Địa Trung Hải báo động vì cá sư tử

Cá sư tử ngoại lai sinh trưởng ngày một đông đúc ở biển Địa Trung Hải, không chỉ đe dọa hệ sinh thái tại đây, nó còn là mối nguy hiểm tiềm tàng cho con người.

Nhà thủy sinh học Jason Hall-Spencer cho biết cá sư tử vốn không sinh sống ở Địa Trung Hải. Cá thể cá sư tử đầu tiên được quan sát ở ngoài khơi Cyprus năm 2014. Biến đổi khí hậu là tác nhân đưa loài cá ăn thịt này xâm nhập từ Ấn Độ Dương.

Loài cá ăn thịt xâm lấn Địa Trung Hải

Tại Địa Trung Hải, cá sư tử không phải đối mặt bất cứ loài thiên địch nào. Từ một vài cá thể nhỏ lẻ ban đầu, cá sư tử với tốc độ sinh sản "khủng khiếp", khoảng 2 triệu trứng mỗi năm, giờ đã trở thành loài chiếm ưu thế sinh tồn.

"Ở một số vùng biển, tôi nhìn thấy tới 40 con cá sư tử mỗi lần lặn xuống nước", ông Hall-Spencer cho biết.

Để đối phó với vấn nạn cá sư tử sinh trưởng quá mức, giới chức Cyprus đã phối hợp với Đại học Plymouth của Anh, cùng các thợ lặn và nhà khoa học tư nhân, tiến hành các chiến dịch tái định cư loài cá này. Đây là một phần trong dự án ReLionMed Project do EU tài trợ.


Cá sư tử sinh trưởng với tốc độ rất nhanh ở Địa Trung Hải. (Ảnh: Reuters).

"Cá sư tử hoạt động ở vùng nước nông nơi con người thường bơi, chúng tôi quan sát thấy chúng ở độ sâu 1-2 m. Chúng có thể gây cho con người vết đốt cực kỳ khó chịu với cái vây chứa đầy nọc độc", ông Hall-Spencer nói.

Tuy nhiên, khu vực hoạt động chính của cá sư tử là các vùng nước sâu hơn dưới đại dương, đe dọa sự an toàn của các thợ lặn và những du khách lặn khám phá đáy biển.

"Tầm hoạt động của cá sư tử đang mở rộng, chúng tôi hy vọng chúng sẽ không xâm lấn các vùng bờ biển bởi đây là nơi có rất nhiều du khách", giáo sư Periklis Kleitou, chuyên gia sinh vật biển của Đại học Plymouth, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nhưng mối đe dọa từ sự thống trị của cá sư tử ngoại lại ở Địa Trung Hải không chỉ dừng lại ở đó.

Sự xâm lấn của cá sư tử ở những khu vực khác trên thế giới cho thấy loài cá ăn thịt này có thể nhanh chóng phá hủy đa dạng sinh học tại những nơi chúng tràn tới, đe dọa sự tồn tại của nhiều loài sinh vật, cũng như sinh kế của ngư dân địa phương.

Cá sư tử vốn sinh sống ở vùng nước nhiệt đới tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cá sư tử lần đầu xuất hiện ở châu Âu năm 2012, và ở ngoài khơi Cyprus năm 2014.

Nước biển ngày một ấm hơn, cùng với các dự án mở rộng kênh đào Suez, là tác nhân dẫn tới sự xâm lấn của cá sư tử từ vùng Biển Đỏ vào Địa Trung Hải. Đàn cá sinh trưởng ngày càng mạnh, chúng đã đi tới ngoài khơi Tunisia và Italy.

Hệ quả từ biến đổi khí hậu

Nghiên cứu cho thấy chủ động di dời đàn cá sư tử là cần thiết nhằm kiểm soát số lượng loài này tại Địa Trung Hải.

Ông Hall-Spencer cho biết cá sư tử đã được quan sát thấy ở bên trong các khu vực bảo vệ sinh vật biển (MPA), nơi bảo tồn các loài sinh vật bản địa ở Địa Trung Hải.

"Các vùng MPA giờ lại đang là nơi bảo vệ loài cá sư tử xâm lấn, là thiên đường cho chúng phát triển, đây là điều đáng lo ngại", chuyên gia của Đại học Plymouth cho biết.

Tới nay, 5 chiến dịch di dời cá sư tử đã được tiến hành. Khoảng 35-119 con cá sư tử bị bắt mỗi ngày tại 3 khu vực bảo vệ sinh vật biển ngoài khơi Cyprus.

Quá trình tái sinh sản của đàn cá diễn ra với tốc độ khác nhau tùy vào từng khu vực.

Một vấn đề đặt ra là có những cá thể cá sư tử hoạt động ở vùng biển rất sâu, xuống tới 100 m dưới mặt nước, nơi thợ lặn với thiết bị thô sơ không thể đạt đến.


Thợ lặn tham gia chiến dịch tái định cư loài cá sư tử. (Ảnh: Đại học Plymouth).

"Điều này đồng nghĩa đàn cá có thể tập trung đông ở nơi mà chúng tôi không thể chạm đến. Chúng có thể di chuyển lên vùng nước nông hơn bên trên, nơi chúng tôi vừa di dời lượng lớn cá thể đi nơi khác", nhà thủy sinh vật học Louis Hadjioanno, chuyên gia tại Viện nghiên cứu hàng hải Cyrus, cho biết.

Trong dài hạn, các nhà khoa học thừa nhận cần có cách tiếp cận đa chiều, tổng thể để giải quyết vấn nạn từ đàn cá sư tử sinh sôi quá mức đang làm đảo lộn Địa Trung Hải.

Một trong các biện pháp khả thi là tăng cường bảo tồn các loài cá ăn thịt lớn, có thể là thiên địch của cá sư tử. Ngoài ra, ngư dân địa phương cũng được khuyến khích đánh bắt loài này nhiều hơn.

Du khách tới thăm Cyprus có thể sẽ sớm nhìn thấy cá sư tử trong thực đơn. Lúc này, cá sư tử đã bắt đầu xuất hiện tại chợ cá và một số nhà hàng.

Bên cạnh đó, dự án ReLionMed Project cũng đang tìm cách thúc đẩy việc mua bán trang sức làm từ vây cá sư tử.

"Do biến đổi khí hậu, cá sư tử nhiều khả năng sẽ xâm lấn các vùng còn lại ở phía tây Địa Trung Hải. Mục tiêu dài hạn của dự án lúc này là tiếp tục chuyển giao thêm nhiều kiến thức cho các nước khác trong khu vực", giáo sư Kleitou cho biết.

Trong khi đó, ông Hall-Spencer cho biết một trong những ưu tiên khác là ngăn các loài ngoại lai xâm nhập Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez, trong đó có những virus và nấm gây hại.

Chuyên gia của Đại học Plymouth đề xuất ý tưởng sử dụng các nhà máy khử muối, tạo ra nước có độ mặn cao và xả vào kênh đào Suez, nhằm ngăn các loài sinh vật từ Ấn Độ Dương xâm nhập Đại Tây Dương.

"Kiểm soát an toàn sinh học thực sự quan trọng. Tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta cần sự phối hợp quốc tế nhằm bảo vệ đa dạng sinh học ở Địa Trung Hải", ông Hall-Spencer cho biết.

Cập nhật: 26/07/2021 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video