Các loài hoang dã thuộc bộ móng guốc, bao gồm cả một số loài đặc hữu của khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đang có nguy cơ biến mất vĩnh viễn trừ khi chính phủ các nước trong khu vực tăng cường bảo vệ và nỗ lực hơn nữa trong công tác phục hồi sinh cảnh và quần thể loài.
Ngày 12/9, WWF (quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên) vừa lên tiếng cảnh báo trong một báo cáo mới: “Vùng vẫy nơi rừng sâu”.
Sao la, loài thú móng guốc đặc hữu của Việt Nam. (Ảnh: WWF/David Hulse)
Báo cáo đề cập đến 13 loài thuộc bộ móng guốc. Trong đó, có hai loài đặc hữu của khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, bò xám và nai Schomburgk đã tuyệt chủng trên toàn cầu đầu thế kỷ 20. Trong khi đó nai chó Đông Dương và sao la đang có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Rất nhiều loài khác cũng có số phận tương tự như nai cà toong và bò rừng. Quần thể bò rừng, được coi là một trong những loài gia súc hoang dã đẹp và duyên dáng nhất, đã giảm 80% từ cuối những năm 1960.
Trên toàn châu Á, gia súc hoang dã và các loài nai lớn là con mồi chính của hổ, bảo tồn các loài thú móng guốc của khu vực liên quan trực tiếp tới số phận của loài hổ, loài đã giảm từ 1.200 xuống còn 350 cá thể từ năm 1998, tại vùng tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Nếu các quần thể con mồi này tiếp tục giảm thì đó sẽ là một mối đe doạ nghiêm trọng tới quần thể hổ còn lại.
Được biết, hiện WWF đang hợp tác cùng với các chính phủ và đối tác để phục hồi quần thể và đưa các loài móng guốc trở lại rừng, nơi một thời chúng đã sinh sống, và nối liền các khu rừng bị phân mảnh để đảm bảo quần thể loài có thể gia tăng.