Đập thủy điện Trung Quốc làm Trái Đất quay chậm lại

Sự dịch chuyển của khối lượng nước khổng lồ ở đập thủy điện Tam Hiệp lớn nhất hành tinh khiến Trái Đất quay chậm hơn do mô-men quán tính.

Đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Trường Giang ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cung cấp nguồn năng lượng sạch cho nhu cầu bức thiết của người dân nước này, nhưng cũng gây ra nhiều tác động tới môi trường. Khối lượng nước khổng lồ được tích trữ tại đập Tam Hiệp đủ để làm thay đổi chuyển động quay của Trái Đất, theo Futurism.


Toàn cảnh đập Tam Hiệp. (Video: Xinhua).

32 máy phát cuối cùng của đập Tam Hiệp đi vào hoạt động cuối tháng 7/2012. Lượng nước của đập đủ khả năng sản xuất khoảng 22,5 triệu kilowatt điện (hay 22.500 megawatt), tương ứng 15 lò phản ứng hạt nhân.

Tuy nhiên, từ khi công bố dự án 30 tỷ USD này, Trung Quốc đã vấp phải phản ứng nặng nề từ giới khoa học và các nhà hoạt động môi trường. Nhiều chuyên gia cho rằng đập nước sẽ gây ra những hệ quả khôn lường, bao gồm ô nhiễm, động đất, lở đất, xáo trộn cuộc sống của người dân khi hơn 1,3 triệu người buộc phải chuyển chỗ ở, phá hủy các di tích lịch sử và môi trường sống của động vật nguy cấp.

Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới về tổng công suất sau khi công trình hoàn thành. Khi mực nước ở mức cao nhất, tổng diện tích đất bị ngập là 632km2. Hồ chứa nước có sức chứa khoảng 39,3km3 và lượng nước sẽ có khối lượng lên tới 42 tỷ tấn.

Sự dịch chuyển của một khối lượng nước lớn như trên sẽ tác động đến chuyển động quay của Trái Đất do hiện tượng mang tên mô-men quán tính, trong đó quán tính của một vật thể rắn xoay tròn sẽ tương ứng với chuyển động quay của nó.


Đập Tam Hiệp nhìn từ trên cao. (Ảnh: YouTube).

Khoảng cách từ vật thể tới trục quay của nó càng lớn, vật thể càng quay chậm hơn. Ví dụ, một vận động viên trượt băng nghệ thuật phải ép sát cánh tay vào cơ thể để giảm mô-men quán tính nếu muốn xoay tròn nhanh hơn. Tương tự, một vận động viên lặn muốn nhảy lộn nhào nhanh hơn sẽ chọn tự thế ôm gối.

Việc đẩy 42 tỷ tấn nước lên cao 175 mét so với mực nước biển sẽ làm tăng mô-men quán tính của Trái Đất, qua đó là chậm chuyển động xoay của địa cầu, dù tác động gây ra sẽ vô cùng nhỏ.

Theo các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), sự dịch chuyển của khối lượng nước lớn như trên sẽ làm ngày dài thêm 0,06 mili giây, khiến Trái Đất hơi tròn hơn ở giữa và phẳng hơn ở đỉnh. Tác động cũng làm điểm cực lệch đi khoảng hai centimet.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tác động này không đáng lo ngại bởi chuyển động quay của Trái Đất thay đổi thường xuyên do ảnh hưởng của Mặt Trăng và động đất. Mặt Trăng rút ra xa dần Trái Đất sẽ làm chuyển động quay của hành tinh thay đổi nhẹ. Siêu động đất năm 2011 ở Nhật Bản từng khiến ngày trên Trái Đất dài thêm 2,68 giây.

Cập nhật: 09/07/2019 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video