Bên trong lớp học nhỏ, 50 thanh thiếu niên đang cố gắng tập trung. Một trong hai chiếc quạt trần bị hỏng và những chiếc quạt đứng chỉ đến được với một số ít học sinh.
Heart Cona, học sinh lớp 11 ở thành phố General Santos, Philippines, nơi đợt nắng nóng khắc nghiệt đã khiến nhiệt độ lên trên 40 độ C, cho biết: "Hãy tưởng tượng tất cả 50 người cùng chia sẻ chừng đó chiếc quạt. Nó giống như đứng dưới cái nắng chói chang trong ngày hè, có điều nóng nực kéo dài từ sáng đến tối".
Cô gái 17 tuổi mô tả hơi nóng có thể khiến mình "chảy ra". "Đứng dưới bóng râm cũng chẳng ích gì vì không khí nóng luôn bao trùm xung quanh".
Trên khắp Nam và Đông Nam Á, đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần đang khiến trường học đóng cửa. (Ảnh minh họa).
Nhiệt độ không chỉ khiến Heart và các bạn cùng lớp đau đầu và say nắng, mà còn khiến việc học rơi vào tình trạng "hỗn loạn" vì các lớp học trực tiếp thường xuyên bị hủy do nắng nóng.
Theo các nhà phân tích, Philippines không đơn độc. Trên khắp Nam và Đông Nam Á, đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần đang khiến trường học đóng cửa, cướp đi sinh mạng hàng chục người, đồng thời viết lại lịch sử khí hậu của khu vực.
Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học và sử gia thời tiết, viết trên X (trước đây là Twitter): "Hàng trăm kỷ lục đã bị phá hủy trên toàn châu Á. Chúng ta đang chứng kiến điều chưa từng có trong 3 thế kỷ của khí hậu học".
"Hoàn toàn điên rồ"
Kỷ lục mới đang được thiết lập ở khắp nơi. Nhiệt độ ở một số khu vực tại Lào đã đạt mức cao mới 43,2 độ C, trong khi Myanmar có nhiệt độ vượt ngưỡng 44 độ C.
Ở Thái Lan, mọi chuyện trở nên “hoàn toàn điên rồ”, với những kỷ lục “bị phá vỡ mỗi ngày”, ông Herrara nói. Nhiệt độ cao nhất là 44,2 độ C được ghi nhận ở khu vực phía bắc Lampang và nhiệt độ đã tăng trên 43 độ C ở 16 tỉnh.
Nhưng riêng nhiệt độ không thể hiện được cường độ của thời tiết, còn phải tính đến độ ẩm, yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số nhiệt (nhiệt độ mà cơ thể con người cảm nhận). Khi độ ẩm cao, cơ thể chúng ta khó giữ mát hơn nhiều vì nó cản trở sự bay hơi của mồ hôi. Điều này có thể dẫn đến kiệt sức, say nắng và tử vong.
Chuột rút và kiệt sức “có thể xảy ra” nếu chỉ số nhiệt lên tới 40 độ C, trên 50 độ C được coi là “rất nguy hiểm”, có nguy cơ bị say nắng. Người già đặc biệt dễ bị tổn thương vì cơ quan điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bên trong kém hiệu quả hơn người trẻ.
Tại Philippines - nơi chính phủ đã hủy các lớp học trực tiếp tại 47.000 trường học - chỉ số nhiệt ghi nhận vào ngày 28/4 tại thành phố Iba là 53 độ C.
Nhiệt độ liên tục đạt mức cao kỷ lục tại Thái Lan.
Trong khi đó tại Bangkok - nơi tập trung các trung tâm mua sắm có máy điều hòa, ô che nắng đang là mặt hàng hot - chỉ số nắng nóng lên tới 52 độ C trong tuần này.
Tiến sĩ Roxy Koll, nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ, cho biết: "Toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ở trong chảo lửa".
Giáo sư Theepakorn Jithitikulchai, nhà kinh tế và chuyên gia khí hậu tại Đại học Thammasat ở Bangkok, cho biết tháng 4 là thời điểm nắng nóng trong khu vực, nhưng năm nay hiện tượng thời tiết El Nino đã "đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục".
Ông cho biết thêm: "El Nino cũng góp phần làm giảm lượng mưa, có khả năng dẫn đến hạn hán".
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố vào tháng trước, châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu - gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961-1990. Cơ quan này nói thêm rằng lục địa này là “khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước vào năm 2023”.
Nicholas Rees, Giám đốc chương trình biến đổi khí hậu tại văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF ở Bangkok, cho biết: "Thật không may, thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á, chưa chuẩn bị cho những tác động sắp tới. Sẽ cần nỗ lực tập thể ở quy mô lớn để thiết lập các hệ thống cần thiết nhằm quản lý tác động của biến đổi khí hậu".
Nới rộng khoảng cách
Với nguồn lực và kinh phí để giải quyết những vấn đề này còn hạn chế, có những lo ngại rằng cơ sở hạ tầng của nhiều khu vực sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, nhiệt độ cao cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Trong khi những người giàu có làm việc trong các văn phòng có máy điều hòa, học ở trường có máy lạnh và sống trong những ngôi nhà mát mẻ với điều hòa không khí, thì điều này không có sẵn hoặc không thể chi trả đối với nhóm khó khăn.
Ann, 51 tuổi, người bán vé số bên đường Phahonyothin sầm uất ở phía tây Bangkok, cho biết: "Tôi chưa bao giờ trải qua điều này trước đây. Tôi cảm thấy như đang ngồi với một chiếc máy sấy tóc ở chế độ nóng". Với hai đứa con ở nhà, bà không còn cách nào khác ngoài làm việc dưới thời tiết nóng bức.
"Thật khó để ngồi đây cả ngày với nhiệt độ như thế này", bà vừa nói vừa cầm một chiếc quạt mây đủ màu sắc.
Nhiệt độ cao cũng được chứng minh là làm chậm chức năng nhận thức của não. Trong một nghiên cứu năm 2020 tại Mỹ, các nhà nghiên cứu nhận thấy học sinh thể hiện kém hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn nếu phải tiếp xúc với nhiệt độ cao trong năm trước kỳ thi.
Nhiều người buộc phải làm việc ngoài trời, dưới thời tiết nắng nóng cực độ.
Nghiên cứu kết luận rằng năm học nóng hơn 0,55 độ C đã làm giảm 1% kết quả học tập trong năm đó - một tác động gần như có thể bị loại bỏ hoàn toàn nếu lớp học có máy điều hòa.
Josh Goodman, nhà kinh tế tại Đại học Boston và đồng tác giả của nghiên cứu, nói: "Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng khoảng cách học tập giữa các nước nóng và mát".
Jay-Em Estrella, giáo viên khoa học tại một trường tư thục ở thành phố Quezon, Philippines, hoàn toàn đồng ý. Trong khi các lớp học của anh đang gặp khó khăn, hoàn cảnh của các trường công lập phụ thuộc vào những chiếc quạt thậm chí còn tồi tệ hơn. Anh lo ngại về những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển của con người.
"Chúng tôi vừa mới phục hồi sau lệnh phong tỏa… và giờ đây các lớp học lại đang bị tạm dừng. Hệ thống giáo dục đã bị thụt lùi và nay nắng nóng giống như tạo thêm một vết lõm trên một chiếc ôtô vốn đã đầy vết xước", Estrella nói.