Điểm yếu hệ làm mát lò phản ứng Nhật

Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật sẽ không đạt được tình trạng ổn định trong trường hợp tất cả các nguồn điện vận hành bị mất hoặc cắt đứt, ngay cả khi các nhà quản lý đã chuẩn bị những nguồn điện dự phòng mới hoặc các máy phát điện nhân như trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.


Vị trí các lò phản ứng tại tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật. Ảnh: CNET.

Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật, khả năng không đảm bảo được sự an toàn của các lò phản ứng hạt nhân tại đất nước mặt trời mọc là có thực, vì những nguồn điện dự phòng không đủ để vận hành tất cả thiết bị cần thiết để giữ mát cho các lò phản ứng.

Nhiều lò phản ứng tại Nhật hiện vẫn không có nguồn năng lượng thay thế khẩn cấp nếu các máy phát điện chạy bằng dầu diesel không hoạt động, như trong trường hợp tại nhà máy Fukushima sau khi hứng chịu thảm họa "kép" động đất 9,0 độ richter và sóng thần vào ngày 11/3 vừa qua.

Cơ quan giám sát hạt nhân của chính phủ Nhật đã chỉ đạo các đơn vị quản lý nhà máy điện nguyên tử phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng bị mất điện, ví dụ như bằng cách bảo đảm các nguồn điện trên xe di động, để ngăn chặn một thảm họa khác diễn ra. Tại Fukushima, mạng lưới điện và hầu hết các máy phát điện diesel khẩn cấp đã bị động đất và sóng thần vô hiệu hóa hoàn toàn, dẫn đến việc bị mất các chức năng làm mát trọng yếu của lò phản ứng.

10 công ty đang sở hữu các nhà máy hạt nhân và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật tuyên bố, họ hiện đã triển khai các loại xe cấp phát điện và máy phát điện di động. Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành công nghiệp năng lượng nói, nguồn cung cấp điện kiểu này chỉ có thể chạy được các máy đo đếm và các thiết bị phun nước quy mô nhỏ. "Chúng không đủ để được mô tả là các nguồn dự phòng cho những máy phát điện khẩn cấp", một nguồn tin nhận định.

Chỉ có mình Tập đoàn điện lực Tokyo (TEPCO) - doanh nghiệp quản lý nhà máy gặp sự cố Fukushima - quả quyết có thể duy trì việc làm mát 4 trong số các lò phản ứng đang hoạt động của họ tại khu liên hợp điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata thông qua việc sử dụng một máy phát điện công suất 4.500KW và 4 máy phát điện 500KW.

Trong số các doanh nghiệp quản lý tuyên bố không thể bảo đảm được nguồn điện dự phòng là Công ty điện nguyên tử Nhật. Công ty này tiết lộ, họ cần khoảng 3.500KW điện để duy trì việc làm mát an toàn cho lò phản ứng số 2 tại nhà máy điện Tsuruga ở tỉnh Fukui, nhưng chỉ mới triển khai được một xe cấp phát điện công xuất 220KW và một xe công suất 800KW.

Trong khi đó, nhằm công bố thông tin thống nhất hơn về cách Nhật đang đối phó với thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất của nước này, chính phủ Nhật và TEPCO hồi đầu tuần đã tổ chức một cuộc họp báo chung lần đầu tiên. Ngành công nghiệp điện lực, Cơ quan hạt nhân và an toàn công nghiệp của chính phủ, Bộ Khoa học Ủy ban an toàn hạt nhân Nhật cũng đã tổ chức các cuộc họp báo riêng rẽ về sự việc. Tuy nhiên, Goshi Hosono, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Naoto Kan, nhấn mạnh ông muốn tránh sự mâu thuẫn hoặc chồng chéo về thông tin do nhiều nguồn khác nhau công bố.

Hôm 27/4, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đưa ra đánh giá mới nhất về hiện trạng an toàn hạt nhân ở Nhật. Báo Voice of Russia dẫn báo cáo của IAEA cho hay, tình hình tại nhà máy Fukushima số 1 nhìn chung vẫn rất nghiêm trọng, các mức phóng xạ tại đây đã tăng lên mức cao nhất kể từ sau khi thảm họa kép nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà máy đã phục hồi một số chức năng. Mức phóng xạ tăng cao đã khiến cho hàng chục nghìn người phải sơ tán khỏi vùng thảm họa.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video