Đằng sau thành tựu và thất bại của NASA

Họ đã thực hiện những gì được cho là gần như không thể, nhưng cũng gây nhiều sự cố đau đớn. Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, NASA nhìn lại những thành tựu khi chiếm lĩnh vũ trụ, thất bại nặng nề và thảm kịch con người.

NASA là một huyền thoại: tên lửa khổng lồ bay đến tận Mặt Trăng, tàu thám thính rời hệ Mặt trời bay vào không gian giữa những vì sao. Có đứa bé nào lại không mơ rằng mình sẽ có mặt khi cánh cửa đi vào những thế giới xa lạ được mở ra?

Cơ quan vũ trụ Mỹ đã tạo nên nhiều anh hùng – cũng nhờ vào ngân sách hằng năm hiện nay là 17 tỷ USD và gần 18.000 nhân viên. Đặc biệt là các chuyến bay đáp xuống Mặt Trăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tự tin của người Mỹ: Chúng ta có thể làm được tất cả khi chúng ta muốn. NASA không chỉ là một cơ quan vũ trụ, họ đã đưa ra một hình tượng, là một công cụ của chính trị và cũng của giới quân sự.

Ngày 3/6/1965 nhà du hành vũ trụ Ed White là người Mỹ đầu tiên rời khỏi tàu vũ trụ. Ảnh: NASA.

Về mặt khoa học, thời kỳ rực rỡ của NASA chỉ bắt đầu sau dự án "Apollo". Tàu thám thính viếng thăm những hành tinh khác, tại phi vụ "Deep Impact" một sao chổi còn bị bắn phá để có thể phân tích bụi bị tung ra. Đặc biệt là nhờ vào các chuyến bay không người và các kính viễn vọng như "Hubble""Spitzer" mà con người mới có được kiến thức ngày nay về hệ Mặt Trời và vũ trụ.

NASA đã hân hoan chào đón nhiều thành công to lớn - nhưng cũng đã trải qua nhiều thảm họa ghê gớm. 2 tàu con thoi đã rơi, tất cả các nhà du hành vũ trụ trên tàu đều tử nạn. Sau những chuyến đáp thành công xuống Mặt Trăng, cơ quan thường bị chỉ trích là quan liêu đã thiếu mục tiêu mới.

Thời kỳ đầu: Đi vào vũ trụ nhờ công nghệ Đức

Thời kỳ đầu của NASA chịu nhiều ảnh hưởng của một nhóm người Đức nghiên cứu về tên lửa đã được mang sang Mỹ từ mùa hè năm 1945. Người đứng đầu là Wernher von Braun đã làm việc với tên lửa V2 mà nhờ chúng người Đức trong chiến tranh đã đưa các thành phố của Anh, Pháp và Bỉ vào tầm ngắm. Công chúng Mỹ chỉ biết đến điều này một năm sau chiến tranh và đã có nhiều phản ứng phản đối. Người ta không muốn có những người có tiềm năng là tội phạm chiến tranh trong cơ quan của chính mình.

Lực thúc đẩy cho các chương trình tên lửa của Mỹ là nỗi lo sợ Liên bang Xô viết, cũng đã sở hữu được kiến thức của người Đức. Đặc biệt quan trọng là các công trình của ông von Braun và đồng nghiệp là Walter Dornberger cho "Redstone", một tên lửa hạt nhân tầm ngắn.

Thế nhưng vệ tinh "Sputnik" do Liên bang Xô viết phóng lên vào 4/10 năm 1957 đã đưa người Mỹ vào một trạng thái sốc tập thể.

Sputnik và Gagarin: Cơn sốc thứ hai và cuộc rượt đuổi

Ngày 1/2/1958, một chiếc tên lửa "Juno" của lục quân Mỹ khởi hành từ Cape Canaveral tại Floria mang theo vệ tinh "Explorer 1". Nhờ vào kẻ thám thính này mà các nhà khoa học đã khám phá ra vành đai bức xạ to lớn bao quanh Trái Đất - một thành công lớn. Một phiên bản được cải tiến của V2 đã mang vệ tinh đầu tiên của Mỹ vào vũ trụ. Trước đó nhiều thử nghiệm của Hải quân Mỹ trong khuôn khổ của chương trình "Vanguard" đã thất bại.

Chương trình du hành vũ trụ của Washington, bị suy yếu vì sự cạnh tranh giữa các nhóm quân sự và dân sự, vẫn còn non nớt - và không có khả năng để thách đố lại các tham vọng của Liên bang Xô viết. Đạo luật mà tổng thống Eisenower ký tháng 7/1958 tập trung tất cả các hoạt động vũ trụ phi quân sự của đất nước vào cơ quan vũ trụ mới NASA.

Với tài nguyên tương đối khiêm tốn, tổ chức mới muốn bắt đầu cuộc tranh đua thống trị vũ trụ, và bị thua ngay ván kế tiếp. Trong khi các nhà nghiên cứu NASA đang khảo sát trong khuôn khổ của chương trình "Mercury" rằng con người có thể sống trong vũ trụ hay không và như thế nào thì tháng 4 năm 1961 với Yuri Gagarin, Liên bang Xô viết đã đưa người đầu tiên vào vũ trụ. Đội ngũ NASA chỉ vừa mới gửi được chú khỉ "Gordo" vào vũ trụ, đã chết đuối một cách đáng thương ở Đại Tây Dương trong lần đáp xuống không thành công. Người Mỹ cũng chỉ về nhì trong việc đưa người vào vũ trụ khi Alan Shepard bay trong tên lửa đạn đạo "Freedom 7" vào ngày 5/5/1961.

Một khởi đầu cho công cuộc tiến vào vũ trụ của Mỹ là bài diễn văn mà Tổng thống John F. Kennedy đọc trong tháng 5 năm 1961. Trong đó ông tuyên bố rằng các nhà du hành vũ trụ của NASA sẽ đứng trên Mặt Trăng vào cuối thập niên. Chương trình "Apollo" bắt đầu.

Đó là dự án nghiên cứu dân sự vĩ đại nhất của lịch sử: Chỉ trong vòng có 8 năm, NASA phát triển chương trình "Apollo" và đưa thành công người lên Mặt Trăng. Thế nhưng buổi liên hoan kết thúc nhanh chóng.

Đối với nước Mỹ Chương trình "Apollo" là một cuộc tổng động viên công nghiệp khổng lồ. Bài diễn văn của Tổng thống Kennedy là phát súng hiệu khởi đầu cho một dự án cực lớn, tiêu tốn 25 tỉ USD và trong giai đoạn cao điểm mang lại việc làm cho 400.000 người.

Qua truyền hình, nửa tỷ người đã xem Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên xuống Mặt Trăng ra sao - và nói một trong số những câu nói nổi tiếng nhất của lịch sử thế giới: "That's one small step for a man, one giant leap for mankind." Một bước chân nhỏ bé cho một người, một bước nhảy vĩ đại cho loài người. Mang tàu du hành Mặt Trăng đi là một trong số những tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay trong lịch sử loài người: "Saturn 5" cao 110 m.

Cho đến tháng 12 năm 1972, người Mỹ đáp thành công thêm 5 lần nữa xuống Mặt Trăng. Chính xác là 12 nhà du hành vũ trụ của NASA đã bước xuống vệ tinh của Trái Đất, người cuối cùng là Eugene Cernan. Thế nhưng vào thời điểm này sự hồ hởi của người Mỹ cho những việc làm cao tít trên đầu của họ đã biến đi. Buổi tiệc liên hoan "Apollo" chấm dứt nhanh chóng, những phi vụ còn lại bị gạch bỏ. "Mặt Trăng lại thuộc về những người đang yêu", một phóng viên truyền thanh bình luận.

Còn tiếp

Theo Phan Ba - VnExpress (Spiegel Online)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video