Đọc tâm trí người chết

Nhiều bệnh nhân đang bị mắc kẹt trong tình trạng sống thực vật, vật vờ giữa ranh giới sống chết và giới khoa học đang nỗ lực giải phóng đầu óc của họ.

Kể từ khi những trường hợp hôn mê sâu đầu tiên xuất hiện vào thập niên 1950, đến nay số ca dạng này tiếp tục tăng lên trên toàn thế giới. Hiện nay, chỉ tính riêng tại châu Âu mỗi năm lại xuất hiện khoảng 230.000 trường hợp, và trong số này ước tính sẽ có khoảng 30.000 ca lâm vào tình trạng sống thực vật kéo dài. Theo BBC dẫn lời chuyên gia Adrian Owen của Đại học miền Tây Ontario (Canada), những người bị liệt vào nhóm sống thực vật luôn trong tình trạng vô thức. Mắt của họ có thể mở và đôi khi còn đảo qua lại. Họ có thể cười, khóc, rên rỉ hoặc càu nhàu, nhưng không thể nhìn hoặc hiểu được lời nói. Các bệnh nhân này cử động không theo mục đích mà chỉ đơn thuần là hành động phản xạ. Họ dường như mất đi ký ức, cảm xúc, mục đích, những đặc điểm giúp mỗi người trong chúng ta độc nhất vô nhị. Tâm trí của họ bị đóng kín, nhưng mí mắt có thể chớp động, khiến người xung quanh cứ tự hỏi liệu người nằm đó có còn lại chút ý thức nào không.


Giới khoa học đang nỗ lực xuyên thủng bức màn tối tăm đang bao phủ đầu óc của người sống thực vật - (Ảnh: Science Photo)

Cách đây 1 thập niên, câu trả lời sẽ vô cùng lạnh lùng: không. Tuy nhiên, sau thời gian dài nghiên cứu, hiện có đến 3 chuyên gia ở châu Mỹ và châu Âu cho rằng, một số bệnh nhân trong trạng thái thực vật vẫn có thể suy nghĩ và cảm giác được theo mức độ nhất định. Ngoài Owen, chuyên gia Steven Laureys của Đại học Liege (Bỉ) và Nicholas Schiff của Đại học Cornell (Mỹ) đang theo đuổi các cuộc nghiên cứu về người thực vật, nhất là sau khi có trường hợp bệnh nhân bừng tỉnh sau thời gian dài hôn mê sâu. Nổi bật nhất là Kate Bainbridge, giáo viên 26 tuổi, bị nhiễm vi rút vào năm 1997 khiến não bộ và cuống não bị viêm nhiễm, đẩy bệnh nhân vào tình trạng hôn mê sâu. Vài tuần sau, Kate tỉnh lại, nhưng chuyển sang tình trạng sống thực vật. Bốn tháng kể từ nhận được chẩn đoán mới, cô trở thành bệnh nhân đầu tiên của nhóm chuyên gia Cambridge và được tiến hành chụp cắt lớp phát xạ (PET). Đến năm 1998, kết quả được công bố hết sức khả quan, cho thấy não bộ của Kate phản ứng không khác gì những người khỏe mạnh. Và sau 12 năm sống lại, Kate bắt đầu có thể nói được vài từ đơn giản, giao tiếp thông qua chữ viết, dù phải trải qua quãng đời còn lại trên xe lăn, theo báo cáo trên chuyên san Nature.

Kate hy vọng trường hợp của mình có thể hỗ trợ công cuộc nghiên cứu tình trạng của người sống thực vật. Trong bức thư gửi chuyên gia Owen, bà viết: “Làm ơn sử dụng trường hợp của tôi để cho mọi người thấy tầm quan trọng của phương pháp quét não… Tôi từng nằm bất động không phản ứng và trông hết sức vô vọng, nhưng ảnh chụp não cho thấy tôi vẫn ở đó”. Điều mà cả 3 chuyên gia đang nỗ lực chứng minh là buộc thế giới phải có cái nhìn khác đối với một số bệnh nhân bị liệt vào tình trạng sống thực vật. Một vài người thậm chí có thể được xếp vào nhóm “hoàn toàn có ý thức” nhưng mắc hội chứng “nhốt trong”, tức cơ thể hoàn toàn bất động. Vào năm 2003, chuyên gia Owen và Laureys đã tìm được cách trao đổi với những bệnh nhân sống thực vật, bao gồm Gillian (đã đổi tên). Bằng cách sử dụng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), chuyên gia Owen đã đọc được suy nghĩ của Gillian, theo báo cáo trên chuyên san Science. Cuộc thử nghiệm trên 54 bệnh nhân sống thực vật được công bố vào năm 2010 tiếp tục chứng thực rằng không phải người thực vật nào cũng mất ý thức.

Trong thời gian tới, các chuyên gia tiếp tục tập trung vào các phương pháp như PET và fMRI để đọc não người thực vật, với hy vọng một ngày nào đó có thể mang họ trở lại cuộc sống.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video