Hình thức bên ngoài kỳ quặc, còn phần bên trong của chúng thì thật sự là rùng rợn...
Cây ổ kiến, còn có các tên gọi khác là cây bí kỳ nam hoặc kỳ nam kiến (tên khoa học là Hydnophytum Formicarum), là một loài cây kỳ lạ xuất hiện tại các khu rừng ở Tây Nguyên. Loài cây thường này sống bám trên các cây thân gỗ lớn, có thân phình thành củ lớn, mặt ngoài sần sùi, thoạt nhìn trông như một khối u dị dạng xuất hiện trên thân cây chủ.
Thoạt nhìn trông như một khối u dị dạng xuất hiện trên thân cây chủ.
Hình thức bên ngoài của loài cây này kỳ quặc là vậy, còn phần bên trong của chúng thì thật sự là rùng rợn. Bổ dọc “khối u” đó ra, những người “dị ứng” với côn trùng hẳn sẽ phải bổ ngửa với cảnh tượng hàng vạn con kiến và ấu trùng kiến bò lúc nhúc trong những đường hấm uốn lượn chằng chịt. Nhìn kĩ bề mặt "khối u", có thể thấy các cửa hang, là lối ra vào tổ của các chú kiến.
Cây ổ kiến thực sự là một tổ kiến theo đúng nghĩa đen của nó. Đây chính là một hình thức cộng sinh ít gặp gữa thực vật và côn trùng để tồn tại trong thiên nhiên.
Trong mối quan hệ, cây cung cấp một “pháo đài” trú ẩn và nước cho kiến, trong khi kiến tha mùn và thải phân làm nguồn nuôi dưỡng cây, cũng như bảo vệ cây trước sự đe dọa của những vị khách không mời.
Từ khi còn non, cây ổ kiến đã có phần thân phình to. Tuy nhiên, lúc này chúng chưa “bắt tay” với loài kiến mà chỉ sống nhờ dưỡng chất trên cây chủ. Khi lớn lên, nguôn dinh dưỡng ngày càng cạn kiệt, trong thân cây dân dần hình thành các lổ hang, đồng thời tiết ra những chất quyến rũ loài kiến đến làm tổ. Cuộc cộng sinh giữa kiến và cây bắt đầu từ lúc đó.
Đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã dùng cây ổ kiến như một vị thuốc chữa bệnh.
Sự liên kết đặc biệt giữa cây ổ kiến và loài kiến là kết quả của quá trình tiến hóa lâu dài, là một minh chứng cho sự kỳ diệu của thiên nhiên.
Trong hàng trăm năm qua, đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã dùng cây ổ kiến như một vị thuốc chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Trên phương diện quốc tế, đây là một loài cây được giới sưu tầm cây cảnh ưa chuộng vì dáng vẻ kỳ lạ của mình.
Ở Việt Nam, số lượng cây ổ kiến trong tự nhiên ngày cáng suy giảm do nạn phá rừng, khai thác quá độ, kèm theo tốc độ sinh trưởng chậm của loài cây này. Trong Sách Đỏ Việt Nam, chúng đã được đưa vào diện nguy cấp.