Đô thị tràn lan có thể đã làm diệt vong Angkor Wat

Một bản đồ mới dựa trên dữ liệu vệ tinh đã tiết lộ ngôi đền Angkor Wat của Campuchia là trung tâm của một trong những thành phố lớn nhất thế giới thời kỳ tiền công nghiệp. Họ cũng mở ra ánh sáng cho sự suy tàn bí ẩn của Angkor.

Angkor là thủ đô của vương quốc Khmer từ thế kỷ 9 đến 16. Ngôi đền điêu tàn và đổ nát còn lại ngày nay, Angkor Wat, được xây dựng từ thế kỷ 12 theo lệnh của một trong những vị hoàng đế thời kỳ đó.

Sử dụng các dữ liệu radar mặt đất do NASA cung cấp, các nhà nghiên cứu đã tìm được bằng chứng cho thấy Angkor phủ trên diện tích gần 1.000 km2. Để so sánh, thành phố Philadelphia ngày nay chỉ rộng 350 km2 trong khi Phoenix (đều của Mỹ) chiếm diện tích hơn 1.300 km2 chưa kể vùng ngoại ô rộng lớn. Mỗi thành phố này đều có hơn 1,5 triệu người sinh sống.

"Tuy nhiên về mặt dân số, Angkor chỉ có vài trăm nghìn người", Damian Evans, một nhà khảo cổ học tại Đại học Sydney, Australia, cho biết. "Có những thành thị với dân số đông hơn nhiều ở Trung Quốc trước, trong và sau thời kỳ Angkor".

Minh họa các khu dân cư xung quanh Angkor Wat. (Ảnh: LiveScience)

Hệ thống tưới tiêu và sự suy vi của Angkor 

Kỹ thuật radar mới còn xác định được hơn 1.000 chiếc hồ nhân tạo mới và hơn 70 ngôi đền đã hư hại từ lâu. Những dữ liệu này cung cấp bằng chứng mới mẻ cho quan điểm được nêu ra từ hơn 50 năm trước, rằng: Angkor sử dụng một hệ thống tưới tiêu phức tạp có liên hệ với những chiếc hồ và sự suy tàn của thành phố dường như là hậu quả của việc khai thác đất đai quá mức.

Hệ thống tưới tiêu của Angkor gồm có các kênh đào ở phía Bắc, đổ nước vào những hồ chứa lớn ở trung tâm thành phố, cạnh ngôi đền. "Từ đây, một loạt kênh phân phối khác dẫn nước đi về vùng phía Nam của Angkor".

Những năm 1950, nhà khảo cổ học Bernard-Philippe Groslier đã phỏng đoán dấu vết của một mạng lưới dẫn nước là một phần của mạng lưới tưới tiêu cổ đại cung cấp nước cho các nông dân ở ngoại ô. Groslier cũng lập luận rằng sự hư hỏng của mạng lưới này, bắt nguồn từ việc khai thác quá mức đất đai, có liên quan đến sự sụp đổ của Angkor.

Ủng hộ giả thuyết của Groslier, các bản đồ mới và những đợt khai quật gần đây đã tiết lộ những chỗ đứt gãy trong các con kênh và những nỗ lực để vá víu hệ thống này.

Dữ liệu radar mặt đất do NASA cung cấp (Ảnh: LiveScience)

Bài học hiện đại

"Công trình của chúng tôi chứng tỏ Angkor chắc chắn rất rộng lớn, và việc sử dụng đất cũng đủ khốc liệt để có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ sinh thái vùng", Evans nói.

Angkor từng được bao bọc bởi những cánh đồng lúa bát ngát, mà để có nó người ta đã phải phát quang rừng trên diện tích lớn. Qua thời gian, việc canh tác dày đặc có thể đã dẫn tới những trục trặc sinh thái nghiêm trọng, trong đó có những hậu quả của việc phá rừng, xói mòn và rửa trôi đất bề mặt.

Hậu quả của việc khai thác cạn kiệt môi trường không phải là bài học duy nhất mà Angkor để lại cho các xã hội hiện đại. Thành cổ này còn cần đến mạng lưới hạ tầng rộng lớn (như kênh đào, đường xá) cần duy tu - một công việc khó khăn và tốn kém. "Đây là điều đáng cân nhắc, nhất là với các thành phố hiện đại ngày nay trải quá rộng mà dân số thưa thớt như Angkor".

Mô hình xây dựng lại không gian khu vực Angkor (Ảnh: LiveScience)

T. An

Theo LiveScience, Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video