Nhiều hãng công nghệ thông tin lớn và tồn tại dựa trên các sản phẩm độc quyền như Oracle, IBM và Sun đang đầu tư hàng tỷ USD cho nguồn mở. Đây là dấu hiệu chứng tỏ chiến lược phát triển và kinh doanh của các công ty phần mềm đã thay đổi căn bản.
Như để thể hiện mình hoàn toàn “thành tâm” với nguồn mở, IBM tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào quá trình phát triển và quảng bá hệ điều hành Linux.
Vậy tại sao các hãng độc quyền lại để tâm nhiều đến phần mềm mã mở (open source software - OSS)? Câu trả lời rất đơn giản: vì lợi nhuận. Nhưng con đường đầu tư vào OSS để dẫn đến đích là thu hồi vốn không thẳng băng như nhiều người lầm tưởng. Các công ty phải xác định sẽ mã mở hóa bao nhiêu phần trăm sản phẩm độc quyền của họ và mô hình OSS sẽ đóng vai trò chính hay phụ trong kế hoạch kinh doanh…
Iansiti chia các dự án OSS thành nhóm “vì tài chính” và “vì cộng đồng”. Nhóm thứ nhất đã nhận hơn 2 tỷ USD đầu tư gồm Linux, Firefox và OpenOffice trong khi nhóm 2 hoạt động chủ yếu nhờ những cố gắng tự nguyên của các cá nhân. Không ngạc nhiên khi nhóm hoạt động vì tiền lại nắm trong tay gần như mọi dự án OSS có tầm ảnh hưởng lớn.
“OSS là công cụ kinh doanh được sử dụng có mục đích bởi rất nhiều tập đoàn. Nếu môi trường phát triển mà trong đó một phần dịch vụ hay sản phẩm được cung cấp miễn phí, nó sẽ là đòn bẩy thúc đẩy cả nền công nghiệp. Trong vai trò là người cung cấp dịch vụ, bạn sẽ chỉ phải dành thời gian để xác định phần dịch vụ nào sẽ miễn phí và kết hợp một cách khéo léo với việc bán các dịch vụ hay sản phẩm bổ sung”, Iansiti chỉ ra động lực đằng sau các tuyên bố “bắt tay với nguồn mở” của các công ty có nền tảng độc quyền.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là họ muốn lèo lái các lập trình viên mã mở đang làm việc trong các dự án OSS sao cho đi đúng định hướng triến lược của công ty đã đề ra.
Theo Iansiti, hướng đi mới này đã thay đổi cách người ta nghĩ về phát triển và liên kết trong kinh doanh. Quan hệ truyền thống là giữa các công ty với nhau. Còn trong môi trường mã mở, liên kết đó diễn ra giữa các công ty với cộng đồng các nhà phát triển. Mối quan hệ này thúc đẩy thị trường phát triển vì nó đòi hỏi chi phí thấp hơn kiểu truyền thống, trong khi các sản phẩm cũng hướng trực tiếp đến nhu cầu người sử dụng, đồng nghĩa với doanh thu và lợi nhuận cao hơn.
Hải Nguyên