Theo đó, toàn bộ nữ giới trong làng sẽ không được phép mặc đồ ngủ trong khoảng từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Nếu vi phạm sẽ bị phạt 2000 rupee, tức là vào khoảng 650.000đ. Lý do: váy ngủ là trang phục... khêu gợi, Tây hóa, làm mất thuần phong mỹ tục.
Quy định lạ đời nhất thế gian
Tokalapalli là một làng chài nghèo nằm trong bang Andhra Pradesh của Ấn Độ. Và đây cũng là nơi có một quy định lạ đời nhất thế gian kể từ tháng 7/2018, sau khi 9 "bô lão" của làng tiến hành một cuộc họp, quy định cấm đàn bà, con gái mặc nightie (đồ ngủ kiểu Âu) vào ban ngày được đặt ra.
Tất nhiên, chuyện mặc váy ngủ vào ban ngày thì cũng không hợp lý cho lắm. Nhưng mà đưa vào quy định thì chắc chỉ mình Tokalapalli là có thôi.
Sau khi "lệ làng" được ban hành, mọi người đều bắt buộc phải thực hiện. Và họ cũng đã nghiêm túc thực hiện thật. Tính đến nay, Tokalapalli vẫn chưa có trường hợp bị phạt nào cả.
Cấm mặc váy ngủ cũng là vì... quyền lợi của nữ giới
"Sẽ không sao nếu họ mặc váy ngủ ở trong nhà, nhưng nếu ra ngoài mà vẫn ăn bận như thế, nó có thể thu ong hút bướm, gây rắc rối cho chính người mặc" - Balle Vishnu Murthy, trưởng làng Tokalapalli giải thích.
Vấn đề chỉ là trong nhiều năm qua, đồ ngủ rộng rãi, thoải mái đã trở thành kiểu trang phục yêu thích cho hàng triệu phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là các bà nội trợ trên khắp thành thị, thậm chí là cả trong các làng mạc hẻo lánh nữa.
Một số người dân trong làng cũng cho hay, họ không đồng tình với quy định này. Song vì mức tiền phạt khá cao, họ đành cắn răng ngậm chặt miệng lại vậy.
Không phải là "lệnh cấm" đầu tiên
Trước đó, vào năm 2014, một ngôi làng ở gần Thành phố Mumbai cũng từng "ban" lệnh cấm trên, đe dọa phạt 500 rupee đối với những ai vi phạm. Tuy nhiên, nó sớm bị dẹp, vì cánh chị em tại đó phản đối dữ dội.
Thực tế, váy ngủ kiểu Âu tại Ấn Độ không phải là một kiểu trang phục thời trang. Và nó cũng đã được biến tấu để phù hợp với văn hóa ăn mặc của nơi này, đảm bảo "che kín toàn bộ cơ thể". Nếu so với trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn là sari thì váy ngủ có xấu hơn, nhưng lại đơn giản hơn và phù hợp để mặc trong lúc làm việc nhà.
Sari truyền thống của người Ấn Độ rất đẹp, nhưng khá cầu kỳ và vướng víu.
Thêm vào đó, váy ngủ cũng rất rẻ, chỉ khoảng chừng 100 rupee/cái. "Tuy nó không phải là trang phục thanh lịch nhất nhưng lại được cái tiện lợi và thiết thực nhất" - nhà thiết kế David Abraham cho hay.
Cấm vì… lý do đạo đức
Được biết, đồ ngủ phương Tây đã du nhập vào Ấn Độ kể từ thời Anh thuộc. Không rõ nó đã từ trong phòng ngủ bước ra đường phố vào năm nào, nhưng theo Shefalee Vasudev, một biên tập viên mảng thời trang của Tờ Mint, thì bà đã từng thấy các cô dì ở thị trấn Gujarat mặc nó đi chợ trong thập niên 1970.
Đến những năm 1990, váy ngủ đã thịnh hành khắp thủ đô Delhi. Người ta còn mặc nó cả trong lúc đang buôn bán rau ở ngoài đường lộ. Vasudev cho rằng chính váy ngủ đã tạo nên một cuộc cách mạng, giải phóng phụ nữ Ấn Độ khỏi sự giam cầm của sari.
"Không thể nào lại bảo thứ trang phục tiện lợi ấy là sexy hay khêu gợi được" - bà khẳng định.
"Có tục tĩu hay không là do con mắt của người nhìn" - Abraham tỏ vẻ đồng tình. Ông còn bức xúc đến nỗi phê phán lệnh cấm mặc đồ ngủ là "hoàn toàn vô lý". "Bạn đã bao giờ nghe nói tới một cuộc họp làng để quyết định đàn ông thì phải ăn mặc như thế nào chưa? Lúc nào nó cũng chỉ toàn làm khó dễ với phụ nữ".
Nhưng dù thế nào đi nữa, Tokalapalli vẫn cứ cấm nữ giới mặc váy ngủ vào ban ngày, và lệnh cấm đó là vì… lý do đạo đức và sự an toàn của các chị em.