Địa Trung Hải: Ký sinh trùng đe dọa môi trường biển

  •  
  • 695

Với lớp vỏ hình cánh được lót bằng xà cừ ánh kim và khả năng sản sinh ra những sợi tơ biển vô cùng tinh tế và quý hiếm, sò bàn mai quý tộc là một trong những loại thủy sinh mang tính biểu tượng nhất của biển Địa Trung Hải và là báo hiệu gián tiếp về những biến đổi môi trường biển.

Thế nhưng, loài động vật thân mềm khổng lồ lớn thứ hai thế giới này lại đang bị đe dọa và phá vỡ quần thể của chúng bởi một loại ký sinh trùng mới. Hiện tượng này đã được phát hiện dọc bờ biển Tây Ban Nha từ năm 2016. Các nhà khoa học lo rằng biến đổi khí hậu và biển nóng lên sẽ càng đẩy mạnh sự tàn phá và giờ đã liệt tình hình vào mức độ khẩn cấp.

Sò bàn mai quý tộc, hay còn được biết đến dưới tên khoa học là Pinna Nobilis có thể sống tới 45 năm và phát triển tới kích cỡ khoảng 1,2m. Chúng chỉ được tìm thấy ở biển Địa Trung Hải.

Trên mặt nước tĩnh lặng tại thị xã ven biển Villefranche-sur-Mer gần Nice (miền Nam nước Pháp) gần nhưng không có biểu hiện của sự diệt vong của sò bàn mai.

Nhưng lặn sâu xuống dưới, nhà nghiên cứu thấy dưới đáy biển là một nghĩa địa của loài sò đặc biệt này. Cái chết đã làm xác chúng co rúm lại và làm cho lớp xà cừ xỉn nâu trong những chiếc vỏ, nơi đã bị bỏ hoang bởi những loài sống nhờ thông thường như cua, tôm và san hô.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy cả nghĩa địa sò bàn mai quý tộc dưới đáy Địa Trung Hải.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy cả nghĩa địa sò bàn mai quý tộc dưới đáy Địa Trung Hải.

“Chúng tôi không thể tìm nổi dù chỉ là một con còn sống” - thợ lặn Olivier Jude trao đổi sau khi nỗ lực lặn xuống tìm kiếm Pinna nobilis để chụp ảnh và đăng tải lên trang web Phoctobus của anh. Vùng Riviera của Pháp là địa điểm mới nhất cho thấy sự thảm sát gây ra bởi loài ký sinh mới với sò bàn mai.

Tác nhân gây bệnh này đã gần như xóa sổ hoàn toàn quần thể bàn mai khỏi bờ biển Tây Ban Nha, nơi hiện được ghi nhận đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy cấp và đang lan sang các khu vực ven biển khác. Chúng hiện đang tấn công quần thể bàn mai từ Pháp tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Maria del Mar Otero - chuyên gia hàng hải đến từ Trung tâm Hợp tác Địa Trung Hải về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), cho biết: “Tình hình rất đáng báo động và loài bàn mai quý tộc đang trên bờ tuyệt chủng ở Tây Ban Nha”.

Những bãi tụ tập của loài thân mềm khổng lồ dọc bờ biển Địa Trung Hải đã được các cộng đồng ven biển biết đến trong nhiều thế kỷ.

Từ thời cổ đại, những sợi tơ tinh tế lấy từ bộ râu phát triển quá cỡ của chúng được kéo thành lụa biển, chất liệu tơ cực kỳ quý hiếm lấp lánh như vàng. Một số người còn tin rằng, loại vải làm từ biển này có thể là cơ sở cho truyền thuyết về bộ lông cừu vàng mà anh hùng Jason tìm kiếm trong thần thoại Hy Lạp.

Bàn mai quý tộc thường được sử dụng như một chỉ số về sức khỏe của đại dương với phần vỏ của chúng ghi lại những thay đổi hóa học và vật lý trong nước.

Trên bản đồ của IUCN, khu vực bị ảnh hưởng được cập nhật thường xuyên kể từ khi cơn khủng hoảng bắt đầu, số chấm đỏ đang ngày càng gia tăng với tỷ lệ diệt vong đã lên tới trên 85%.

Bờ biển phía Nam Tây Ban Nha trên bản đồ gần như bị bao bọc hoàn toàn bởi màu đỏ thẫm, trong khi nhiều chấm đỏ cũng tụ lại xung quanh đảo Corsica của Pháp và tại Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Síp, Hy Lạp.

Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã đem những sát thủ tí hon này tới Địa Trung Hải và làm cách nào mà nó lan nhanh tới vậy, mặc dù có thể nó đã đến từ thân của các tàu buôn. Nhưng căn bệnh dường như phát triển mạnh ở những vùng nước ấm lên.

Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng, cái chết của loài thân mềm này báo hiệu khởi đầu sự tuyệt chủng của nhiều loài khác do biến đổi khí hậu.

Cập nhật: 15/02/2019 Theo GDTĐ
  • 695