Những vị khách vào trong một khách sạn nằm trên đường biên giới ở châu Âu có thể ngủ trên lãnh thổ Pháp, nhưng tắm trên lãnh thổ Thụy Sĩ.
Khách sạn duy nhất thế giới nằm trên lãnh thổ hai nước: Pháp, Thụy Sĩ
Arbez là tên một khách sạn hai sao tại thị trấn vùng biên La Cure của Thụy Sĩ, cách thành phố Geneva khoảng 8 km về phía bắc.
Khách sạn chẳng những nổi tiếng đối với những người mê trượt tuyết, mà còn độc đáo ở chỗ nó nằm trên đường biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Đường biên giới "chạy" qua phòng ăn, bếp, cửa hàng đồ lưu niệm, sảnh và nhiều phòng của khách sạn.
Một nửa cầu thang thuộc lãnh thổ Pháp, còn nửa kia thuộc lãnh thổ Thụy Sĩ.
Vào năm 1862, chính phủ Thụy Sĩ và Pháp nhất trí thay đổi đường biên giới ở Thung lũng Dappes. Hai nước ký thỏa thuận vào ngày 8/12/1862. Tận dụng quy định đó, Monsieur Ponthus - một doanh nhân thông minh - xây một khách sạn tại khu đất nằm trên đường biên giới của gia đình. Mục đích của ông là kinh doanh dịch vụ khách sạn ở cả hai quốc gia.
Khi chính phủ Thụy Sĩ phê chuẩn hiệp ước, Ponthus đã xây xong tòa nhà 3 tầng nên khách sạn không chịu ảnh hưởng của đường biên giới mới. Ponthus mở một quán bar bên phía Pháp và một cửa hàng bên phía Thụy Sĩ.
Vào năm 1921, Jules-Jean Arbeze, một doanh nhân, mua lại cửa hàng và biến nó thành khách sạn.
Đường biên giới (màu đỏ) chạy qua một ngôi nhà và một tấm biển trên đường. Đây là tấm ảnh mà một người chụp từ văn phòng cơ quan hải quan Thụy Sĩ, một tòa nhà gần khách sạn Arbez.
Trên thực tế, khi nằm trong phòng ngủ của khách sạn, rất có thể một tay của khách thuộc lãnh thổ Thụy Sĩ, còn tay kia thuộc lãnh thổ Pháp. Ngoài ra, dù ở trong một phòng, khách sẽ ngủ trên lãnh thổ nước này, song lại tắm trên lãnh thổ nước kia.
Một cột mốc biên giới ở phía sau khách sạn.
Đoạn đường phía trước của khách sạn. Vị trí độc đáo của khách sạn dẫn tới nhiều tình huống thú vị. Chẳng hạn, trong Đại chiến Thế giới thứ hai, Đức Quốc xã chiếm Pháp, trong khi Thụy Sĩ là nước trung lập. Vì thế lính Đức chỉ có thể vào những nơi thuộc Pháp trong khách sạn Arbez, chứ không được phép vào những khu vực thuộc lãnh thổ Thụy Sĩ.
Nếu lính Đức muốn trèo lên các tầng phía trên, họ phải leo lên cầu thang. Nhưng cầu thang lại thuộc lãnh thổ Thụy Sĩ. Tận dụng tình hình đó, lực lượng kháng chiến Pháp đã ẩn náu và giấu những người tị nạn trong các tầng trên.