Kết quả đo đạc chính xác nhất từ trước đến nay về cấu trúc và tốc độ giãn nở của vũ trụ đã làm nổi lên nghi ngờ về hiểu biết trước nay của con người về vũ trụ.
Báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal đã xác nhận dường như có chênh lệch lớn giữa hai phương pháp khác nhau khi ước tính tốc độ giãn nở của vũ trụ.
Ảnh chụp một vụ nổ siêu tân tinh.
Báo cáo mới cho thấy khoảng 5% vũ trụ cấu tạo từ cái gọi là vật chất bình thường, trong khi phần còn lại là vật chất tối và năng lượng tối. Cả vật chất tối lẫn năng lượng tối đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Năng lượng tối, được cho đứng sau sự giãn nở của vũ trụ với tốc độ ngày càng tăng, chiếm 66,2% vũ trụ, theo báo cáo.
Phần còn lại 33,8% là kết hợp giữa vật chất thường và vật chất tối.
Để rút ra kết luận chính xác nhất từ trước đến nay về cấu tạo của vũ trụ, đội ngũ chuyên gia quốc tế đã quan sát những vụ nổ siêu tân tinh. Tổng cộng họ phân tích ánh sáng phóng thích từ 1.550 vụ nổ siêu tân tinh khác nhau, từ khoảng cách gần trái đất hơn và trải dài đến 10 tỉ năm trước.
“Chúng tôi có thể so sánh và chứng kiến cách thức vũ trụ hành xử và tiến hóa theo thời gian”, AFP dẫn lời trưởng nhóm Dillon Brout thuộc Trung tâm Vật lý thiên thể của Harvard–Smithsonian (trụ sở Cambridge, Massachusetts, Mỹ).
Ông Brout dẫn đầu dự án mang tên Pantheon+, nhằm mang đến sự đo đạc chính xác nhất về cấu trúc của vũ trụ. Nhóm của ông phân tích dữ liệu thu thập từ hơn 2 thập niên quan sát vũ trụ của các chuyên gia trên toàn thế giới.
Nhóm Pantheon+ ước tính được vũ trụ đang giãn nở với tốc độ 73,4 km/megaparsec, hay 3,26 triệu năm ánh sáng/năm, tương đương khoảng 255.000 km/giờ, theo thông báo của Trung tâm Vật lý thiên thể của Harvard–Smithsonian.
Tuy nhiên, con số này chênh lệch với số liệu ước tính trước đó nếu đo bằng bức xạ nền vi sóng vũ trụ. Đây là bức xạ điện từ được sinh ra cách sự kiện Big Bang khoảng 300.000 năm.
Số liệu này là khoảng 67km/megaparsec, tức chậm hơn nhiều so với kết quả đo đạc mới nhất.