Do nằm dưới đường bay của sân bay vũ trụ Baikonur, vùng núi Altai thường xuyên có mảnh vỡ tên lửa trút xuống sau mỗi lần phóng.
Dãy núi Altai ở Trung Á có dân cư thưa thớt với nhiều bộ lạc dân tộc thiểu số chuyên chăn cừu, trâu, nuôi ong, trồng ngũ cốc và thực vật họ đậu. Nhưng sự yên bình ở đây thường xuyên bị phá vỡ bởi các bộ phận tên lửa rơi từ trên trời xuống, theo Amusing Planet.
Dân làng thu thập mảnh vỡ từ một tàu vũ trụ rơi xuống đất. (Ảnh: Amusing Planet).
Vùng Altai nằm ngay bên dưới đường bay của sân bay vũ trụ Baikonur lớn và bận rộn nhất thế giới tại Kazakhstan. Mỗi lần tên lửa phóng từ Baikonur, bình nhiên liệu bỏ đi, tên lửa đẩy trống không và nhiều mảnh vỡ khác lại trút xuống những sườn đồi hẻo lánh, khiến cư dân hoảng sợ, phá hủy nhà cửa và làm chết gia súc. Cơ quan vũ trụ Nga thường xuyên phải bồi thường cho dân làng khi có tổn thất nghiêm trọng về tài sản.
Ước tính từ khi sân bay vũ trụ đi vào hoạt động trong thập niên 1950, hơn 2.500 tấn mảnh vỡ tên lửa đã rơi xuống Trái đất. Cư dân được cảnh báo 24 giờ trước mỗi lần phóng để có thể tìm nơi trú ẩn an toàn. Phần lớn mảnh vỡ rơi xuống dải đất định trước nằm ngay dưới đường bay của tên lửa, nhưng mảnh vỡ rơi ngoài khu vực này cũng được ghi nhận. Năm 2008, một khối kim loại dài 3 mét rơi xuống làng và suýt trúng một ngôi nhà.
Sự cố phóng hỏng hoặc vụ nổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Năm 2011, một tên lửa Soyuz-U không người lái bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bị trục trặc chỉ vài phút sau khi phóng và rơi trở lại Trái đất với bình nhiên liệu còn đầy. Nó rơi trúng vùng núi Altai và phát nổ, làm vỡ cửa sổ ở cách 100km.
Sau khi Liên Xô tan rã, cơ quan vũ trụ ngừng thu thập mảnh vỡ tên lửa nằm rải rác khắp hàng nghìn km2 ở vùng thảo nguyên Kazakhstan và vùng núi Altai. Trong vòng vài năm sau khi Kazakhstan tách khỏi Liên Xô, một nền kinh tế mới xuất hiện quanh rác vũ trụ bị lãng quên. Những người kinh doanh sắt vụn háo hức chờ mỗi lần phóng tên lửa và theo dõi mảnh vỡ rơi bằng ống nhòm. Sau đó, họ sẽ cưỡi ngựa tới khu vực mảnh vỡ rơi. Bất kỳ vật liệu đáng giá nào như hợp kim titan và nhôm, cũng như dây đồng đều bị dỡ khỏi mảnh vỡ. Bất cứ thứ gì không thể bán sẽ được kéo về làng, dùng để làm mái chuồng gà, nhà kho, nhà vệ sinh, thậm chí xe trượt cho trẻ em.
Nhưng những mảnh vỡ tên lửa này không an toàn. Nhiên liệu tên lửa, đặc biệt là dimethylhydrazine không đối xứng (UDMH) cực kỳ độc hại và bình nhiên liệu bỏ đi có thể vẫn chứa 10% nhiên liệu còn sót lại khi tách ra khỏi tên lửa. Hydrazine hòa tan hoàn toàn với nước nên dễ dàng thấm vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm dùng để uống và tưới tiêu. Hydrazine cũng là tác nhân gây ung thư nổi tiếng. Hợp chất là được cho là nguyên nhân làm tăng số ca ung thư và khuyết tật bẩm sinh ở vùng Altai. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết hợp chất hydrazine cũng độc hại đối với gan và hệ thần kinh trung ương, gây bệnh thần kinh không thể phục hồi.
Trong những năm gần đây, nhiên liệu đẩy tên lửa không độc hại và thân thiện với môi trường ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm. Loại nhiên liệu đó an toàn và dễ xử lý hơn, đòi hỏi ít quy trình và cơ sở hạ tầng để lưu trữ và vận chuyển hơn. Nhiều cơ quan như NASA và ESA đã cắt giảm sử dụng nhiên liệu đẩy dựa trên hydrazine.