"Các loại tên miền dùng một lần - hay còn được biết đến với tên gọi "domain kiting" - hiện đã trở thành một vấn đề lớn. Thông qua phương thức này bọn tội phạm đăng ký sử dụng hàng loạt tên miền sử dụng cho các mục đích trái pháp luật," Mark Sunner, kỹ sư công nghệ trưởng của hãng bảo mật MessageLabs, cảnh báo.
Những kẻ chuyên sử dụng chiến thuật "domain kiting" thường tạo ra các trang web chứa các liên kết đến những tên miền mà chúng không phải trả tiền. Chúng thu được lợi nhuận từ việc những nạn nhân truy cập vào các trang web đó và nhắp vào các đường liên kết.
Chiêu thức lừa đảo này tận dụng một nhược điểm của hệ thống đăng ký tên miền là có giai đoạn hoàn trả sau 5 ngày - tức là khi đăng ký tên miền và sau 5 ngày sử dụng người đăng ký có thể trả lại tên miền hoặc nếu tên miền sai mục đích nhà cung cấp có thể trả lại tên miền và tiền đăng ký cho chủ sở hữu.
Tuy nhiên, bản báo cáo định kỳ hàng tháng MessageLabs Intelligence Report lại khẳng định mức độ nguy hiểm của chiêu bài "domain kiting" này trong tháng 5 vừa qua lại khá ổn định.
Trong tháng qua, Malaysia là quốc gia có tỉ lệ tăng trưởng virus cáo nhất. Bình quân cứ trong 15 email được gửi đi thì có một bức thư điện tử có mang theo các đoạn mã độc hại. Nhưng tình trang này vẫn chưa tồi tệ bằng ấn Độ. Tại quốc gia này tỉ lệ lên tới 1 trong 9,6 bức email gửi đi có chứa phần mềm độc hại.
Hồng Kông và Israel là những quốc gia có số lượng spam lớn nhất. Mức độ thư rác của các quốc gia này đã lên tới 64%. Sunner cho rằng mối đe doạ spam ngày càng gia tăng mạnh mẽ do các công nghệ đoạt quyền kiểm soát PC cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt.
"Bọn tội phạm mạng đã thay đổi rất nhiều trên khía cạnh khai thác khai thác sổ địa chỉ trên các hệ thống bị chúng kiểm soát chỉ bằng những kỹ thuật đơn giản," Sunner nói. "Chính những kỹ thuật này đã giúp cho những mạng botnet hay zombie truyền thống giờ đây có thể gửi đi hàng triệu email mỗi ngày".
MessageLabs cho biết tỉ lệ spam toàn cầu tính trên giao thông mạng email trong tháng 5 đã lên tới 57,9%. Điều này đồng nghĩa với tỉ lệ cứ 1 trong 1,7 email được gửi đi là thư rác.
Trong khi đó tỉ lệ virus tính trên giao thông mạng email trong tháng 5 cũng đã lên tới con số 1 trong 67,1 email là có chứa các loại phần mềm nguy hiểm.
Hoàng Dũng