Các nhà khoa học cho biết mấu chốt sự sống còn của các rạn san hô ngầm đang bị đe dọa trên thế giới có thể nằm ở các vùng biển bao quanh Shikine, một đảo núi lửa nhỏ ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo 160km về phía Nam.
Đáy biển ở Shikine được ví như một "phòng thí nghiệm sống". Một đoàn thám hiểm khoa học do Pháp dẫn đầu đang tiến hành cuộc thám hiểm Shikine trên con tàu Tara nhằm tìm ra các manh mối để giúp bảo vệ san hô khỏi các tác động hủy hoại của biến đổi khí hậu.
Trong khi các rạn san hô chỉ bao phủ chưa đến 0,2% bề mặt đại dương trên thế giới, các rạn san hô lại là nơi cư trú của khoảng 30% loài động vật và thực vật biển, là một nguồn thực phẩm và bảo vệ các loài này khỏi các loài ăn thịt. Sylvain Agostini, giáo sư Đại học Tsukuba và là một điều phối viên thám hiểm, cho biết: "Để mất rạn san hô sẽ là rất khủng khiếp".
Các nhà khoa học tiến hành cuộc thám hiểm Shikine trên con tàu Tara. (Nguồn: AFP).
Các điều kiện có một không hai ở Shikine - do các núi lửa dưới đáy biển tạo ra bằng cách thải ra đầy khí carbon dioxide (CO2) và giảm độ kiềm của nước - giống hệt với điều mà các nhà khoa học nói là tác động của lượng khí thải carbon không kiểm soát được trên các đại dương vào năm 2100.
Sự gia tăng của khí CO2 do hiệu ứng nhà kính hoặc hoạt động của núi lửa dưới đáy biển sẽ làm gia tăng nhiệt độ và biến đổi thành phần hóa học trong nước biển, trong một quá trình được gọi là axit hóa đại dương. Theo các nhà nghiên cứu, nước biển ở nhiều nơi quanh đảo Shikine cho thấy sinh vật biển sống như thế nào - trong đó có các rạn san hô - nhờ vào độ kiềm trong nước ở mức thấp.
Các rạn san hô tại Nhật Bản, ở khu vực xa nhất thế giới về phía Bắc, có thể cung cấp dữ liệu quan trọng để tăng cường hiểu biết về cuộc sống đại dương, trong bối cảnh rạn san hô Great Barrier ở Australia đang đứng trước nguy cơ bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng.
Các nhà khoa học đã đến ở Shikine để tìm hiểu một hệ sinh thái dưới nước, bao gồm san hô, các sinh vật trôi nổi, tảo biển và cá, có thể tồn tại như thế nào trong môi trường có vẻ không thuận lợi. Những so sánh đầu tiên với một vịnh khác ở Shikine, nơi có các điều kiện môi trường hoàn toàn khác, cho thấy san hô sống tốt hơn ở môi trường nước bị kiềm hóa.
Được hạ thủy năm 1989, tàu Tara dài 36m nổi tiếng với nhiều chuyến thám hiểm khoa học trước đây, trong đó có chuyến thám hiểm dài 500 ngày ở Bắc Cực. Chuyến thám hiểm dự kiến kéo dài hai năm này sẽ đưa các nhà học đến Australia và New Zealand trước khi đến Indonesia và Philippines.