Dòng sông bị con người bức tử từ thời cổ đại

Các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy một con sông ở phía nam Jordan bị nhiễm độc chì từ cách đây 7.000 năm bởi hoạt động luyện kim của con người.


Vùng lòng sông khô cạn sau 7.000 năm của con sông ô nhiễm đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Đại học Waterloo).

Giáo sư Russell Adams ở khoa Nhân chủng học, Đại học Waterloo, Canada và đồng nghiệp tìm thấy bằng chứng ô nhiễm do hoạt động nấu chảy đồng ở lòng sông khô cạn thuộc tỉnh Wadi Faynan phía nam Jordan, theo Phys.org. Con sông này đã bị bức tử từ cuối thời Đồ đá mới khi cộng đồng người sinh sống ở đây bắt đầu phát triển nghề luyện kim bằng cách nấu chảy kim loại.

Nghiên cứu công bố trong số xuất bản tháng 12 của tạp chí Science of the Total Environment hé lộ một bước ngoặt trong lịch sử khi con người bắt đầu chuyển từ chế tạo công cụ đá sang công cụ kim loại. "Cộng đồng dân cư ở đây mò mẫm thử nghiệm với lửa, đồ gốm sứ và quặng đồng. Tất cả đều là một phần trong quá trình sản xuất kim loại đồng từ quặng sơ khai", Adams cho biết. "Tiến bộ trong công nghệ cũng như việc sử dụng rộng rãi kim loại trong xã hội đánh dấu thời điểm thế giới hiện đại ra đời".

Con người tạo ra đồng cách đây 7.000 năm bằng cách trộn than chì và quặng đồng màu xanh lá xây - xanh dương tồn tại nhiều ở Jordan trong nồi nung hoặc vại bằng gốm sứ và đun nóng hỗn hợp trên lửa. Quá trình này tiêu tốn nhiều thời gian và sức lao động. Vì lý do này, sau hàng nghìn năm, kim loại đồng mới đóng vai trò trung tâm trong xã hội loài người.

Nhiều đồ vật sản xuất trong giai đoạn đầu thời Đồ đồng chủ yếu mang tính biểu tượng và phục vụ chức năng xã hội. Sở hữu những đồ vật hiếm lạ là cách cá nhân thể hiện thanh thế. Theo thời gian, các cộng đồng trong vùng ngày càng lớn mạnh và sản xuất đồng mở rộng. Con người khai thác nhiều khu mỏ, xây dựng lò nấu kim loại và nhà máy sản xuất quy mô lớn vào khoảng năm 2.600 trước Công nguyên. "Khu vực này là quê hương của cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Đây thực sự là trung tâm công nghệ tiên tiến", Adams nói.

Nhưng người dân trong vùng cũng phải trả giá đắt khi gia tăng sản xuất kim loại. Không chỉ gây ô nhiễm cho sông ngòi, xỉ quặng chứa nhiều kim loại độc hại như đồng, chì, kẽm, thạch tín, cadmi, thủy ngân và tali từ quá trình nấu chảy kim loại bắt đầu tích tụ trong đất. Cây trồng hấp thụ những kim loại này, rồi tích tụ trong cơ thể con người và vật nuôi như cừu, dê, ăn thực vật.

Theo Adams, ô nhiễm nguồn nước và đất đai từ hàng nghìn năm khai thác, sản xuất đồng chắc chắn gây ra những vấn đề sức khỏe cho người cổ đại, bao gồm vô sinh, dị dạng và chết non. Các nhà nghiên cứu tìm thấy lượng đồng và chì cao trong xương người có niên đại từ thời La Mã. Nhóm của Adams đang cố gắng mở rộng phân tích về ảnh hưởng của ô nhiễm ở thời Đồ đồng tại Faynan.

Cập nhật: 05/12/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video