Dốc ngược người đuối nước - cách sơ cứu sai lầm

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo sơ cứu người đuối nước bằng cách dốc ngược là điều rất nguy hiểm vì có thể gây thiếu oxy não.

Bé gái 7 tuổi ngã xuống hồ nước trong khuôn viên trụ sở xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, sáng 1/11. Khi vớt lên bờ, cháu toàn thân tím tái, ngừng thở, tim ngừng đập, anh Hà Minh Hải, Phó trưởng công an xã liên tục hà hơi, thổi ngạt, ép lồng ngực. Sau nhiều lần cấp cứu vẫn không thấy dấu hiệu sự sống, anh Hải xốc ngược cháu bé lên vai, chạy quanh sân nhiều vòng nhằm đẩy nước ra ngoài. Sau đó, anh cùng mọi người đưa cháu sang trạm y tế cấp cứu rồi chuyển đến bệnh viện huyện. Sáng 2/11, cháu bé xuất viện.

Trước cách sơ cứu trên, bác sĩ Tiến cho rằng tinh thần giúp đỡ người gặp hoạn nạn của thượng úy Hải là rất đáng quý, đáng tuyên dương. Tuy nhiên cách sơ cứu dốc ngược người đuối nước là một điều rất nguy hiểm. May mắn, cháu bé sống, nhưng có thể đối diện nguy cơ di chứng tổn thương não do thiếu oxy quá lâu.

Theo đó, việc dốc ngược một người bị đuối nước chạy vòng vòng sẽ làm trì hoãn cấp cứu ngưng tim ngưng thở, rút ngắn thời gian vàng cung cấp oxy cho cơ quan quan trọng như não, tăng tỷ lệ tử vong và di chứng tổn thương não thiếu oxy không hồi phục. Cách xử trí này không làm nước trong phổi chảy ra ngoài, đồng thời có thể làm dịch trong dạ dày trào ra ngoài, tăng nguy cơ hít sặc.

Bác sĩ Tiến nhấn mạnh, sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân. Theo đó, nhanh chóng đưa người đuối nước ra khỏi mặt nước. Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.


Cách cứu đưa người đuối nước lên bờ.

Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, cần tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 15/2 (khi có hai cấp cứu viên) hoặc 30/2 (khi chỉ có một cấp cứu viên) trong hai phút rồi đánh giá lại xem nạn nhân có thở lại được không, môi có hồng không, có phản ứng khi lay gọi kích thích đau không. Nếu không thì phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.


Hướng dẫn ép tim thổi ngạt cứu người ngưng thở. (Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn)

Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt họ ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân bằng chăn hay một tấm khăn khô.

Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi họ có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.

Theo bác sĩ Tiến, phần lớn nạn nhân bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại bệnh viện không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu oxy.

Một trong những cách sơ cứu không đúng là dùng nhiều thời gian cho việc xốc nước. Động tác dốc ngược nạn nhân không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như nhiều người nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.

Nhiều người áp dụng hình thức lăn lu, bằng cách cho trẻ nằm sấp trên cái lu được để rơm nung cháy bên trong lăn lu qua lại nhằm mục đích "rút nước" trong cơ thể trẻ ra. Phương pháp này không hiệu quả, còn gây bỏng.

Một số nạn nhân ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não, dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế, tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước (trước khi đưa vào bờ).


Cách hà hơi thổi ngạt cứu người đuối nước.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh phòng ngừa đuối nước bằng cách không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước. Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông; luôn có người lớn đi theo. Không cho bệnh nhân động kinh bơi. Nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi.

"Nếu tất cả mọi người đều được học cấp cứu ngưng tim ngưng thở ngoại viện đúng cách, thì sẽ cứu sống được nhiều trường hợp, ít đi những mảnh đời sống với di chứng tổn thương não thiếu oxy không hồi phục", bác sĩ Tiến chia sẻ.


Cách tự cứu khi nguy cơ bị đuối nước.

Nhà trường nên lưu ý học sinh cuối năm nghỉ hè về an toàn khi đi bơi, hay chèo thuyền vùng sông nước.

Tại Việt Nam, mỗi năm đuối nước cướp đi sinh mạng hơn 3.000 thanh thiếu niên, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 16 tuổi. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Cập nhật: 05/11/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video