DNA của cựu Tổng thống Mỹ Washington, Kennedy được đưa lên Mặt trăng

Một phần hài cốt hoặc DNA của George Washington, John F. Kennedy hay Gene Roddenberry sắp được đưa vào không gian trong một chuyến bay thương mại.

Celestis, công ty cung cấp dịch vụ đưa tro cốt người vào không gian, thông báo chuyến bay đầu tiên mang tên Enterprise sẽ cất cánh lúc 2h18 rạng sáng 8/1 (giờ địa phương) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida (Mỹ).


Cặp chứa viên nang với 2 kích thước 6,35mm và 12,7mm. (Ảnh: Celestis).

Sau khi phóng, tên lửa Vulcan Centaur do United Launch Alliance sản xuất sẽ đưa một phần hài cốt hoặc DNA của 330 người vào không gian, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ George Washington, John F. Kennedy và Gene Roddenberry, tác giả loạt phim Star Trek.

Hành trình do Celestis công bố gồm 2 giai đoạn. Đầu tiên, tên lửa sẽ thả tàu đổ bộ Peregrine (do Astrobotic sản xuất) đựng 62 viên nang titan, kích thước 6,35 mm và 12,7 mm, chứa hài cốt/DNA người lên bề mặt Mặt trăng.

Tiếp theo, tàu vũ trụ Centaur thả 268 viên nang còn lại vào không gian sâu, và chúng sẽ "quay quanh Mặt trời mãi mãi", theo tuyên bố của Charles Chafer, CEO Celestis.

Các "huyền thoại" của Star Trek gồm diễn viên Nichelle Nichols, James Doohan và DeForest Kelley, một phần của Majel Barrett-Roddenberry (vợ Gene Roddenberry) cũng sẽ được đưa lên tàu vũ trụ.


Viên nang không tên chứa mẫu tóc của các cựu tổng thống Mỹ. (Ảnh: Celestis).

Gene Roddenberry từng tham gia chuyến bay đầu tiên của Celestis vào năm 1997, mang tên Founders. Khi đó, Majel bày tỏ ước nguyện cùng Gene bay lên không gian khi bà qua đời.

"Lúc đó tôi mới 28 tuổi, chẳng có lý do gì để cho rằng chúng tôi không thể làm điều đó. Vì vậy, chuyến bay không chỉ là thành tựu lớn nhất trong công việc, mà còn hoàn thành lời hứa của tôi", Chafer cho biết.

Theo New York Post, chuyến bay cũng hoàn thành tâm nguyện của họa sĩ Luise Kaish, người qua đời ở tuổi 87 vào năm 2013. Theo con gái Melissa Kaish, mẹ của cô rất thích khám phá vũ trụ. Do đó, bà mong muốn đưa tro cốt ra không gian.

Từ năm 1997, Celestis có nhiều chuyến bay chở hài cốt người ra khỏi Trái Đất. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phần còn lại của người đã khuất được công ty thả lên Mặt trăng.

Chi phí "mai táng" ngoài không gian rất đắt. Chuyến bay đưa tro cốt đến dưới quỹ đạo Trái Đất, sau đó trở về mặt đất thường có giá gần 3.000 USD, trong khi chuyến bay quay quanh Trái Đất tốn gần 5.000 USD.

Lần này, chuyến bay đưa vĩnh viễn một phần tro cốt vào không gian sâu có giá dưới 13.000 USD. Việc mang toàn bộ hài cốt tốn nhiều chi phí, do đó Celestis chỉ đưa phần nhỏ, từ 1-7 g/người.


Tên lửa Vulcan Centaur sản xuất bởi United Launch Alliance. (Ảnh: ULA).

Chuyến bay Enterprise dự kiến khởi hành vào ngày 4/5/2023, nhưng đã phải dời đến 8/1 năm nay. Theo Space.com, một số người không hài lòng với chuyến bay, bao gồm Tổng thống xứ Navajo Buu Nygren.

Ngày 21/12/2023, Nygren gửi thư yêu cầu Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (USDOT) hoãn vụ phóng. Ông cho rằng việc đưa hài cốt người lên Mặt trăng mang tính xúc phạm, bởi "Mặt trăng giữ vị trí thiêng liêng trong nhiều nền văn hóa".

Bất chấp phản đối của xứ Navajo, về mặt lý thuyết, chuyến bay không do NASA điều hành. Trong thông báo ngày 4/1, Chris Culbert, Giám đốc chương trình Dịch vụ Tải trọng Thương mại Mặt trăng (CLPS) của NASA, cho biết đây là sứ mệnh thương mại, những thứ được mang lên tàu vũ trụ do doanh nghiệp quyết định.

Cập nhật: 08/01/2024 znews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video