Các nhà khoa học hy vọng tạo ra bẫy vi khuẩn gây hôi chân để tiêu diệt loài muỗi mang ký sinh trùng sốt rét.
Nghiên cứu tiêu diệt muỗi bằng mùi hôi chân
Theo BBC, cho dù ta có kỳ cọ sạch đến thế nào đi chăng nữa thì chân vẫn có mùi hôi. Một bàn chân trung bình chứa khoảng 600 tuyến mồ hôi trên một mét vuông – gấp hàng trăm lần so với vùng nách. Chúng sản sinh ra một hỗn hợp gồm muối, gluco, các vitamin và các amino axít, một bữa ăn hoàn hảo cho cả một tập đoàn vi khuẩn, trong đó nhiều nhất là Staphylococcus - tác nhân sản sinh ra mùi hôi khó chịu.
Tập đoàn vi khuẩn Staphylococcus cư trú trong chân người, là tác nhân sản sinh ra mùi hôi khó chịu. (Ảnh: Science Photo Library)
Nhà khoa học Bart Knols người Hà Lan là một trong những người đầu tiên nhận thấy một số loài muỗi mang ký sinh trùng sốt rét bị mùi hôi chân thu hút. Điều này đã truyền cảm hứng cho nhiều công trình nghiên cứu của Renate Smallegange tại trường đại học Wageningen, Hà Lan.
Smallegange là một người cực kỳ am hiểu về mùi mồ hôi chân. Bà tiến hành nhiều nghiên cứu về mùi cơ thể như gom tất bẩn bốc mùi, nhờ mọi người chà chân lên các hạt thủy tinh rồi lau bàn chân đẫm mồ hôi lên đó. Cầu kỳ hơn, bà còn bọc chân trong túi nilon, khiến mùi hôi tăng gấp bội.
So với tất cả các công việc khác trên thế giới, đây chắc hẳn là công việc kém dễ chịu nhất, nhưng Smallegange không hề bị những mùi hương như phomát này làm nhụt chí.
"Đây chẳng phải là vấn đề gì to tát," bà cho biết. "Tất nhiên sẽ có chuyện người này có khứu giác nhạy hơn người kia – đấy là quan điểm cá nhân tôi."
Không phải ai cũng cảm thấy khó chịu với mùi hôi. Smallegange nhẫn nại với những mùi hôi thối đó là vì nó liên quan tới công trình nghiên cứu của bà về loài muỗi mang ký sinh trùng sốt rét. Bà đang cố tìm ra cách thức tạo ra mùi hôi chân, nhằm ngăn chặn sự lan rộng của căn bệnh chết người này.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, có 584.000 người tử vong vì sốt rét năm 2013, trong đó 80% là trẻ em dưới 5 tuổi. Phần lớn trường hợp tử vong ở tiểu vùng Sahara, châu Phi, theo CNBC.
Chân càng bốc mùi thì càng thu hút loài muỗi. (Ảnh: SPL/James Gathany)
Smallegange phát hiện ký sinh trùng dường như đã điều chỉnh khứu giác của loài muỗi để chúng bị mùi hôi chân kích thích hơn, tụ lại ở những nơi có tất bẩn, giống như ong bu lại ở những luống hoa.
"Có nhiều bằng chứng cho thấy bằng cách nào đó, một số protein trong não của muỗi đóng vai trò điều khiển khứu giác đã bị biến đổi," Smallegange nói. Đó là một bộ máy tinh vi đã biến vật chủ trở thành một nạn nhân, để từ đó nó tiếp tục vòng đời của mình trong cơ thể con người. "Đó là lý do vì sao loài muỗi chính là một sinh vật đắc lực lây truyền bệnh sốt rét."
Hiểu được điều này chúng ta sẽ có nhiều cách để chống lại bệnh sốt rét. Smallegange thử biến đổi nhóm vi khuẩn gây mùi hôi trên chân xem có giảm được khả năng chúng ta bị đốt không. Những vật chủ càng mang nhiều vi khuẩn Staphylococcus thì càng dễ bị đốt hơn. Trong nỗ lực chiến đấu chống lại loại vi khuẩn này, có nhiều phương án bảo vệ khỏi bệnh dịch chết người đã được đưa ra.
Nhử muỗi
Các nhà khoa học tìm cách sử dụng mùi hương nhân tạo làm mồi nhử muỗi. Knols sử dụng phomát Limburger - loại thực phẩm có mùi thum thủm như tất bẩn đi liền 8 ngày không giặt.
Trong khi đó, Smallegange hy vọng có thể đóng chai được loại mùi này. Bà sử dụng axit isovaleric và các thành phần khác để chiết xuất ra mùi hương tổng hợp đặt tên là "eau de pied".
"Kết cấu mùi hương rất quan trọng," bà nói. "Nhìn chung, một hợp chất hấp dẫn hơn là một chất riêng lẻ." Smallegange cho biết có thể dùng nhiều công thức khác nhau cho từng loài muỗi, vì mỗi loài có gu riêng.
Các nhà khoa học đang làm một thử nghiệm nhỏ ở đảo Rusinga, Kenya. Họ đặt các loại bẫy nhử xem có thể giết hoặc làm giảm muỗi để hạn chế tỉ lệ đốt hoặc lây nhiễm bệnh sốt rét. Thông qua thử nghiệm, họ cũng sẽ xác định được khu vực sinh sản yêu thích của từng loài muỗi mang ký sinh trùng sốt rét.
Phomát Limburger là nơi trú ngụ của những vi khuẩn gây mùi hôi chân. (Ảnh: Thinkstock)