Cận cảnh "pháo đài sư tử" cao gần 200m giữa rừng rậm Sri Lanka

  •  
  • 353

Pháo đài Sigiriya còn được gọi là "lâu đài trên bầu trời". Nơi đây như một viện bảo tàng ngoài trời hấp dẫn, du khách không thể bỏ qua khi đến đảo quốc Sri Lanka.

Pháo đài Sigiriya
Pháo đài Sigiriya.

Sri Lanka nằm ở khu vực Nam Á, điểm nối giữa Đông Á và Đông Phi. Với đường bờ biển dài, trải đầy cát mịn, làn nước trong vắt cùng những khu rừng hoang sơ, những khu nghỉ dưỡng ấn tượng…, đảo quốc này được mệnh danh là hòn ngọc của Ấn Độ Dương.

Sri Lanka từng có tên trong danh sách điểm đến hàng đầu năm 2019 của Lonely Planet. Hòn đảo hình giọt lệ chỉ 65.610km2 được nhiều người coi là một thiên đường du lịch.

Đây là một trong những địa điểm khảo cổ đáng chú ý nhất của Sri Lanka 
Đây là một trong những địa điểm khảo cổ đáng chú ý nhất của Sri Lanka.

Sigiriya là một trong những địa điểm khảo cổ đáng chú ý nhất của Sri Lanka mà du khách không thể bỏ qua. Sigiriya bắt nguồn từ Sihagri, có nghĩa là sư tử đá nên nơi đây còn có tên gọi núi đá sư tử. Khách quốc tế thường gọi đây là Lion Rock. Vào năm 1982 công trình này được Unesco công nhận là di sản thế giới.

Sigiriya là một ngọn đá khổng lồ cao gần 200m, trên đỉnh là một cung điện dành cho nhà vua, và sau này được sử dụng như một tu viện Phật giáo. Để chiêm ngưỡng kiệt tác này, du khách phải leo lên 1.200 bậc thang nhỏ hẹp, cheo leo bên những tảng đá.

 Nơi đây biến thành một tu viện Phật giáo rồi chính thức bị bỏ hoang trong rừng rậm.
 Nơi đây biến thành một tu viện Phật giáo rồi chính thức bị bỏ hoang trong rừng rậm.

Theo lời kể của các hướng dẫn viên, công trình này được xây dựng vào thời vua Kashyapa I - người trị vì xứ Sinhalese từ năm 477 đến năm 495 sau Công nguyên. Ông chọn một ngọn núi cao, tại vùng đất hẻo lánh rất khó tiếp cận từ mọi hướng làm đại bản doanh, xây dựng cung điện nguy nga mang dáng hình uy dũng của một con sư tử, đặt hy vọng biến đây thành pháo đài bất khả xâm phạm. Ngày nay, phế tích còn lại là đôi chân sư tử trấn giữ ngay tại lối vào.

Lion Rock dù kiên cố đến đâu cũng không thể bảo vệ nổi nhà vua. Bị quân lính quay lưng, nhưng không muốn chết dưới tay kẻ thù, Kashyapa I đã tự sát. Sigiriya trở thành cố đô, rồi sau đó trở thành phế tích. Nơi đây biến thành một tu viện Phật giáo rồi chính thức bị bỏ hoang, chìm trong rừng rậm từ thế kỉ XIV.

Sau nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy 150 ngôi làng quanh khu vực.
Sau nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy 150 ngôi làng quanh khu vực.

Đến thế kỉ XIX, kỳ quan cổ xưa này mới có cơ hội phát lộ. Sau nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy 150 ngôi làng cùng 200 bể chứa nước cực lớn vây quanh tòa thành trên đá. Cơ sở hạ tầng được thiết kế khoa học bao gồm bể chứa khổng lồ, hệ thống đường ống cấp thoát nước, các khu vườn được bố trí với tỷ lệ đối xứng tuyệt đẹp.

Một số đài phun nước hiện vẫn còn hoạt động tốt trong mùa mưa, dù đã tồn tại 16 thế kỷ.
Một số đài phun nước hiện vẫn còn hoạt động tốt trong mùa mưa, dù đã tồn tại 16 thế kỷ.

Theo sử sách, có khoảng 500 bích họa trên đá từng bao phủ bề mặt phía tây của Lion Rock. Tuy nhiên ngày nay, hầu hết những bức tranh đã bị hư hỏng.

Phía bên kia của bức tường được phủ kín bởi khoảng 1800 đoạn văn xuôi, thi phẩm, bình luận, chia sẻ cảm xúc của những người đã từng đặt chân, được viết bằng tiếng Sinhala, tiếng Phạn, tiếng Tamil... Tuy nhiên, kể từ năm 1967, sau hành động phá hoại bằng cách vẩy sơn tung tóe lên bề mặt bức tường, nơi đây nghiêm cấm du khách chụp hình, chạm tay vào mọi chữ viết lẫn bích họa.

Được mệnh danh là "kì quan thứ tám của thế giới", Pháo Đài Đá Sigiriya Lion là điểm du lịch độc đáo với du khách.

Cập nhật: 16/08/2023 Dân Trí
  • 353