Ngày 24/1, tại Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử (NLNT) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật NLNT Việt Nam (Dự thảo 1.7).
(Ảnh: VNN) |
Trước đó, Ban soạn thảo Luật NLNT đã tổ chức 3 cuộc hội thảo (ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt) và đã tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách có chọn lọc, có phân tích, đối chiếu, so sánh với các luật có liên quan trong và ngoài nước.
Dự thảo lần này gồm có 16 chương, 118 điều.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: Bố cục của Dự thảo (có nên rút gọn và ghép các chương Quản lý nhà nước và chương Hợp tác quốc tế vào chương Quy định chung hay không?
Ở Chương V - về công việc bức xạ và dịch vụ đảm bảo an toàn, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ vì ít nội dung. Nên có quy định riêng về nhà máy điện hạt nhân. Nội dung Dự thảo nên theo tinh thần điều tiết về an toàn.
Ở phần Quy định chung của Dự thảo, các đại biểu đóng góp nên ghép 2 nguyên tắc ở Điều 5 và Điều 6. Không nên quy định nhà nước độc quyền về điện hạt nhân. Chứng chỉ cho nhân viên vận hành trong cơ sở hạt nhân không nhất thiết phải do Bộ KH&CN mà có thể do các cơ sở đào tạo cấp; Yêu cầu về giấy phép trong một số cơ sở dễ bị hiểu là trùng với chức năng của bộ, ngành khác;
Trong quy định về Bồi thường thiệt hại hạt nhân, có ý kiến nêu không nên quy định giới hạn trách nhiệm bồi thường vào trong Luật, nên để Chính phủ quy định; đơn vị tiền tệ không nên dùng là USD...
Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến từ Hội thảo, ý kiến tư vấn chuyên gia và sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một số vấn đề như: Các loại hình cơ sở hạt nhân, phân biệt giấy phép với giấy chứng nhận về đảm bảo an toàn bức xạ trong một số loại hình hoạt động...