Đồng hồ thiên thạch - Những mảnh thời gian từ vũ trụ

Đây chính là mảnh đá đã được tạo ra từ hàng tỉ năm trước, chu du khắp vũ trụ để rồi cuối cùng đáp xuống cổ tay của chúng ta.

Đó là một ý tưởng đầy thú vị. Mảnh đá ấy, hay nói cách khác - mảnh thiên thạch, chính là vật liệu lý tưởng để chế tạo nên những chiếc đồng hồ xa xỉ, vì nó không chỉ có vẻ bề ngoài đặc biệt, mà còn ẩn chứa cả một câu chuyện, một hành trình không tưởng và huyền ảo.


Sản xuất mặt số đồng hồ Romain Gauthier từ thiên thạch. (Ảnh: FHH Journal)

Từ xa xưa, những người Ai Cập cổ đại đã sáng tạo ra Dương lịch bằng việc quan sát sự thay đổi thời gian mọc của sao Sirius (hay sao Thiên Lang - ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm). Và sau đó với việc người La Mã sử dụng Mặt Trăng để đo thời gian, loài người đã luôn nhìn lên bầu trời cao, quan sát các thiên thể để xác định thời gian.

Ngày nay, việc sử dụng một loại vật liệu từ những thiên thể ngoài Trái đất trên đồng hồ tuy còn khá mới mẻ, nhưng lại chính là cách chúng ta tìm về nguồn gốc của việc đếm thời gian. Một chất liệu thời thượng đang được các thương hiệu đồng hồ xa xỉ của thế giới lăng xê, đó là những mảnh thiên thạch vốn rơi xuống Trái đất từ hàng ngàn, hàng triệu năm về trước.

Thiên thạch, thứ vật liệu dường như chỉ dành cho những nhà khảo cổ hay nhà nghiên cứu khoa học hành tinh, nay có thể nằm trên cánh tay của bất kỳ người nào đam mê đồng hồ, hay đơn giản là thích mang theo những suy nghĩ về vũ trụ sâu thẳm và huyền bí.


Đồng hồ DeBethune Dream Watch 5 Meteorite có vỏ làm từ thiên thạch rơi xuống Argentina, được xử lý nhiệt để tạo ra màu xanh đặc trưng của dòng DeBethune.

Có lẽ chúng ta đều đã biết thiên thạch được khai thác ngày nay thuộc về một sao chổi hay tiểu hành tinh rơi xuống Trái đất. Tảng thiên thạch lớn nhất được phát hiện vào năm 1920 tại Namibia nặng khoảng 60 tấn, được đặt tên là Hoba, có lẽ đã rơi xuống Trái đất khoảng 80.000 năm trước.

Có ba loại thiên thạch, được phân biệt theo hàm lượng đá và hợp kim sắt-nikel bên trong. Trong đó, thiên thạch đá chiếm tới 94% tổng số thiên thạch trên Trái đất, thiên thạch sắt chiếm 5% và thiên thạch hỗn hợp thì chiếm 1% còn lại. Tuy nhiên, trong ngành đồng hồ, các hãng sản xuất chỉ sử dụng thiên thạch sắt, với tỉ lệ lớn hợp kim sắt-nikel, để chế tác các chi tiết.

Thiên thạch vốn rất hiếm, đặc biệt và kỳ lạ, nên chắc chắn sẽ có một vài người thắc mắc: "Thiên thạch chẳng phải thứ được bảo vệ nghiêm ngặt chỉ dành cho nghiên cứu hay sao? Làm thế nào mà các thương hiệu đồng hồ lại chạm được tay vào loại vật liệu khan hiếm này để sản xuất hàng loạt"?

Câu trả lời ở đây là các nhãn hiệu đồng hồ xa xỉ cũng là bậc thầy thu thập các vật liệu kỳ lạ. Từ Jaeger-LeCoultre, Hermès, Parmigiani đến Rolex, tất cả đều từng cho ra mắt những sản phẩm đồng hồ có mặt số thiên thạch, thậm chí còn chế tạo những chiếc đồng hồ vỏ thiên thạch.

Những cỗ máy thời gian này và giá cả của chúng có thể cho thấy rằng thiên thạch là một loại vật liệu xa xỉ, có lẽ gần giống kim loại quý. Tuy vậy, mặt số thiên thạch cũng có thể xuất hiện trên vài mẫu đồng hồ có giá cả phải chăng. Thương hiệu Zelos đã ra mắt đồng hồ có mặt số thiên thạch trong nhiều bộ sưu tập có giá chỉ trên dưới 1.000 USD.


Chiếc Rolex Cosmograph Daytona với mặt thiên thạch.

Nói cách khác, thiên thạch không hiếm như chúng ta vẫn nghĩ. Hơn nữa, mặt số đồng hồ khá nhỏ và mỏng, cũng như hầu hết những chiếc đồng hồ dòng xa xỉ này đều được sản xuất với số lượng hạn chế, các thương hiệu đồng hồ dường như không hề làm cạn kiệt nguồn cung thiên thạch quý giá trên thế giới. Trên thực tế, việc được đặt một cách an toàn đằng sau mặt kính sapphire lại là một trong những cách bảo quản tốt nhất để tôn vinh chất liệu thú vị của thiên thạch.

Qua hàng tỉ năm hứng trọn nhiều mảnh vỡ không gian lớn nhỏ, giờ đây Trái đất có nguồn cung thiên thạch khá lớn, thường xuyên được các công ty đồng hồ tìm đến. Một ví dụ điển hình trong đó là thiên thạch Gibeon ở Namibia, vốn là mảnh vỡ của thiên thể nào đó đến từ vành đai nằm giữa sao Hoả và sao Mộc; hay thiên thạch Muonionalusta từng tấn công Thụy Điển. Ở cả hai nơi, nhiều mảnh vỡ thiên thạch nằm rải rác trên diện rộng và vài mảnh trong đó có kích cỡ khá lớn. Một thiên thạch rơi trên cánh đồng nào đó có thể trông như một loại quặng khổng lồ có bề mặt lỗ chỗ, nhưng nếu được cắt và xử lý bằng quy trình đặc biệt, mảnh đá ấy sẽ hé lộ những bề mặt đặc sắc.


Đồng hồ mặt thiên thạch Ulysse Nardin Planetarium Nicolaus Copernicus.

Thiên thạch vốn có nhiều loại với thành phần khác nhau, nhưng những loại như Gibeon và Muonionalusta là lựa chọn tốt nhất cho mục đích chế tác sản phẩm thời trang. Sở hữu những mảnh thiên thạch trong tay, lúc này công việc của nhà chế tác đồng hồ mới thực sự đòi hỏi rất công phu.

Đầu tiên, họ phải cắt dọc theo các mặt phẳng khác nhau để nhìn nhận các hoa văn khác nhau, vài góc cho thấy các đường vân thẳng, một vài góc khác có giao diện ngẫu hứng, số còn lại sẽ có hình zigzag.

Sau khi được đánh bóng và làm sạch, người ta sử dụng một vài hoá chất, như axit nitric để làm nổi bật sự tương phản giữa các thành phần khác nhau trên mảnh thiên thạch. Vì có kết cấu hoàn toàn tự nhiên, khác biệt về độ thô hoặc độ mịn giữa các thành phần khác nhau, nên nếu được sử dụng trong chế tạo đồng hồ, thiên thạch sẽ tạo nên vẻ bề ngoài độc nhất.

Thú chơi đồng hồ hẳn được đẩy lên đỉnh cao, khi kết hợp giữa vẻ đẹp thời gian lên tới hàng triệu năm của một mảnh thiên thạch, với cỗ máy cơ tinh xảo mà các nghệ nhân công phu tạo tác.

Cập nhật: 08/02/2022 Theo Báo Tin Tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video