Đế chế hùng mạnh đập tan kinh đô của kẻ thù truyền kiếp nhờ súng bắn đạn nặng 6 tạ

Thành Constantinople tồn tại từ năm 330 là một biểu tượng của nền văn minh phương Tây, là thủ đô của đế quốc Byzantine (Đông La Mã) suốt một thời gian dài, cho đến khi người Ottoman phát minh ra súng thần công khổng lồ.

Theo National Interest, sự sụp đổ của thành phố Constantinople (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào năm 1453 đã tạo ra ảnh hưởng lớn ở phương Tây. Sự kiện này đã chấm dứt thời kỳ Trung cổ, khiến đế quốc Byzantine sụp đổ và mở đường cho sự trỗi dậy của đế chế Ottoman cho đến thời hiện đại. Thế giới có thể sẽ khác đi rất nhiều nếu những người Byzantine bảo vệ thành công Constantinople.


Thành Constantinople sau hơn 1.000 năm tồn tại, cuối cùng đã sụp đổ.

Trên con đường xây dựng đế chế hùng mạnh bậc nhất lịch sử, người Ottoman luôn coi đế quốc Byzantine là mục tiêu số một. Vị trí địa lý là cầu nối Á-Âu khiến Byzantine từng bước sụp đổ dưới tay người Ottoman.

Ban đầu, người Ottoman nhắm vào đất đai của đế quốc Byzantine ở vùng Tiểu Á. Sau khi thôn tính phần lớn vùng đất này, họ vượt qua eo biển Dardanell, chiếm dần rồi thay thế vị thế của đế quốc Byzantine ở vùng Balkan.

Bình định xong Balkan, người Ottoman quay lại chiếm nốt phần còn lại của Tiểu Á, đặt mục tiêu chinh phục kinh đô Constantinople vĩ đại.

Thành Constantinople, kinh đô của đế quốc Byzantine, khi đó có lịch sử hơn một ngàn năm và từng là trung tâm nghệ thuật, văn hoá, thương mại trong nhiều thế kỷ của cả thế giới phương Tây. Các vị vua Ottoman từ lâu đã thèm muốn thành phố giàu có và lộng lẫy này, nhưng chưa một lần thành công vì bức tường thành sừng sững chặn bước.


Để công thành Constantinople, vua Mehmet II đã dùng đến những khẩu súng thần công khổng lồ.

Sau cái chết của người cha, vua Murad II vào năm 1451, hoàng tử Mehmet II lên ngôi, trực tiếp chỉ đạo việc chế tạo súng thần công khổng lồ để xuyên phá tường thành Constantinople.

Vào thế kỷ 15, người châu Âu đã đạt đến trình độ thượng thừa trong việc chế tạo súng. Mehmet II chiêu mộ những thợ làm súng tài năng nhất lúc bấy giờ, giao cho người Hungary tên Urban giám sát quá trình tạo ra các khẩu súng thần công khổng lồ nặng tới 20 tấn, phục  vụ cho chiến dịch đánh thành Constantinople.

Để vận chuyển những khẩu pháo khổng lồ, các kỹ sư thời bấy giờ cũng cần đến những chiếc xe ngựa tương xứng. Không ít xe ngựa kéo bằng gỗ vỡ nát vì sức nặng quá lớn của những khẩu súng khổng lồ  này.

Những khẩu súng thần công lớn nhất  phục vụ công thành dài 8 mét, bắn những quả đạn nặng 600kg. Trước trận  đánh năm 1453, thành Constantinople từng đứng vững trước 20 đợt  công thành, nhưng súng thần công khổng lồ giúp Mehmet có lợi thế lớn.

Để một khẩu súng thần công giai đoạn thế kỷ 15 vận hành hiệu quả, người ta cần đến thuốc súng làm từ muối tinh chế. Loại muối này được trộn với  lưu huỳnh và than củi để tạo ra thuốc súng.

Các thành phần chế tạo thuốc súng được mang đi riêng biệt và chỉ được trộn vào với nhau trước khi khai hỏa. Tầm bắn của súng thần công khổng lồ lên tới gần 1.000 mét, nhưng vì lý do an toàn, lượng thuốc súng được nhồi hạn chế, khai hỏa ở khoảng cách khoảng 250 mét.


Constantinople sụp đổ đánh dấu sự kết thúc của Đế quốc Byzantine.

Các tấm chắn bằng gỗ giúp những người thợ vận hành súng thần công tránh khỏi cung thủ hay súng hỏa mai của đối phương. Vì kích thước đồ sộ nên độ giật của súng cũng là tương đối lớn.

Sau mỗi lần khai hỏa, người ta phải làm sạch khẩu súng, đảm bảo rằng chúng có thể bắn được tiếp. Điều đó có nghĩa là, mỗi khẩu súng nặng 20 tấn chỉ khai hỏa được khoảng 5 lần trong ngày.

Đạn của súng thần công giai đoạn này được làm từ kim loại với tính sát thương cao hơn hoặc bằng đá cứng. Nhờ những khẩu súng thần công khổng lồ này mà vua  Mehmed II, khi đó mới 21 tuổi, đã san phẳng tường thành, tiến vào Constantinople chỉ sau 53 ngày.

Hoàng đế Constantine XI Palaiologos bị giết ngay tại chỗ. Người Ottoman mặc sức cướp phá trong ba ngày liền, bắt hơn 60.000 người làm nô lệ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá bị phá hoại. Tất cả các tượng chúa Kitô giáo bị thay thế bởi bàn thờ đạo Hồi.

Thánh đường lớn Haya Sophia biến thành thánh đường Hồi giáo. Vua Mehmed II vì ấn tượng với thành phố Constantinople nên ngay sau đó đã ra lệnh dời đô, đổi tên thành Istanbul (nghĩa là thành phố của Hồi giáo).

Cập nhật: 25/07/2024 Theo Dân Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video