Thiên hà HD1 có thể chứa một hố đen siêu khối lượng nặng gấp 100 triệu lần Mặt Trời hoặc những ngôi sao cổ xưa nhất vũ trụ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện vật thể HD1 có khả năng là vật thể thiên văn xa nhất từng ghi nhận. Đây nhiều khả năng là một thiên hà nằm cách Trái đất khoảng 13,5 tỷ năm ánh sáng, xa hơn 100 triệu năm ánh sáng so với thiên hà đang giữ kỷ lục GN-z11. Phát hiện mới công bố trên tạp chí Astrophysical Journal hôm 7/4 và nghiên cứu đi kèm xuất bản trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society Letters.
HD1, vật thể có khả năng là thiên hà xa nhất từng phát hiện. (Ảnh: Harikane)
HD1 đặc biệt sáng dưới ánh sáng cực tím, cho thấy hoạt động năng lượng cao trong thiên hà. Do đó, các nhà khoa học ban đầu đưa ra giả thuyết đây có thể là một thiên hà bùng nổ sao - loại thiên hà "sản xuất" sao với tốc độ tương đối nhanh. Nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn, họ nhận ra nó tạo ra tới hơn 100 ngôi sao mỗi năm, nhanh gấp 10 lần các thiên hà bùng nổ sao điển hình.
Các nhà nghiên cứu đưa ra hai giả thuyết mới để giải thích năng lượng cực lớn phát ra từ HD1.
- Thứ nhất, nó có thể chứa một hố đen siêu khối lượng nặng gấp 100 triệu lần Mặt Trời ở trung tâm. Nếu vậy, đây sẽ là hố đen cổ xưa nhất với kích thước này từng được quan sát.
- Thứ hai, HD1 có thể chứa một số ngôi sao sinh ra sớm nhất vũ trụ.
"Loạt sao đầu tiên hình thành trong vũ trụ có khối lượng lớn hơn, sáng và nóng hơn những ngôi sao hiện đại", Fabio Pacucci, đồng tác giả nghiên cứu, nhà thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian, cho biết.
Những ngôi sao này gọi chung là Population III, được cho là tạo ra lượng ánh sáng cực tím cao hơn nhiều những ngôi sao thông thường. Điều này có thể giải thích cho độ sáng của HD1. Nếu chứng minh được HD1 chứa Population III, đây sẽ là lần đầu tiên giới thiên văn quan sát được loại sao này.
Các nhà khoa học phát hiện HD1 trong 1.200 giờ quan sát với kính viễn vọng Subaru (Hawaii), kính viễn vọng VISTA (Chile), kính viễn vọng Infrared (Anh) và kính viễn vọng không gian Spitzer hiện đã nghỉ hưu của NASA, sau đó xác nhận khoảng cách của nó nhờ các quan sát do hệ thống kính viễn vọng ALMA (Chile) thu thập. Nhóm nghiên cứu sẽ sớm theo dõi HD1 bằng kính viễn vọng không gian James Webb để khẳng định thêm những ước tính của mình.