Độc đáo "Pháo đài Thần tiên" ở Ireland

Trên nhiều ngọn đồi và vùng đồng bằng thuộc phía Tây Bắc của Ireland vẫn còn những cấu trúc vành đai bằng đá tuổi đời cổ xưa mà người dân tin là do các nàng tiên xây dựng.

Sợ khiến các nàng tiên khó chịu mà suốt chiều dài lịch sử, không người nào dám đụng tới một ngọn cỏ, viên đá. Nhờ vậy, hơn 32 nghìn “pháo đài” vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay, thu hút du khách đến khám phá.

Công trình dân sinh


Một Pháo đài Thần tiên khá nguyên vẹn ở Tây Bắc Ireland. (Ảnh: Atlasobscura.com).

Pháo đài Thần tiên (Fairy Fort) là tên gọi của các tàn tích kiến trúc cổ hình vòng tròn hoặc nhiều vòng tròn đồng tâm bằng đá, hiện đang có mặt khắp vùng Tây Bắc hẻo lánh của Ireland. Hầu hết chúng đều bị đất cát và thực vật che phủ nên bề ngoài chỉ như móng đá cũ kỹ, đổ vỡ hoặc đụn đất.

Dân gian Ireland quan niệm Pháo đài Thần tiên là công trình xây dựng và trú ngụ của các nàng tiên. Nhân vật nàng tiên trong văn học dân gian Ireland là những sinh vật thần thoại siêu… khó ở.

Họ có sức mạnh pháp thuật khổng lồ nhưng chỉ sử dụng quyền năng này cho lợi ích của bản thân. Vì yêu thích yên tĩnh, các nàng tiên sẽ trừng phạt bất cứ ai xâm phạm, gây ồn ào tại nơi ở của họ bằng những cách thức tàn bạo như phá hoại tài sản, bắt cóc thân nhân, tước đoạt mạng sống.

Năm 1930, khi nhà văn khoa học Paddy Gannon nổi tiếng nhất Ireland vẫn còn là học sinh, ông từng đóng góp một câu chuyện dân gian liên quan đến pháo đài này mà ông sưu tầm được từ quê hương.

Câu chuyện kể rằng, ngày xưa, sâu trong thị trấn buồn tẻ Kilmaine có 2 anh em nhà Mooney là John và Tom cần xây nhà để ở. Trong lúc tìm kiếm vị trí thích hợp, John vô tình phát hiện một Pháo đài Thần tiên hoàn hảo, vô cùng thích hợp để sửa sang và tái tạo thành nhà.

Lập tức, John gọi Tom đến, hai anh em cùng nhau dọn sạch cỏ, cây cối mọc trong và ngoài Pháo đài Thần tiên. Trong lúc làm việc, họ loáng thoáng nghe thấy tiếng khóc nhưng không bận tâm.

Một linh mục đi ngang, nhìn thấy và cảnh báo 2 anh em nhà Mooney không nên tiếp tục. Họ phớt lờ và chỉ sau một đêm, cả 2 đã chết không rõ nguyên nhân. Ai cũng nghĩ anh em nhà Mooney đã bị nàng tiên trừng phạt.

“Câu chuyện mà nhà văn Gannon sưu tầm được chỉ là một dị bản trong đề tài Pháo đài Thần tiên”, nhà khảo cổ Matthew Stout cho biết. Văn học dân gian Ireland có rất nhiều truyện xoay quanh đề tài này nhưng đều chung một cái cốt là ai đó phá hoại Pháo đài Thần tiên tự nhiên bị đổ bệnh, cụt chân tay hoặc chết.

Tất nhiên, không nhà khảo cổ nào lại tin Pháo đài Thần tiên là công trình của nhân vật thần thoại. Thế kỷ XX, giới khảo cổ Ireland và quốc tế nhiều lần tới miền Tây Bắc quốc đảo này, tìm kiếm và khai quật hệ thống này. Cuối cùng, họ đưa ra kết luận Pháo đài Thần tiên chính là tàn tích của công trình dân sự có từ thời cổ đại, sớm nhất là khoảng thế kỷ VI – VII trước Công nguyên.


Ban đầu, các Pháo đài Thần tiên có lẽ là dạng hào tròn, bảo vệ cả gia súc lẫn con người. (Ảnh: Reddit).

Di tích thú vị

Năm 1991, khảo cổ Ireland ước tính có khoảng 30 – 40 nghìn Pháo đài Thần tiên ở phía Tây Bắc, đa số thuộc thế kỷ VII – IX. Thời gian này, Tây Bắc Ireland là khu vực có tới trên 200 vương quốc và mỗi nước chỉ bé như một làng. Nền kinh tế của tất cả các vương quốc đều phụ thuộc vào chăn thả gia súc.

Có lẽ, ban đầu, Pháo đài Thần tiên không chỉ là móng đá, mà còn có hào bao, tường che... “Về cơ bản, nó giống như khu trú ẩn hình tròn, có ngoài cùng là hào sâu, kế tiếp là hàng rào được dựng bằng đất đá, gỗ, trong cùng là không gian rộng rãi cho gia súc và cả nhà tròn cho người ngụ cư”, nhà khảo cổ Stout suy đoán.

“Pháo đài Thần tiên không phải công sự chiến tranh hay lâu đài bất khả xâm phạm mà chỉ đơn giản là nơi trú ẩn của con người và gia súc nhằm tránh thời tiết khắc nghiệt cũng như động vật săn mồi”, ông Stout kết luận.

Kiểm tra niên đại các Pháo đài Thần tiên cho thấy không có công trình được xây dựng sau thế kỷ XII. Qua nhiều suy luận và tranh cãi, các học giả Ireland đồng thuận rằng nguyên nhân là do người Viking.

Khoảng thập niên 850, người Viking thành lập thị trấn đầu tiên ở Ireland. Nhờ thông thạo đường biển và buôn bán, họ mang đa dạng các loại ngũ cốc lên quốc đảo này, đáp ứng nhu cầu lương thực vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sữa, thịt gia súc của người bản địa.


Nỗi sợ hãi bị các nàng tiên trừng phạt đã giúp Ireland bảo tồn Pháo đài Thần tiên. (Ảnh: Atlasobscura.com).

So với chăn nuôi, mua ngũ cốc ít tốn kém hơn. Vì thế, số lượng người bản địa chăn thả nhanh chóng giảm sút và số lượng khu trú ẩn bị bỏ hoang lại gia tăng. Trải qua thời gian, tường của chúng bị mục nát còn hào thì bị đất vùi lấp, cuối cùng chỉ sót lại móng đá.

Công trình nào bị bỏ hoang cũng sẽ sớm… gắn liền với yêu ma. Dân gian Ireland nặng mê tín, đầy rẫy các câu chuyện truyền miệng về sự trả thù, chọc phá, trừng phạt của yêu tinh, thần tiên.

“Bây giờ, người Ireland không tin có nàng tiên nhưng vẫn kiêng kỵ đụng chạm vào Pháo đài Thần tiên. Dù chỉ là gỡ một bụi gai nhất định phải nhổ đi ra khỏi móng đá, họ vẫn dè dặt”, nhà khảo cổ Stout nói.

Không ngờ, chính sự mê tín này của họ lại cứu các Pháo đài Thần tiên khỏi khai thác đất đai phục vụ nông nghiệp, xây dựng… Nhờ vậy mà đến nay, khắp phía Tây Bắc vẫn còn khoảng 32 nghìn Pháo đài Thần tiên. Tất cả đều xếp vào diện di tích được bảo tồn, thu hút du khách yêu khảo cổ, tín ngưỡng dân gian.

Cập nhật: 09/06/2024 GDTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video