Châu Á nắng nóng tàn khốc đến bao giờ?

Nắng nóng kỷ lục đang bao trùm châu Á, từ Myanmar đến Philippines. Hàng triệu trẻ em đã phải nghỉ học để tránh nhiệt độ khắc nghiệt.

Theo Straits Times, nắng nóng đã tấn công phần lớn Nam và Đông Nam Á với nhiệt độ liên tiếp phá kỷ lục ở Chauk (Myanmar) và Manila (Philippines) trong những ngày gần đây.


Nắng nóng khắc nghiệt đã tấn công phần lớn châu Á với nhiều nước ghi nhận nhiệt độ vượt mốc 40 độ C. (Ảnh: Bloomberg).

Chính quyền Thái Lan đã phát cảnh báo về tình trạng nắng nóng “nghiêm trọng” trong khi chính quyền Campuchia, Myanmar, Việt Nam và Bangladesh đều dự báo nhiệt độ vượt mốc 40 độ C.

Theo các chuyên gia, nắng nóng năm nay sẽ kéo dài hơn mọi năm do hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Những khu vực nào bị ảnh hưởng?

Nắng nóng đã tấn công phần lớn khu vực Nam và Đông Nam Á. Các trường học ở Philippines và Bangladesh đã phải tạm ngừng hoạt động trong khi chính quyền Ấn Độ đang xem xét liệu nắng nóng có ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bầu cử hay không.

Miền Bắc Nhật Bản cũng bị sóng nhiệt ảnh hưởng. Nhiệt độ ở tỉnh Sapporo của nước này đã vượt mốc 25 độ C vào tháng 4, ghi nhận kỷ lục nóng lên nhanh nhất trong lịch sử.

Hơn 70 tỉnh của Thái Lan đã chứng kiến nhiệt độ kỷ lục trong tháng 4, thường là tháng nóng nhất trong năm, với mức cao mới đánh bại kỷ lục được thiết lập từ năm 1958. Theo Cục Khí tượng Thái Lan nhiệt độ cao nhất trong ngày đã lên đến 40 độ C ở 25 tỉnh trong tháng 4.


"Nắng nóng cực độ ở Đông Nam Á: Sóng nhiệt đang thiêu đốt Đông Nam Á. Dưới đây là mức nhiệt con người cảm nhận được tại một số thành phố có nhiệt độ cao trong ngày 30/4" - Ghi chú trong ảnh. (Ảnh: Accuweather).

Nhiệt độ cực cao ảnh hưởng đặc biệt mạnh đến trẻ em, người già, người có bệnh nền và người nghèo.

Trẻ em, người già, người có bệnh nền hoặc khuyết tật có thể bị nóng nhanh hơn do hệ miễn dịch không mạnh như người trưởng thành khỏe mạnh. Cơ quan trẻ em Liên Hợp quốc (UNICEF) cảnh báo rằng 243 triệu trẻ em có thể gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng tháng 5.

“Trẻ em tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài dễ gặp tình trạng căng thẳng, bức bối”, Salwa Aleryani, Chuyên gia y tế của UNICEF tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương, cho biết. “Các bệnh về tim mạch, suy nội tạng, rối loạn chức năng cơ và thần kinh cũng có tỷ lệ xảy ra nhiều hơn”.

Ngoài ra, theo Straits Times, những người sống trong nghèo khó cũng khó tiếp cận các giải pháp làm mát. Đa phần người nghèo buộc phải làm việc trong điều kiện ngoài trời và không được bảo vệ khỏi nhiệt độ khắc nghiệt.

Mùa nắng kéo dài hơn mọi năm

Khi nhiệt độ cao đến mức báo động, chính quyền ở một số nước yêu cầu công dân hạn chế ra đường. Các bệnh viện ở Nepal đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng. Trong khi đó, giới chức Campuchia yêu cầu các trường học mở cửa chính và cửa sổ để thông gió vào lớp học.

Tại Bangladesh và Philippines, các trường học đã tạm ngừng hoạt động trong nhiều ngày.


Thái Lan ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong ngày đã lên đến 40 độ C ở 25 tỉnh trong tháng 4. (Ảnh: Bangkok Post).

Dù vậy, theo bà Aleryani, nhiều trẻ em không thể thoát khỏi cái nóng dù ở nhà hay trường học. “Các bậc cha mẹ không thể nghỉ làm vì nắng nóng, do đó nhiều trẻ em phải ở nhà một mình giữa cái nắng cực điểm. Điều này không chỉ làm gián đoạn việc học mà còn ẩn chứa những rủi ro về tính mạng, sức khỏe đối với trẻ”, bà nhận xét.

Theo các chuyên gia, những tháng trước mùa mưa ở châu Á thường nóng. Tuy nhiên, nhiệt độ năm 2024 lại cao hơn nhiều so với mức trung bình ở các quốc gia. Biến đổi khí hậu đang gây ra những đợt nắng nóng thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn.

Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết châu Á đang nóng lên nhanh hơn tốc độ trung bình của thế giới.hiện tượng thời tiết El Nino là một trong những tác nhân chính của vấn đề này, theo TS Milton Speer, nhà nghiên cứu khí tượng tại Đại học Công nghệ Sydney.

“Việc thiếu mây khi El Nino diễn ra có nghĩa là nhiệt độ trung bình có thể cao hơn nữa”, ông chia sẻ với AFP. Ngoài ra, nạn phá rừng làm giảm bóng râm và hiện tượng đảo nhiệt đô thị (các vật liệu như bê tông, kính, thép hấp thụ thay vì phản xạ nhiệt) cũng góp phần gây ra nắng nóng cực độ trong năm nay.

Nắng nóng ở Bangladesh dự kiến sẽ không giảm cho đến ngày 2/5. Tại Thái Lan, các nhà khí tượng dự báo mùa mưa có thể đến vào cuối tháng 5, muộn hơn vài tuần so với mọi năm.


Một chiếc xe kéo đi ngang qua đài phun nước trong đợt nắng nóng đang diễn ra ở Dhaka, Bangladesh. (Ảnh: Razu/NurPhoto).

TS Speer cho biết xu hướng ấm lên toàn cầu sẽ tiếp tục ngay cả khi gió mùa đến và mang theo không khí lạnh. “Các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra vì các đại dương và bầu khí quyển đang nóng lên do sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”, ông nói.

Việc thích ứng với nhiệt độ khắc nghiệt là rất quan trọng, theo TS Speer, chính quyền địa phương cần xây dựng thêm nhiều không gian công cộng có lắp điều hòa nhiệt độ đồng thời cho phép người dân đến đó nghỉ ngơi vào ban ngày và ngủ vào ban đêm.

Cập nhật: 02/05/2024 Znews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video