Lý Chấn Thanh - người “nặng duyên” với cây lúa mì

Chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Trung Quốc - Lý Chấn Thanh vừa vinh dự được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trao tặng giải thưởng Khoa học và Công nghệ Tối cao Quốc gia 2006 vì những thành tựu trong nghiên cứu phát triển các giống lúa mì lai cao sản có khả năng kháng sâu bệnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực đất nước.

Viện sĩ hàn lâm khoa học 76 tuổi này là nhà khoa học thứ 10 nhận được giải thưởng uy tín trị giá 5 triệu nhân dân tệ kể từ khi nó được sáng lập năm 2000.

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Sơn Đông và từng trải qua cảnh đói khát thời thơ ấu nên hơn ai hết Lý Chấn Thanh hiểu được nỗi khổ cực của những nông dân một nắng hai sương gắn bó cả đời với đồng ruộng.

Năm ông 13 tuổi, cha ông qua đời để lại người vợ với 4 con nhỏ. Mất đi thành viên trụ cột, gia đình ông vốn đã chật vật càng trở nên khó khăn hơn. Do không có tiền đóng học phí, Lý Chấn Thanh phải bỏ học nửa chừng để khăn gói đến Tế Nam với hy vọng kiếm được việc làm nuôi thân và phụ giúp mẹ. Tại đây, ông bị hấp dẫn bởi thông báo chiêu sinh bao ăn ở cho sinh viên của Đại học Nông nghiệp Sơn Đông. Ngay từ những ngày đầu ngồi ghế giảng đường, ông đặc biệt say mê những môn học về lai tạo lúa mì và gien. Mỗi dịp về quê nghỉ hè, Lý Chấn Thanh thường mang theo một số giống lúa mì mới cho năng suất cao để nông dân trồng thử nghiệm.

(Ảnh: Baocantho)
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu, ông được phân công về Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phụ trách dự án nghiên cứu về làm thế nào cỏ có thể cải thiện chất lượng đất. Năm năm sau, ông chuyển công tác đến tỉnh Thiểm Tây. Vào thời điểm đó, dịch bệnh rỉ sắt (còn gọi là ung thư lúa mì) do nhiễm nấm tàn phá nhiều cánh đồng lúa mì ở vùng Tây Bắc với tỷ lệ lây nhiễm cao và có thể khiến năng suất thu hoạch giảm 50%. Tất cả các loại thuốc diệt nấm đều được sử dụng nhưng không hiệu quả do nấm có khả năng biến đổi gien nhanh.

Sau nhiều năm nghiên cứu ở vùng Tây Bắc, ông phát hiện loại cỏ thảo dược Yanmaicao vốn có quan hệ di truyền xa với cây lúa mì miễn dịch được bệnh gỉ sắt. Lý Chấn Thanh quyết định kết hợp giống cỏ này với cây lúa mì để tạo ra giống lúa mì có khả năng kháng bệnh cao bằng cách chuyển các gien kháng bệnh từ cỏ sang lúa mì. Nhưng điều này không hề dễ dàng nhưng nhờ lòng kiên trì, hơn 20 năm sau (năm 1979), Lý Chấn Thanh đã cho ra đời giống lúa mì lai Xiaoyan cho nâng suất cao ổn định, chất lượng tốt và kháng bệnh cao – thành quả lai tạo từ hơn 70 giống lai. Trong 3 thập niên qua, sản lượng các giống lúa mì Xiaoyan liên tục được cải thiện.

Lý Chấn Thanh tâm sự: “Khi quyết định nghiên cứu cây lúa mì, tôi không ngờ rằng cuộc đời mình sẽ gắn với cây lương thực này”. Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng mỗi ngày ông vẫn dành 6-7 giờ làm việc ngoài đồng, nghiên cứu và chuyện trò với nông dân. Niềm hạnh phúc của nhà khoa học lão thành này là tạo ra các giống lúa cao sản giúp nâng cao đời sống của nhà nông.

THÁI AN

Theo China Daily, Báo Cần Thơ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video