nguyễn Tuân).
Những hình ảnh đẹp về đám mây được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội trong sáng nay. (Ảnh: @Quý Ròm, @Phương Nhỏ, @Phùng Kim Yến).
Ngay sau khi được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, các cư dân mạng đã bàn tán khá sôi nổi. Đa số ai cũng trầm trồ khi chiêm ngưỡng hình ảnh trên. Nhiều người cho rằng, đám mây đặc biệt đó rất giống với ngọn núi Phú Sĩ ở Nhật Bản. Một số khác lại ví đám mây này giống với hình ảnh UFO, đĩa mây thiên tạo cố định trên đỉnh núi cheo leo, neo đậu trên bầu trời giống như một con tàu mẹ đang khảo sát những ngọn đồi bên dưới.
Hình ảnh mây trên núi Bà Đen được nhiều người cho rằng rất giống với núi Phú Sĩ ở Nhật Bản. (Ảnh: @Hoàng Tuấn, @Phan HongLien).
Trước đây, đám mây kiểu dáng tương tự như thế này đã từng xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen vào khoảng tháng 6 năm 2022. Tuy chưa rõ nguyên nhân, hiện tượng mây hình “chiếc nón” lơ lửng này vẫn đang thu hút sự chú ý lớn từ cư dân mạng.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hiện tượng trên thực chất là mây dạng thấu kính (Lenticular clouds). Đây là những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính và hình thành ở những dãy núi cao. Thông thường mây thấu kính hình thành theo hướng song song với hướng gió, tách thành ba loại gồm: Altocumulus, Stratocumulus và Cirrocumulus (lần lượt là mây trung tích, tầng tích và ti tích) tuỳ vào điều kiện thời tiết, địa hình.
Khi không khí ẩm và ổn định chảy qua một ngọn núi, một loạt các lượt sóng (không khí) dừng có thể hình thành ở mặt bên của nó. Nếu nhiệt độ tại đỉnh sóng giảm xuống dưới điểm sương, hơi nước lơ lửng sẽ ngưng tụ lại tạo thành đám mây dạng thấu kính.
Trong quá trình tiếp tục của dòng không khí, khi đi xuống chỗ lõm của sóng, đám mây có thể bốc hơi, tạo nên các cạnh đặc trưng. Ở một số điều kiện nhất định, chuỗi dài các đám mây dạng thấu kính có thể hình thành gần đỉnh của mỗi đợt tiếp theo trong một mô hình đám mây, có thể kéo dài hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn km.
Đám mây hình chiếc nón trên núi Bà Đen, dù không quá rõ nét như hiện tượng sáng nay nhưng cũng khiến người xem thấy thích thú. (Ảnh: @Letuhanhu).
Núi Bà Đen ở Tây Ninh được mệnh danh là Nóc nhà Nam Bộ, là nơi toạ lạc của tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn nổi tiếng. Với tổng chiều cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại Tây Ninh đã xác lập đến 2 kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi” được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng.
Nơi ngự tọa tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi. (Ảnh: H.A, Lê Phúc).
Nhìn từ xa, ngọn núi sừng sững như một chiếc nón úp giữa đồng bằng. Có thể nói nơi đây vừa mang vẻ đẹp hoang sơ, vừa mang vẻ đẹp độc đáo với những công trình mới. Đây cũng trở thành nét độc đáo thu hút du khách đến khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đỉnh núi từ độ cao 986m này.
Núi Bà Đen với view sống ảo cực "xịn sò" bên cạnh những khung cảnh thiên nhiều kỳ với bình minh vàng rực cùng biển mây tựa như chốn thần tiên. (Ảnh: @travelaround_vietnma. @yanlovetravel, @vucon95).