Theo trang National Geographic, hố sụt xuất hiện khi nước hòa tan lớp đá bề mặt. Đá bề mặt thường là đá vôi, nước mưa tích tụ trong vết nứt hòa tan và cuốn trôi dần lớp này. Vết nứt dần mở rộng cho đến lúc mặt đất phía trên không còn ổn định nên sụt xuống. Hố có thể chỉ nông 1 mét hoặc sâu đến 50 mét.
Thành viên Viện Kỹ sư Singapore (IES) Sharron Ng cho biết, tại đô thị, hố sụt còn có thể do con người tạo ra. “Hoạt động như bơm quá mức nước ngầm trong quá trình xây dựng công trình dưới mặt đất, đường ống hoặc cống bị vỡ khiến nước rò rỉ dẫn đến xói mòn đất bề mặt, khai thác làm hình thành khoảng trống lớn dễ sụp đổ”, Sharron Ng nói.
Hố sụt mới xuất hiện ở Malaysia. (Ảnh: AP).
Dấu hiệu cảnh báo
Hố sụt thường xuất hiện rất bất ngờ, tuy nhiên thành viên IES David Ng chỉ ra đôi lúc ta vẫn quan sát được tình trạng sụt lún của mặt đất trước lúc xuất hiện hố. Đó là lúc mặt đất được bao phủ bởi một bề mặt cứng tạm thời trong khi phía dưới trống rỗng.
Chủ tịch danh dự IES Chong Kee Sen bổ sung vài dấu hiệu nữa: dịch chuyển bất thường, vết nứt trên đường.
Giảm thiểu nguy cơ xảy ra hố sụt
Lập bản đồ địa chất giúp xác định khu vực dễ xuất hiện hố sụt. Ngày nay còn có công nghệ mới như radar xuyên đất, trường điện từ thụ động tần số thấp, rung động âm thanh.
Sau khi tìm ra hố, khu vực xung quanh có thể được đào và lấp đầy bằng đất. Ngoài ra nên bơm thêm vữa, lắp khung thép bên trong lẫn xung quanh hố để chống đỡ. Tiếp theo lấp đầy hố bằng hỗn hợp chất lỏng nhằm giữ ổn định kết cấu cũng như ngăn nước thấm vào.